Ngày 30/10, cựu Tổng thống Phần Lan Sauli Nininsto đã đệ trình Chủ tịch Ủy ban châu Âu báo cáo về sự sẵn sàng về quân sự và dân sự của Liên minh châu Âu (EU).
Đáng chú ý, báo cáo nêu rõ EU cần khẩn trương và chủ động hơn trong việc ứng phó các cuộc khủng hoảng ngày càng phức tạp mà thế giới đang phải đối mặt.
Báo cáo được công bố chỉ 1 tuần trước cuộc bầu cử tại Mỹ mà kết quả có thể có các tác động đến các chính sách an ninh, quốc phòng của EU, trong khi các điểm nóng quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các xung đột vũ trang sát biên giới châu lục.
Báo cáo của cựu Tổng thống Phần Lan nhấn mạnh, EU cần hành động khẩn cấp về quốc phòng trong bối cảnh các mối đe dọa đã không dừng lại ở biên giới của EU mà lan rộng đến các lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong nền kinh tế như đại dịch COVID-19, các xung đột vũ trang sát biên giới EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhận định: "Châu Âu đang nhận ra rằng những cuộc khủng hoảng lớn trong những năm qua không phải là riêng lẻ hay nhất thời. Thay vào đó, chúng phản ánh những đường đứt gãy sâu hơn và những thay đổi về địa chính trị, khí hậu và công nghệ. Trước những thay đổi này, chúng ta thường phản ứng đơn giản. Nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ của mình. Chúng ta cần chuẩn bị trong các hành động để ứng phó mọi mối đe dọa và rủi ro".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: AFP/Getty Images)
Trong khi đó, khả năng điều chỉnh các cam kết an ninh của Mỹ với EU cũng đòi hỏi châu lục cần phối hợp chặt chẽ hơn, nhanh hơn.
Bà Rachel Tausendfreund (Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức) cho rằng: "Mỹ đã xoay trục sang châu Á trong hai đời tổng thống, và có khả năng duy trì chính sách này. Và điều đó có nghĩa là châu Âu phải hành động, phải trở thành một đối tác có năng lực hơn và cũng trở nên có năng lực hơn trong việc quản lý khu vực an ninh của riêng mình".
Báo cáo cảnh báo 2 lỗ hổng trong chiến lược của EU là thiếu kế hoạch rõ ràng trong trường hợp xảy ra xâm lược vũ trang với một quốc gia thành viên và thiếu năng lực phối hợp và hành động đầy đủ. Trước các vấn đề này, báo cáo đưa ra các đề xuất về tăng cường hợp tác tình báo, trao đổi thông tin, ứng phó các mối đe dọa chung xuyên biên giới.
Tướng Robert Brieger - Chủ tịch Ủy ban quân sự EU – nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng ưu tiên rõ ràng là chúng ta phải thành lập một lá chắn không quân chung, và tất nhiên điều này sẽ đi kèm với một dự luật. Và trong thông báo chiến lược của mình, chúng tôi đã nêu rõ với công chúng rằng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa cho an ninh và quốc phòng trong tương lai".
Theo báo cáo, EU cần chi khoảng 20% ngân sách hiện tại, trị giá khoảng 1 nghìn tỷ Euro trong 7 năm, cho an ninh và phòng ngừa khủng hoảng. Trước đó, để tăng cường các nỗ lực phòng thủ, Ủy ban châu Âu cũng đã đề xuất chương trình công nghiệp quốc phòng châu Âu trị giá 1,5 tỷ Euro vào tháng 3.
Liên minh châu Âu đang nỗ lực xây dựng "tự chủ chiến lược" trong phòng thủ. Nhưng sau gần 3 năm trong tình trạng chiến tranh cận kề, toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào cơ chế phòng thủ chung của NATO, trong đó có Mỹ, để bảo vệ lãnh thổ. Mức độ chi tiêu quốc phòng của toàn bộ 27 nước Liên minh châu Âu, kể cả trong thời điểm đang có chiến tranh, cũng chỉ tương đương 1/3 ngân sách quốc phòng của Mỹ, thậm chí thấp hơn cả Trung quốc.
Khi căng thẳng địa chính trị gia tăng và cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu dao động, EU đang thực hiện các bước mới để củng cố quốc phòng châu Âu. Các sáng kiến gần đây nhất - nhằm tăng cường hợp tác, xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và cuối cùng là giảm sự phụ thuộc vào Mỹ - rất tham vọng song còn nhiều rào cản.
Nhiều đề xuất mới đã vượt quá mong đợi do nguồn tài trợ quốc phòng gần đây của các quốc gia châu Âu không mấy khả quan. Ngoài ra, việc các sáng kiến này có thành công hay không phụ thuộc một phần vào phản ứng của Mỹ và thiện chí của Mỹ đối với việc hỗ trợ các đồng minh châu Âu theo đuổi mục tiêu tự lực cánh sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!