Một vết nứt lớn trên đường cao tốc gần thị trấn Kainantu, sau trận động đất mạnh 7,6 độ ở Đông Bắc Papua New Guinea, ngày 11/9. (Ảnh: AP)
Trận động đất xảy ra ở độ sâu 90 km (khoảng 56 dặm) gần Kainantu, một thị trấn với dân số khoảng 8.500 người của Papua New Guinea, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đưa tin.
Người dân đã đăng trên mạng xã hội nhiều hình ảnh về đường bị nứt, ô tô bị hư hỏng và các vật dụng rơi khỏi kệ siêu thị, Reuters đưa tin.
Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Quốc gia Mỹ cho biết, không có nguy cơ xảy ra sóng thần. Trước đó cùng ngày, cơ quan này thông tin, sóng thần nguy hiểm có thể xảy ra trong phạm vi 1.000 km (khoảng 621 dặm) dọc theo bờ biển của Papua New Guinea và Indonesia.
Trong khi Chính phủ Papua New Guinea không đưa ra con số thiệt mạng, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) ở châu Á và Thái Bình Dương xác nhận, ít nhất 4 người đã tử vong và 4 người bị thương do trận động đất đã được báo cáo.
Mạng lưới điện, cáp Internet và đường cao tốc ở khu vực này đã bị hư hỏng, nhưng sân bay vẫn hoạt động.
"Đã có thiệt hại trên diện rộng", thành viên quốc hội địa phương, Kessy Sawang, nói với hãng tin AFP. Một trận lở đất đã chôn vùi nhà cửa và chia cắt một ngôi làng nơi người dân bị mất nhà cửa.
Đất đá sạt lở trên đường cao tốc sau trận động đất ở Đông Bắc Papua New Guinea. (Ảnh: AP)
Các công ty hàng không nhỏ và một số nhóm truyền giáo đã tham gia vận chuyển người bị thương qua vùng rừng rậm hiểm trở.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, người dân đã bị thương do các cấu trúc hoặc mảnh vỡ rơi xuống, và một số trung tâm y tế, nhà cửa, đường nông thôn và đường cao tốc đã bị thiệt hại.
Người dân ở thủ đô Port Moresby cách đó khoảng 480 km vẫn cảm nhận được sự rung lắc của trận động đất.
Một trận động đất với quy mô tương tự đã xảy ra ở vùng cao nguyên hẻo lánh của Papua New Guinea vào năm 2018 khiến hơn 60 người thiệt mạng và 500 người bị thương, phá hủy nhà cửa, gây lở đất và làm hư hại một nhà máy khí đốt lớn.
Papua New Guinea dễ bị động đất vì quốc gia này nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", nơi các mảng kiến tạo Trái đất chuyển dịch đẩy nhau, gây ra chấn động. Papua New Guinea là nơi có nhiều núi lửa hoạt động nhất trên thế giới.
Các quốc gia có nguy cơ cao nhất bị ảnh hưởng bởi núi lửa phun trào và động đất nằm dọc theo "Vành đai lửa Thái Bình Dương" gồm Chile, Nhật Bản, bờ biển phía Tây nước Mỹ và các quốc đảo khác, bao gồm cả quần đảo Solomon, đến bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!