Tổng thống Ai Cập hội đàm với phái đoàn EU do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dẫn đầu, ngày 17/3, tại Cairo, Ai Cập. (Ảnh: AP)
Việc EU công bố gói viện trợ cho Ai Cập đang gặp khó khăn do lo ngại rằng áp lực kinh tế và xung đột ở các nước láng giềng có thể đẩy nhiều người di cư đến châu Âu.
Thỏa thuận trên đã được ký vào chiều 17/3 (theo giờ địa phương) tại Cairo giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo các nước Bỉ, Italy, Áo, Cyprus và Hy Lạp.
"Chuyến thăm của các bạn hôm nay đánh dấu một cột mốc rất quan trọng trong mối quan hệ giữa Ai Cập và Liên minh châu Âu", Tổng thống el-Sissi nói với các nhà lãnh đạo châu Âu trong chuyến thăm. Ông nhận định thỏa thuận này đã đạt được "sự thay đổi mô hình trong quan hệ đối tác".
Theo phái đoàn của EU tại Cairo, gói viện trợ này bao gồm cả các khoản tài trợ và khoản vay trong 3 năm tới dành cho quốc gia đông dân nhất thế giới Arab. Theo một tài liệu từ phái đoàn EU tại Ai Cập, phần lớn khoản viện trợ - 5 tỷ Euro (5,4 tỷ USD) - là hỗ trợ tài chính vĩ mô.
Liên minh châu Âu (EU) đã công bố gói viện trợ cho Ai Cập (Ảnh: X/@vonderleyen)
Phái đoàn châu Âu cho biết hai bên đã thúc đẩy hợp tác lên cấp độ "đối tác chiến lược và toàn diện", mở đường cho việc mở rộng hợp tác EU - Ai Cập trong nhiều lĩnh vực kinh tế và phi kinh tế.
Một tuyên bố chung thông tin sau hội nghị thượng đỉnh: "Liên minh châu Âu công nhận Ai Cập là một đối tác đáng tin cậy và vị trí địa lý chiến lược và độc đáo của nước này là trụ cột của an ninh, điều độ và hòa bình ở khu vực Địa Trung Hải, vùng Cận Đông và châu Phi".
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận, ca ngợi đây là sự kiện "lịch sử". Bà Meloni phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Ai Cập - EU ở Cairo: "Sáng kiến này cho thấy chúng tôi sẵn sàng tăng cường và khuyến khích một phương pháp hợp tác mang tính cơ cấu mới giữa hai bên Địa Trung Hải".
Theo Ủy ban châu Âu, thỏa thuận này - được gọi là Tuyên bố chung - nhằm mục đích thúc đẩy "dân chủ, các quyền tự do cơ bản, nhân quyền và bình đẳng giới". Cả hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác để giải quyết các thách thức liên quan đến di cư và khủng bố.
EU sẽ hỗ trợ Chính phủ Ai Cập củng cố biên giới, đặc biệt là với Libya - điểm trung chuyển chính cho những người di cư chạy trốn nghèo đói và xung đột ở châu Phi và Trung Đông. Khối 27 quốc gia cũng sẽ hỗ trợ Cairo tiếp nhận người tị nạn Sudan chạy trốn cuộc nội chiến trong gần 1 năm qua ở nước họ. Ai Cập đã tiếp nhận hơn 460.000 người tị nạn Sudan kể từ tháng 4/2023.
Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng cuộc tấn công trên bộ sắp tới của Israel vào thị trấn Rafah ở miền Nam Gaza có thể buộc hàng trăm nghìn người phải tràn vào bán đảo Sinai của Ai Cập. Xung đột Israel - Hamas, hiện đã bước sang tháng thứ 6, đã đẩy hơn 1 triệu người đến Rafah.
Ai Cập cho biết có 9 triệu người di cư vào nước này, trong đó có khoảng 480.000 người đã đăng ký tị nạn và xin tị nạn với cơ quan tị nạn Liên hợp quốc. Nhiều người trong số những người di cư này đã thành lập doanh nghiệp riêng, trong khi những người khác làm việc trong nền kinh tế phi chính thức với vai trò là người bán hàng rong và nhân viên dọn dẹp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!