Một sĩ quan cảnh sát đứng gác ở Zvecan, Kosovo, ngày 26/5/2023. (Ảnh minh họa: AP)
Phát ngôn viên của Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) Peter Stano nói với các phóng viên hôm 14/6.
Trong số những "hậu quả tài chính và chính trị" mà Pristina có thể phải đối mặt là việc các quan chức EU sẽ đình chỉ những chuyến thăm cấp cao, giữ lại các quỹ của EU và đóng băng quy trình tự do hóa thị thực của khối với Kosovo, ông Stano cho biết tại một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ.
Ông Stano nhấn mạnh, các biện pháp như vậy "không phải là biện pháp trừng phạt" theo nghĩa truyền thống, mà là "các biện pháp tạm thời và có thể đảo ngược" được lập ra để buộc Thủ tướng Kosovo Kurti phải tuân thủ các yêu cầu.
Khoảng một nửa trong số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc không công nhận Kosovo (là một quốc gia) và vùng lãnh thổ tranh chấp này dựa vào sự hỗ trợ từ Mỹ, EU và các lực lượng của NATO để duy trì tính hợp pháp của mình. Tuy nhiên, ông Kurti đã phải đối mặt với sự lên án ngày càng gay gắt hơn từ các quan chức Mỹ và châu Âu trong những tuần gần đây, kể từ khi ông điều động lực lượng an ninh gốc Albania để đàn áp các cuộc biểu tình của người Serb ở phía Bắc vùng lãnh thổ ly khai này.
Binh sĩ Mỹ thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế Kosovo (KFOR) do NATO đứng đầu đứng gác ở Leposavic, Kosovo, ngày 2/6/2023. (Ảnh: EPA-EFE)
Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra khi thị trưởng địa phương tại bốn thị trấn với đa số người Serb ở miền Bắc Kosovo từ chức vào năm 2022, sau khi chính quyền Pristina công bố kế hoạch buộc cư dân chuyển đổi giấy tờ tùy thân Serbia của họ sang giấy tờ do Kosovo cấp. Người Serb ở bốn thị trấn này đã tẩy chay các cuộc bầu cử vào tháng 4, trong đó bốn thị trưởng người Albania thuộc sắc tộc thiểu số đã giành chiến thắng với tỷ lệ cử tri đi bầu dưới 4% và không có phe đối lập.
Bạo lực bùng phát khi lực lượng của ông Kurti, được NATO hậu thuẫn, đưa các thị trưởng này vào văn phòng của họ vào tháng 5. Khoảng 50 người biểu tình Serb và 25 lính gìn giữ hòa bình NATO đã bị thương tại thị trấn Zvecan trong một cuộc bạo động được cho là do các sĩ quan người Albania xúi giục.
Mặc dù ban đầu tuyên bố cuộc bầu cử là hợp pháp, sau đó EU đã yêu cầu ông Kurti tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới và rút lực lượng của mình khỏi các thị trấn có đa số người Serb sinh sống. Phát ngôn viên EEAS Stano nói với các phóng viên hôm 14/6 rằng ông Kurti cho đến nay vẫn phớt lờ những yêu cầu này.
Ông Kurti từ chối giảm leo thang đã đe dọa mối quan hệ của Kosovo với Albania. Thủ tướng Kosovo đã lên kế hoạch gặp Thủ tướng Albania Edi Rama tại Kosovo vào ngày 14/6, nhưng cuộc gặp đã bị ông Rama hủy bỏ hôm 13/6. Ông Rama cho biết trong một tuyên bố rằng do "mối quan hệ của Kosovo với toàn bộ cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương đang xấu đi hàng giờ, cuộc họp này không thể được tổ chức theo định dạng dự kiến".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!