Đây là thông tin do tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận quốc tế Global Witness công bố hôm 30/8.
Dữ liệu cho thấy, các thành viên của EU tiếp tục nhập khẩu lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đáng kể từ Nga trong 7 tháng đầu năm nay.
EU đã cấm nhập khẩu dầu qua đường biển của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine và giảm đáng kể lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống từ Moscow. Tuy nhiên, lệnh cấm nhập khẩu LNG từ Nga cho đến nay vẫn chưa được phê duyệt bất chấp những lời kêu gọi liên tục từ một số quan chức EU.
Bỉ và Tây Ban Nha là những quốc gia nhập khẩu LNG của Nga lớn thứ hai và thứ ba về tổng thể, với con số lần lượt 7,5 triệu m3 và 7,1 triệu m3. Trong khi đó, Pháp đứng thứ năm trong danh sách với 4,5 triệu m3. Trung Quốc dẫn đầu với 8,7 triệu m3 LNG nhập khẩu từ Nga, trong khi Nhật Bản đứng thứ tư với 7 triệu m3.
Các nước thành viên EU đã mua tổng cộng 21,6 triệu m3 LNG của Nga trong 7 tháng đầu năm nay, so với 21,3 triệu m3 trong cùng kỳ năm 2022. Và con số này tăng 40% so với 7 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo.
EU ước tính chiếm 52% tổng lượng xuất khẩu LNG của Nga từ tháng 1 đến tháng 7, thị phần vượt mốc 49% so với năm 2022 và 39% cho năm 2021. Theo báo cáo, giá trị LNG mà các thành viên của khối nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm theo giá thị trường giao ngay lên tới 5,29 tỷ Euro (5,77 tỷ USD).
Báo cáo cho biết, hầu hết các lô hàng LNG của Nga đều đến từ nhà máy Yamal, một liên doanh của nhà sản xuất LNG lớn nhất nước này, Novatek, TotalEnergies của Pháp, CNPC của Trung Quốc.
Dữ liệu gần đây từ Eurostat cũng hé lộ một bức tranh tương tự, cho thấy Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho EU trong quý I/2023, sau Mỹ và trước Qatar, Algeria, Na Uy, Nigeria.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!