Báo cáo cập nhật tháng 12 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết, tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á trong năm nay đã được nâng lên 5,5% từ mức 5,1%, trong bối cảnh tiêu dùng và du lịch phục hồi mạnh mẽ ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Lạm phát tại các nước ASEAN dự kiến ở mức 5,1% trong năm nay, thấp hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới.
Ông Brian Lee Shun Rong - Nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Ngân hàng đầu tư Maybank, Singapore cho rằng: "Thứ nhất đó là những lợi ích thương mại từ việc các nước dần mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch, lý do thứ hai là thương mại nội khối ASEAN đang tăng trưởng hơn 30%, giúp giảm bớt một phần sự sụt giảm trong xuất khẩu sang Mỹ, EU và Trung Quốc. Lý do thứ ba là việc tái cấu trúc các chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN đã làm tăng vốn FDI đáng kể. Ngoài ra còn có sự điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của các ngân hàng trung ương các nước và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sang khu vực.
ASEAN là khối thương mại phát triển nhanh nhất thế giới và hiện chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu, chiếm khoảng 10% tổng số nguồn vốn FDI toàn cầu. Chuyển đổi số, kinh tế số tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Tuy vậy, kinh tế khu vực vẫn đối mặt với thách thức từ triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu như lạm phát tăng khiến nhu cầu toàn cầu giảm, trong khi các thách thức địa chính trị cũng làm gia tăng các bất ổn kinh tế.
Trọng tâm của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023
Vượt qua năm 2022 nhiều biến động với những thành tựu ấn tượng, nhưng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ còn phải đương đầu với nhiều thách thức và khó khăn trong năm 2023 sắp tới khi mà những dự báo về tình hình chính trị và kinh tế thế giới được cho là không mấy khả quan. Điều này đòi hỏi các quốc gia ASEAN phải có sự hợp tác chặt chẽ và đoàn kết để có thể tiếp tục vượt qua các thách thức.
Hiện sự chú ý đang đổ dồn về Indonesia - quốc gia giữ vị trí Chủ tịch ASEAN trong năm 2023. Indonesia đã xác định chủ đề của năm, đó là "Các vấn đề của ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng". Indonesia kỳ vọng đưa ASEAN tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khẳng định được vai trò trung tâm và vị thế quốc tế.
Indonesia chính thức đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2023. Tổng thống Indonesia đã khẳng định: ASEAN mong muốn trở thành một khu vực hòa bình, ổn định, là mỏ neo cho ổn định toàn cầu, nhấn mạnh ASEAN cần hành động mang tính tập thể đoàn kết, thống nhất. "ASEAN phải trở thành một khu vực hòa bình và là điểm tựa cho sự ổn định toàn cầu, nhất quán tuân thủ luật pháp quốc tế và không làm ủy quyền cho bất kỳ cường quốc nào".
Cuộc chiến tại Ukraine chưa chấm dứt, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên diễn biến phức tạp, các điểm nóng toàn cầu chưa hạ nhiệt, vấn đề Myanmar vẫn tiếp tục là một trong bài toán mà ASEAN cần sớm tìm lời giải.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo: "ASEAN phải là một khu vực đề cao các giá trị nhân văn và dân chủ. ASEAN không nên để các cạnh tranh địa chính trị hiện tại biến khu vực rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới".
Indonesia chủ trương đẩy mạnh các nỗ lực phát triển kinh tế của ASEAN, đưa ASEAN trở thành tâm điểm của tăng trưởng - như chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2023.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo bày tỏ hy vọng ASEAN sẽ trở thành khu vực kinh tế phát triển nhanh, bao trùm và bền vững, phù hợp với tinh thần hợp tác chung, trong đó ASEAN cần nỗ lực xây dựng năng lực các thể chế, tăng cường khả năng ứng phó các thách thức trong thời gian tới theo hướng thích ứng hơn, phản ứng nhanh hơn và cạnh tranh hơn.
Nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2023 nêu rõ, tình hình toàn cầu - từ địa chính trị đến kinh tế - không dễ dàng và thuận lợi, các cuộc đối đầu địa chính trị hiện nay có thể vẫn sẽ diễn ra gay gắt. Hơn bao giờ hết, ASEAN cần nhất quán hành động mang tính tập thể đoàn kết, thống nhất, phù hợp với tinh thần chủ chốt của ASEAN là "Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!