Hệ thống này sẽ trở thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng không của Liên minh châu Âu.
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng với người đồng cấp Israel Yoav Gallant, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhấn mạnh, lễ ký kết thỏa thuận là "ngày lịch sử" đối với cả hai nước.
"Chúng tôi đều nhất trí rằng hệ thống Arrow sẽ giúp lực lượng phòng không Đức phù hợp với tương lai. Đây là một trong những hệ thống tiên tiến hàng đầu, nếu không muốn nói là tốt nhất. Và chúng tôi rất hài lòng vì điều đó. Chúng tôi đã ký biên bản ghi nhớ ngay sau các cuộc đàm phán tương đối ngắn", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói.
Thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD này là thương vụ lớn nhất trong ngành quốc phòng Israel. Ông Pistorius khẳng định, hệ thống Arrow 3 sẽ giúp phòng không của Đức sẵn sàng cho tương lai.
Đức hy vọng, hệ thống tên lửa Arrow 3 có thể được bàn giao vào quý IV/2025.
Đức sẽ tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 vào quý IV/2025. (Ảnh: Le Figaro)
Arrow 3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo được bắn từ khoảng cách lên tới 2.400 km. Hệ thống này do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) và Boeing hợp tác phát triển, lần đầu tiên được triển khai tại một căn cứ không quân của Israel vào năm 2017.
Hệ thống Arrow 3, hiện đại hơn so với các phiên bản trước đó, được trang bị radar, bệ phóng và tên lửa dẫn đường có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ngoài bầu khí quyển. Đây cũng là lần đầu tiên Arrow 3 được bán ra nước ngoài.
Theo các chuyên gia, trong khi hai hệ thống tên lửa hiện đại Patriot và IRIS-T đảm bảo năng lực phòng không tầm trung, hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3, do Israel Aerospace Industries và Boeing liên doanh sản xuất, sẽ đảm nhiệm phòng không tầm cao cho Đức.
Trước đó, vào ngày 17/8, Mỹ đã cho phép Israel ký kết hợp bán hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow-3 do Mỹ và Israel đồng phát triển và sản xuất cho Đức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!