Cơ quan sẵn sàng ứng phó với tình trạng khẩn cấp về y tế (HERA) sẽ có nhiệm vụ đánh giá những mối đe dọa tiềm ẩn về y tế, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đảm bảo dây chuyền sản xuất quan trọng và hỗ trợ xây dựng các kho dự trữ.
EC nêu rõ, trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng y tế, HERA sẽ kích hoạt việc cấp ngân sách khẩn cấp, đồng thời hỗ trợ điều phối giám sát, mua sắm thiết bị y tế hoặc thuốc điều trị.
Ủy ban châu Âu cho biết, HERA được thành lập một phần nhằm tránh lặp lại những biện pháp mà các nước EU đã áp đặt từ thời gian đầu dịch COVID-19, trong đó có một vài biện pháp không hiệu quả và gây thiệt hại cho các nước thành viên.
HERA là công cụ chính của EU để điều phối sự chuẩn bị cũng như điều phối hoạt động ứng phó dịch bệnh. (Ảnh: PBS)
HERA sẽ hỗ trợ các có quan y tế khác của EU như Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Âu.
Trong một tuyên bố, Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas khẳng định, cả EMA và CDC châu Âu đã được tăng cường trong thời gian qua, nhưng nếu chỉ có 2 cơ quan này thì không đủ để phòng chống dịch bệnh trong tương lai. Do vậy, HERA ra đời như là công cụ chính của EU để điều phối sự chuẩn bị và trong trường hợp cần thiết, HERA cũng sẽ điều phối hoạt động ứng phó dịch bệnh.
Theo kế hoạch, HERA sẽ đi chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2022 với ngân sách 6 tỷ Euro trích từ ngân sách EU cho giai đoạn 2022 - 2027.
Trước đó, hôm 3/9, Mỹ cũng đã công bố kế hoạch trị giá 65 USD nhằm giúp nền kinh tế số một thế giới chống lại các mối đe dọa sinh học tiếp theo sau khi đại dịch COVID-19 lắng xuống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!