Đức chuẩn bị kết thúc tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali

Quỳnh Chi (Theo France24)-Thứ năm, ngày 17/11/2022 06:34 GMT+7

(Ảnh minh họa: Getty)

VTV.vn - Đức sẽ kết thúc tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali vào cuối năm 2023.

Đây là thông tin một nguồn tin chính phủ nói với AFP hôm 16/11 sau nhiều tháng hoạt động gặp khó khăn.

Nguồn tin cho biết: "Chậm nhất là vào cuối năm 2023, các binh sĩ Đức phải chấm dứt tham gia sứ mệnh mũ nồi xanh của Liên hợp quốc MINUSMA".

Anh và Bờ Biển Ngà đầu tuần này xác nhận, các nước này sẽ rút khỏi sứ mệnh trên.

Theo nguồn tin của Đức, các quan chức từ Thủ tướng, đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao nước này đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc rút quân.

Theo nguồn tin trên, quyết định cuối cùng về việc có tiếp tục ở Mali hay không sẽ được đưa ra vào ngày 22/11 tới tại một cuộc họp có sự tham dự của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Theo Bộ Ngoại giao Đức, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.

Quân đội Đức đã có mặt tại Mali từ năm 2013 với sự hiện diện của 1.400 binh sĩ trong khuôn khổ sứ mệnh MINUSMA. Sự hiện diện của binh sỹ Đức một phần nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt của binh lính Pháp sau khi Paris rút lực lượng khỏi nước này vào đầu năm nay.

Đức chuẩn bị kết thúc tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali - Ảnh 1.

(Ảnh: Getty)

Quân đội Pháp đã ở Mali gần 10 năm để hỗ trợ quốc gia này chống lại các nhóm thánh chiến gây ra mối đe dọa ngày càng tăng ở Sahel.

Các lực lượng Đức đã phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng trong những tháng gần đây và đã nhiều lần phải tạm dừng các cuộc tuần tra do thám sau khi bị từ chối quyền đi qua. Bộ Quốc phòng Đức hôm 16/11 cho biết, Mali đã không cấp các giấy phép cần thiết cho máy bay không người lái do thám của mình kể từ ngày 11/10.

"Tất nhiên, điều này có tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ, nó bị hạn chế đáng kể", một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức cho biết.

Tổng thống dân cử của Mali, Ibrahim Boubacar Keita, đã bị lật đổ vào tháng 8/2020. Năm 2021, quân đội Mali lật đổ một chính phủ dân sự lâm thời và bắt đầu thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Điện Kremlin. Mối quan hệ với Pháp, cường quốc thuộc địa cũ và đồng minh truyền thống của Mali, nhanh chóng xuống dốc.

Bờ Biển Ngà hôm 15/11 thông tin sẽ rút quân khỏi các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trước tháng 8/2023.

Thông báo về việc rút quân của Anh được đưa ra hôm 14/11. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh James Heappey cho biết, các nhà lãnh đạo quân sự của Mali "không sẵn sàng hợp tác với chúng tôi để mang lại sự ổn định và an ninh lâu dài".

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã gia hạn nhiệm vụ MINUSMA trong một năm vào ngày 29/6, mặc dù chính quyền quân sự nước này phản đối yêu cầu cho phép tự do đi lại cho các nhà điều tra nhân quyền trong phái bộ gìn giữ hòa bình.

MINUSMA là một trong những hoạt động gìn giữ hòa bình lớn nhất của Liên hợp quốc với 17.557 binh sĩ, cảnh sát, dân thường và tình nguyện viên được triển khai tính đến tháng 6, theo trang web của phái bộ.

EU triển khai phái bộ quân sự tới Mali EU triển khai phái bộ quân sự tới Mali

Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) hôm 17/1 nhóm họp tại Brussels (Bỉ) đã nhất trí triển khai một phái bộ quân sự tới Mali.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước