Động thái trên được đưa ra sau đề xuất của Ủy ban châu Âu trong tuần vừa qua về việc gia hạn giấy phép sử dụng glyphosate, một loại thuốc diệt cỏ mạnh, trong 10 năm.
Bộ Nông nghiệp Đức cho biết: "Trong bối cảnh có các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, Chính phủ Đức đã kêu gọi châu Âu loại bỏ glyphosate và cảnh báo về các quy định (liên quan đến glyphosate) không đồng nhất ở EU".
Kết quả sẽ được đưa ra sau cuộc họp giữa đại diện của 27 quốc gia thành viên EU để xem xét đề xuất của Ủy ban châu Âu. Việc xem xét lệnh cấm glyphosate được triển khai trên cơ sở một báo cáo từ cơ quan quản lý, theo đó ước tính rằng mức độ rủi ro không đủ để biện minh cho việc cấm loại thuốc diệt cỏ gây tranh cãi này.
Các quốc gia thành viên EU sẽ phải quyết định về tương lai của glyphosate bằng cuộc bỏ phiếu vào ngày 13/10.
Về nguyên tắc, EU có trách nhiệm cấp phép cho một số hoạt chất nhất định, sau đó để các quốc gia thành viên phê duyệt việc sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật dựa trên hoạt chất tương ứng. (Ảnh: Shutterstock)
Tuy nhiên, Đức cho biết, việc cấp phép sử dụng glyphosate phải chấm dứt "chừng nào (sản phẩm này) không thể loại trừ thiệt hại đối với đa dạng sinh học, nền tảng của nông nghiệp bền vững".
Theo chính quyền Berlin, đề xuất của Ủy ban châu Âu đưa ra các điều khoản chính xác hơn cho giấy phép mới, "nhưng những nội dung này chỉ ràng buộc phần nào đối với các quốc gia thành viên và do đó sẽ không có sự thống nhất chung về quy định (giữa các nước)".
Đề xuất của Ủy ban châu Âu dựa trên đánh giá khoa học của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA).
Glyphosate, hoạt chất trong sản phẩm nổi tiếng Roundup của Monsanto, được công ty Bayer của Đức mua lại vào năm 2018, được sử dụng rất rộng rãi trên toàn thế giới. Vào năm 2015, glyphosate được Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về ung thư thông qua Tổ chức Y tế Thế giới phân loại là "chất có thể gây ung thư" cho con người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!