Gần 1 tỷ người trên thế giới sống chung với các vấn đề lo âu, trầm cảm

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 11/10/2023 07:00 GMT+7

VTV.vn - Nguyên nhân gốc rễ của các bệnh về sức khỏe tâm thần được xác định là bạo lực, lạm dụng, cưỡng bức, bất bình đẳng và chiến tranh, xung đột.

Một nghiên cứu lớn của Đại học Y Harvard, Mỹ thực hiện với 150 nghìn người ở 29 quốc gia đã công bố kết quả hồi đầu năm nay, cho thấy cứ 2 người thì có 1 người sẽ bị rối loạn sức khỏe tâm thần ít nhất một lần trong suốt cuộc đời. Dù vậy, việc giải quyết các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần vẫn chưa được chú trọng đúng mức ở nhiều nước. Nhiều người mắc các bệnh như vậy phải chịu sự phân biệt đối xử, kỳ thị và thậm chí bị vi phạm nhân quyền.

Một trong những chủ đề trọng tâm trong chương trình hành động của Ngày Sức khỏe tâm thần Thế giới năm nay là "Tình trạng sức khỏe tâm thần là mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe của giới trẻ".

Tình trạng sức khỏe tâm thần và thiếu sự chăm sóc, can thiệp kịp thời đã và đang gây đau khổ cho trẻ em và thanh niên ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, bệnh tật và tàn tật.

Một cái ôm ấm áp nhằm tiếp thêm sức mạnh cho cô bé Ibrar Goma. Trong trận lũ quét tàn phá quê hương Derna, cô bé đã mất 3 người bạn yêu quý.

Ibrar Goma, 15 tuổi, nạn nhân trận lũ lụt tại Derna, Libya nói: "Em sẽ không bao giờ quên ngày hôm đó ở Derna, đó là lần đầu tiên trong đời em chứng kiến một điều gì như vậy. Chiến tranh có thể cũng không tồi tệ đến thế, không có nhiều người chết đến thế. Xác người ở khắp nơi, những chiếc xe chở đầy xác chết. Em chẳng thể tưởng tượng được điều đó sẽ xảy đến với thành phố của mình".

Gần 1 tỷ người trên thế giới sống chung với các vấn đề lo âu, trầm cảm - Ảnh 1.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 13% thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi sống chung với chứng rối loạn tâm thần được chẩn đoán. Những trẻ em có nguy cơ cao nhất bao gồm hàng triệu em bị buộc phải rời khỏi nhà của mình, bị tổn thương bởi xung đột và thiên tai nghiêm trọng, hoặc không được tiếp cận với trường học, sự bảo vệ và hỗ trợ.

Tự tử đang là nguyên nhân thứ tư gây tử vong ở thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi. Hàng năm, gần 46.000 trẻ em từ 10-19 tuổi tự kết liễu cuộc đời mình - nghĩa là trung bình cứ 11 phút lại có 1 trẻ em tự tử.

Bà Marta Alvarez - Nhà tâm lý học lâm sàng, Tây Ban Nha cho biết: "Chúng ta đang sống trong một xã hội mà thông thường chúng ta không nói về cái chết. Đến tận lúc này, sức khỏe tâm thần vẫn bị kỳ thị nhiều trong xã hội. Vì vậy, tự tử, liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, thậm chí còn bị kỳ thị nhiều hơn".

Phân tích mới đây chỉ ra rằng, các rối loạn tâm thần ở thanh thiếu niên gây tổn thất khoảng 390 tỷ USD mỗi năm cho các nền kinh tế. Tuy nhiên, cái giá phải trả trong thực tế là không thể tính được.

Ngân sách y tế dành cho sức khỏe tâm thần còn quá ít

Các chính phủ trên toàn thế giới hiện chỉ dành khoảng 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần. Ở một số quốc gia nghèo nhất, mức phân bổ ngân sách này chỉ là dưới 1 USD mỗi người. Những con số này không phù hợp với việc điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần.

Gần 1 tỷ người trên thế giới sống chung với các vấn đề lo âu, trầm cảm - Ảnh 2.

Cô Joyce Mugure là một trong nhiều người tin rằng cuộc sống của họ đã được thay đổi nhờ được tiếp cận với phương pháp điều trị tâm lý tốt. Cô gái trẻ này đã phải vật lộn nhiều năm với chứng rối loạn lưỡng cực mà không được chẩn đoán hay điều trị cho đến năm 2019, khi có người giới thiệu cô đến tiếp nhận tư vấn trị liệu với nhà tâm lý học Martha Nyoro tại Tổ chức Người khuyết tật Tâm thần ở Nakuru, Kenya.

Joyce Mugure - Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực chia sẻ: "Tôi tham gia buổi điều trị tâm lý đầu tiên và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực và bắt đầu điều trị. Kể từ đó, tôi đã dùng thuốc và tham gia các buổi trị liệu tại tổ chức này và hiện nay tôi có thể đi làm và thậm chí vận động cho sức khỏe tâm thần".

Một biện pháp khác đang được nhiều nơi áp dụng để điều trị tâm lý cho thanh thiếu niên là sự đồng hành của các loài động vật. Ở vùng nông thôn Wiltshire của Anh, có một ngôi nhà dành cho những chú ngựa đua đã nghỉ hưu, được chuyển đổi thành nơi hỗ trợ tâm lý cho trẻ em có nhu cầu.

Cậu thiếu niên Shaun bị mắc hội chứng Asperger và vấn đề kiểm soát cơn giận. Việc chăm sóc các chú ngựa ở đây là một cách để cậu xoa dịu tâm tình. "Nếu bạn vui thì ngựa cũng vui, chúng cảm ứng với cảm xúc của bạn. Điều này rất có ích, vì nếu bạn thấy buồn thì chúng sẽ cố gắng giúp bạn vui lên và giữ cho bạn cảm thấy yên bình".

Thành công của những chương trình hỗ trợ tâm lý cuối cùng sẽ được đo lường bằng những cải thiện trong cuộc sống của trẻ em và thanh niên. Nhưng có thể khẳng định một điều, những đầu tư hôm nay trong việc xây dựng một nền tảng sức khỏe tâm thần mạnh mẽ ở mọi trẻ em sẽ được đền đáp bằng sức khỏe tâm thần mạnh khỏe suốt đời của người dân trong cộng đồng và xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước