Đông Nam Á sẽ tụt hậu nếu không sớm phục hồi du lịch quốc tế ngay bây giờ?

Huệ Anh-Thứ hai, ngày 21/06/2021 13:00 GMT+7

VTV.vn - Bây giờ là thời điểm vàng để Đông Nam Á phục hồi du lịch quốc tế, có thể bắt đầu từ cuối năm nay và đạt được một số thành tựu đáng kể vào đầu năm 2022.

SÁNG KIẾN "HỘP CÁT" CỦA THÁI LAN - VÁN BÀI ĐẶT CƯỢC

Thái Lan sẽ mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại trong vòng 4 tháng tới, sau một năm áp dụng các biện pháp hạn chế du lịch để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Tuyên bố này được coi là quyết định đáng khích lệ. Thái Lan sẽ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với bên ngoài, giữa lúc đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp tại khu vực.

Tuy nhiên, tất cả sẽ trông chờ vào sự thành công của một mô hình mở cửa du lịch mang tính thử nghiệm tại Thái Lan. Đó là mô hình "Hộp cát", dự kiến bắt đầu được được triển khai tại hòn đảo du lịch Phuket từ ngày 1/7 tới đây. 

Mô hình du lịch này chủ yếu hướng đến nhóm du khách ngoài ASEAN đã được tiêm phòng đầy đủ, được thực hiện sau khi chính phủ Thái Lan nỗ lực khuyến khích người dân tại Phuket đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Tỷ lệ tiêm chủng của cư dân trên đảo hiện đã đạt ít nhất 70% - điều kiện cần để tạo miễn dịch cộng đồng và là yếu tố để giới chức nước này quyết định triển khai sáng kiến du lịch "Hộp cát".

Đông Nam Á sẽ tụt hậu nếu không sớm phục hồi du lịch quốc tế ngay bây giờ? - Ảnh 1.

Thiên đường du lịch Phuket của Thái Lan (nguồn: AP)

Theo ông Yuthasak Supasorn, thuộc Tổng cục Du lịch Thái Lan, trong quý III năm nay, khách du lịch nước ngoài đến Phuket sẽ không phải cách ly bắt buộc như trước. Mô hình "Hộp cát" cũng sẽ tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa điểm hút khách thăm quan khác như Phang Nga, Samui, Pattaya và Chiang Mai trong quý IV. Nếu thành công, lượng khách quốc tế đến với Thái Lan được dự báo sẽ ổn định hơn trong mùa cao điểm vào các tháng 11 và 12 tới đây.

Đông Nam Á sẽ tụt hậu nếu không sớm phục hồi du lịch quốc tế ngay bây giờ? - Ảnh 2.

Đảo Phuket tại Thái Lan, nguồn: CNA

ĐÔNG NAM Á TRƯỚC THÁCH THỨC TỤT LẠI VỀ DU LỊCH VÀ HÀNG KHÔNG

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha khẳng định việc mở cửa trở lại là biện pháp quan trọng giúp giảm gánh nặng kinh tế cho những hộ gia đình mất thu nhập trong suốt một năm qua. Bởi thực tế, các biện pháp giới hạn nhập cảnh và yêu cầu cách ly nghiêm ngặt trong thời gian qua một mặt giúp Thái Lan kiểm soát tốt các đợt bùng phát dịch, mặt khác cũng khiến lượng du khách quốc tế sụt giảm, chỉ bằng một phần nhỏ so với hồi năm 2019.

Lĩnh vực hàng không và du lịch tại Đông Nam Á đang đối mặt với một quý III vô cùng khó khăn sau khi các làn sóng lây nhiễm mới khiến giới chức các nước buộc phải hoãn nối lại các chặng bay quốc tế. Chính vì vậy, Đông Nam Á được nhận định sẽ khó có thể thu hút các du khách nước ngoài và vực dậy nền kinh tế chỉ trong thời gian ngắn.

Hiện đã có hơn 25 quốc gia trên toàn cầu tuyên bố miễn cách ly hoặc đang có kế hoạch miễn cách ly đối với tất cả những du khách đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 theo quy định. Tuy nhiên, làn sóng các ca nhiễm mới tại các nước Đông Nam Á khiến khu vực này khó có thể nới lỏng các quy định. Điều này vô hình chung khiến lưu lượng khách quốc tế tại Đông Nam Á giảm sút nghiêm trọng, chỉ ở mức khoảng 3% so với hồi trước đại dịch - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn cầu hiện đạt khoảng 15%.

Đông Nam Á sẽ tụt hậu nếu không sớm phục hồi du lịch quốc tế ngay bây giờ? - Ảnh 3.

Lĩnh vực hàng không và du lịch tại Đông Nam Á đang đối mặt với một quý III vô cùng khó khăn (nguồn: Reuters)

Khoảng cách chênh lệch này giữa Đông Nam Á và phần còn lại của thế giới được cho là sẽ tiếp tục tăng lên khi ngày càng nhiều các quốc gia trên toàn cầu mở cửa biên giới và đón các du khách sở hữu "tấm hộ chiếu vaccine". 

Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, dù dịch COVID-19 vẫn chưa hạ nhiệt tại đa số các quốc gia Đông Nam Á, song đã đến lúc giới chức nên bắt đầu đưa ra các sáng kiến mới giúp nối lại các đường bay quốc tế, ít nhất là đối với những du khách đã tiêm phòng đầy đủ.

Tuyên bố của Thái Lan về việc mở cửa du lịch trong 120 ngày tới, vì thế thu hút sự quan tâm đặc biệt. Hiện mỗi ngày Thái Lan cho triển khai tiêm chủng khoảng 500 nghìn liều vắc xin cho người dân với mục tiêu khi mở cửa, khoảng 50-60% dân số nước này đã được tiêm chủng để tạo miễn dịch cộng đồng. Khi đó, du khách trong và ngoài nước đã được tiêm phòng đầy đủ đều có thể du lịch tại Thái Lan. Các du khách này, khi tới Thái Lan, sẽ không phải chịu quy định cách ly nữa.

CẦN MỘT NỖ LỰC ĐA PHƯƠNG

Tuy nhiên, ngay cả khi Thái Lan tuyên bố sẽ mở cửa đón du khách tới từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thấp và trung bình; nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi: liệu chương trình mở cửa du lịch có thực sự được triển khai hay không, sau khi rất nhiều các chiến dịch du lịch khác liên tục bị hoãn huỷ do dịch bệnh.

Câu trả lời của Thái Lan cũng sẽ là câu trả lời chung cho các nước khác trong khu vực.

Không những thế, Thái Lan sẽ không thể tự mở cửa một mình nếu các nước khác trong khu vực ASEAN không cùng phối hợp mở cửa ngành hàng không. Điều cần làm lúc này là ASEAN nên hợp tác theo tiêu chí đa phương thay vì song phương để các chặng bay vốn đang đứt gãy được nối lại. Trong đó, "Bong bóng du lịch" cũng như hộ chiếu vắc xin sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phục hồi của Đông Nam Á, đồng thời mang lại nhiều lợi ích kinh tế đa phương.

Đông Nam Á sẽ tụt hậu nếu không sớm phục hồi du lịch quốc tế ngay bây giờ? - Ảnh 4.

Sáng kiến hộ chiếu vaccine COVID-19 kỹ thuật số của ASEAN vẫn chưa đạt thoả thuận (Nguồn: CNA)

Hồi tháng 3, ASEAN từng tuyên bố xem xét triển khai loại hộ chiếu vaccine COVID-19 kỹ thuật số. Song sáng kiến này cho đến nay vẫn chưa đạt được thoả thuận do giới chức các nước quan ngại về tính khả thi cũng như hệ luỵ của việc nới lỏng biên giới khi dịch COVID-19 còn chưa hạ nhiệt.

Tuy nhiên, ngay cả khi hộ chiếu vaccine vẫn chưa được cấp phép, 10 nước thành viên ASEAN hoàn toàn có thể đề xuất những tiêu chuẩn hoặc giao thức chung, chẳng hạn như Thẻ thông hành của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) hay các ứng dụng du lịch thí điểm tại Đông Nam Á để tạo bước đệm cho kế hoạch khôi phục ngành hàng không.

CÁC NƯỚC ASEAN CẦN HÀNH ĐỘNG NHANH HƠN

Giới chuyên gia cho rằng việc ASEAN không sớm lên kế hoạch nối lại du lịch quốc tế có thể khiến khu vực này hứng chịu thêm nhiều thiệt hại kinh tế hơn trong dài hạn, bởi xét trên nhiều khía cạnh, ASEAN vẫn phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế.

Một số quốc gia chỉ tin tưởng những loại vắc xin mà nước họ đang triển khai tiêm chủng, trong đó tiêu biểu là Philippines – quốc gia mới đây tuyên bố rút ngắn thời gian cách ly từ 14 xuống còn 7 ngày nhưng chỉ đối với những đối tượng đã được tiêm vaccine COVID-19 tại Philippines. Dù quyết định giảm thời gian cách ly đối với người đã nhận vaccine là điều đáng khích lệ, song tuyên bố trên vẫn sẽ đặt ra nhiều rào cản cho những ai chủng ngừa ở ngoài nước này.

Đông Nam Á sẽ tụt hậu nếu không sớm phục hồi du lịch quốc tế ngay bây giờ? - Ảnh 5.

Sân bay Changi của Singapore (nguồn: CNA)

Hiện thị trường du lịch nội địa của ASEAN có quy mô khá nhỏ, tốc độ phục hồi cũng chậm hơn so với nhiều quốc gia khác. Trong quý IV/2020, lưu lượng hành khách trong nước chỉ đạt khoảng 50% so với mức trước đại dịch. Tỷ lệ này tiếp tục giảm dần vào quý II/2021 xuống còn 30% sau khi làn sóng nhiễm COVID-19 mới khiến một loạt các nước thành viên ASEAN tái thiết lập các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt. Trong khi đó, các quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận tỷ lệ di chuyển trong nước đạt tới 75%.

Dù không thể thay đổi hoàn toàn cục diện này cho đến khi các nước ASEAN ngăn chặn thành công làn sóng lây nhiễm COVID-19 và triển khai tiêm chủng diện rộng cho người dân, song theo đa số các chuyên gia, đây là thời điểm vàng để Đông Nam Á tạo đà thúc đẩy cho sự phục hồi của du lịch quốc tế, có thể bắt đầu từ cuối năm nay và đạt được một số thành tựu đáng kể vào đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng cần khẩn trương xem xét việc công nhận vắc xin của nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại du lịch quốc tế. 

Ví dụ, một công dân Singapore sau khi được tiêm vaccine Moderna sẽ đủ điều kiện miễn cách ly tại Việt Nam, Philippines hay bất kỳ các nước ASEAN khác, dù quốc đảo sư tử là quốc gia duy nhất sử dụng Moderna cho chương trình tiêm chủng của mình. Nếu làm được như vậy, khoảng cách giữa ASEAN và phần còn lại của thế giới sẽ sớm được rút ngắn trong tương lai không xa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước