Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan chủ trì cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu từ Trung Đông và Châu Âu để thảo luận về Syria, ngày 12/1/2025. (Ảnh: AFP)
Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) dự kiến nhóm họp vào ngày 27/1/2025 tại Brussels, Bỉ để thảo luận về khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Syria. Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh tình hình chính trị tại Syria có nhiều thay đổi, khi chính quyền mới đang tiếp quản Damascus sau sự kiện Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ hồi đầu tháng 12.
Bà Kaja Kallas, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU, cho biết bất kỳ quyết định nào về việc giảm nhẹ trừng phạt sẽ phụ thuộc vào cách tiếp cận của chính quyền mới tại Syria. Các yêu cầu sẽ bao gồm việc thiết lập một chính phủ đại diện cho nhiều nhóm khác nhau và tránh xu hướng cực đoan hóa.
Bà Kallas nhấn mạnh: "Nếu tình hình phát triển theo hướng tích cực, chúng tôi sẽ tiến thêm bước nữa. Ngược lại, nếu không, các biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng trở lại".
Các nhà phân tích cho biết Saudi Arabia - nền kinh tế lớn nhất Trung Đông, đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình tại Syria sau khi phe đối lập lật đổ cựu Tổng thống Bashar Al-Assad vào tháng 12/2024. (Ảnh: AFP)
Một hội nghị ngoại giao vừa diễn ra ngày 12/1/2025 tại Riyadh có sự tham gia của các nhà lãnh đạo khu vực Trung Đông và phương Tây cùng Ngoại trưởng mới của Syria. Tại đây, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, đã kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Syria để thúc đẩy phát triển kinh tế và hỗ trợ nhân đạo cho người dân quốc gia này.
Các cuộc thảo luận tại hội nghị còn tập trung vào việc hỗ trợ chính quyền tạm quyền Syria, cũng như cơ chế truy cứu trách nhiệm của chính quyền Assad đối với các tội ác chiến tranh trong cuộc nội chiến tại Syria.
Các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Anh và EU đã được áp đặt từ năm 2011 sau khi chính quyền Assad đàn áp các cuộc biểu tình dân chủ, dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài 13 năm. Tuy nhiên, tình hình hiện nay trở nên phức tạp hơn khi chính quyền tạm quyền mới tại Syria bao gồm cả lực lượng từng có liên hệ với al-Qaeda.
Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan (phải) trò chuyện cùng người đồng cấp Syria Asaad Al-Shaibani trước khi tham dự cuộc họp của các quan chức Arab tại Riyadh, ngày 12/1/2025. (Ảnh: AFP)
Đức, quốc gia dẫn đầu các cuộc thảo luận của EU, đề xuất nới lỏng trừng phạt đối với Syria, nhưng vẫn giữ lệnh trừng phạt đối với các đồng minh của ông Assad bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu: "Người dân Syria cần sự hỗ trợ nhanh chóng từ quá trình chuyển giao quyền lực, và chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ những người không có gì".
Trong khi đó, Mỹ đã tạm thời miễn trừ lệnh trừng phạt trong 6 tháng để tạo điều kiện cho việc thực hiện các giao dịch nhân đạo và năng lượng tại Syria.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!