Đông Nam Á - "Đối thủ" bất ngờ trong cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19

Trang Phan-Chủ nhật, ngày 07/06/2020 16:42 GMT+7

Đông Nam Á chứng minh mình là đối thủ nặng ký trong cuộc đua sản xuất vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Trong cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19, Đông Nam Á đang chứng tỏ mình là khu vực có năng lực phát triển vắc xin đáng phải điểm mặt chỉ tên.

Đông Nam Á thay đổi suy nghĩ của thế giới trong cuộc chiến chống lại COVID-19

Đông Nam Á vốn không phải là khu vực lý tưởng trong mắt thế giới về những đóng góp cho quốc tế do khả năng kinh tế còn hạn chế. Nhưng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19, Đông Nam Á đã sẵn sàng chứng minh những niềm tin bấy lâu này là sai.

Đông Nam Á có hai trong số những nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Đó là Indonesia và Thái Lan. Thái Lan là ứng cử viên hàng đầu của khu vực trong cuộc đua vaccine. Vào tháng 5, Thái Lan tuyên bố rằng mẫu vaccine thử nghiệm của họ đã thành công trong việc tạo kháng thể ở chuột. Mẫu vắc xin này sẽ sớm được thử nghiệm trên người.

Thái Lan bắt đầu phát triển vaccine vào năm 1953, sản xuất vắc xin BCG được sử dụng để ngăn ngừa bệnh lao. Trong Chỉ số an ninh y tế toàn cầu năm ngoái, Thái Lan là quốc gia châu Á có sự chuẩn bị tốt nhất để ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các dịch bệnh, đứng thứ sáu trên thế giới. Trên thực tế, các bệnh viện Thái Lan là một trong những bệnh viện đầu tiên dùng thuốc điều trị HIV để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, một phương pháp hiện đang được thử nghiệm rộng rãi hơn.

Sau Thái Lan là Indonesia, quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á. Đầu tháng 5, Viện Sinh học phân tử Eijkman của Indonesia đã hoàn thành 3 mô hình trình tự gen của chủng virus corona, có thể tăng tốc độ truy tìm nguồn gốc bệnh. Dự án này được nhà sản xuất vaccine quốc gia Bio Farma hợp tác thực hiện. Bio Farma của Indonesia là nhà sản xuất vaccine lớn nhất ở Đông Nam Á, có khả năng sản xuất hai tỷ liều mỗi năm. Năm 2016, họ đã xuất khẩu hai phần ba số vaccine bại liệt trên thế giới. Chỉ riêng Bio Farma có thể phục vụ cho nhu cầu vaccine của toàn khu vực nếu Indonesia chế tạo thành công vaccine ngừa COVID-19.

Đông Nam Á - Đối thủ bất ngờ trong cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Nhà sản xuất vaccine Bio Farma của Indonesia. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á khác có khả năng tự cung cấp vaccine vượt trội. Việt Nam đã loại bỏ được bệnh bại liệt vào năm 2000 và uốn ván vào năm 2005 thông qua tiêm chủng mở rộng. Năm 2013, chỉ trong 6 tháng, nhà sản xuất vaccine thuộc sở hữu nhà nước của Việt Nam đã sản xuất ra hàng loạt vaccine, sử dụng các kỹ thuật do Nhật Bản phát triển, để ngăn chặn dịch sởi trong nước. 3 năm sau đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia châu Á thứ tư sản xuất vaccine kết hợp sởi-rubella (MR). Với vaccine MR, Việt Nam đã có thể tự sản xuất 11 trong số 12 loại vaccine cần thiết cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2017.

Phản ứng nhanh chóng của Việt Nam trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, đặc biệt là cho đến nay chưa có trường hợp nào tử vong, đã giành được lời khen ngợi từ Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ. Việt Nam hiện đang thực hiện thử nghiệm trên người để kiểm tra tính hiệu quả của vaccine BCG trong việc ngăn ngừa COVID-19.

Nhu cầu tự sản xuất vaccine của các nước đang phát triển

Trước đây, các công ty dược phẩm ở các nước phát triển thường có được những mẫu virus miễn phí từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO có được những mẫu này là nhờ các nước tạo ra mẫu chia sẻ, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á. Các công ty ở những nước phát triển sau đó sản xuất, xin bằng sáng chế và kiếm lợi nhuận từ vaccine mà không chia sẻ lợi ích với các quốc gia tạo ra mẫu virus. Năm 2007, một công ty Australia đã sản xuất vaccine cúm gia cầm bằng chủng H5N1 do Indonesia tạo ra. Indonesia đã tạm thời ngừng chia sẻ các mẫu virus với WHO.

Năm 2009, các nước phát triển đã tích trữ vaccine H1N1, tước đi quyền tiếp cận công bằng với phương pháp chữa bệnh của các nước đang phát triển vốn có trong nghị quyết của Hội đồng Y tế Thế giới. Các nước Đông Nam Á nhận ra rằng họ phải tự lực trong sản xuất vaccine để tồn tại.

Ở Đông Nam Á, không nước nào đứng một mình trong cuộc chiến với dịch bệnh

Tuy nhiên các quốc gia Đông Nam Á không từ bỏ hoàn toàn các cam kết đa phương. Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines đang tham gia Thử nghiệm Đoàn kết của WHO, một thử nghiệm trên toàn thế giới về 4 phương pháp điều trị COVID-19 tiềm năng. Malaysia đã đề nghị trở thành trung tâm nghiên cứu cho các quốc gia khác để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên các mẫu vaccine của họ.

Trong đại dịch hiện nay, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam có nghĩa vụ đạo đức phải hỗ trợ các nước như Campuchia và Lào, hướng dẫn Campuchia và Lào đưa ra một chiến lược phòng chống dịch bệnh khả thi, trong đó có chiến lược về vaccine.

Đông Nam Á - Đối thủ bất ngờ trong cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Không ai đứng một mình trong cuộc chiến với dịch bệnh. (Ảnh: Reuters)

Không có nước nào đứng một mình trong trận chiến với dịch bệnh. Mục tiêu của các nước Đông Nam Á không chỉ là sản xuất ra vaccine, trước hết là vắc xin ngừa COVID-19, mà còn đảm bảo toàn bộ khu vực được hưởng lợi từ thành quả này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước