Ở nhiều quốc gia, giới chuyên gia đang kêu gọi người dân cần có những nhận thức sớm và đầy đủ về nguy cơ khủng hoảng tâm lý vì đại dịch. Thậm chí cần xem đây là một trong những yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19.
"Tôi cảm thấy căng thẳng!".
Đây là một trong những buổi trị liệu tâm lý của Soniyaa Kiran. Thời gian qua, số người tìm đến với trung tâm trị liệu tâm lý của cô đã tăng gấp đôi so với trước đại dịch, đa phần trong số họ không thể hiểu vì sao bỗng dưng mình lại rơi vào khủng hoảng tâm lý, thậm chí trầm cảm.
Bà Soniyaa Kiran Punjabi - Trung tâm Trị liệu Tâm lý Illumination, UAE cho rằng: "Nó có thể xuất phát từ mối quan hệ vợ chồng. Ở với bạn đời quá liên tục trong một thời gian dài, cũng tạo ra nhiều vấn đề... Một số khác thì lại gặp cảm giác bất an, sợ hãi không biết ngày mai sẽ thế nào. Trong nhiều trường hợp, những vấn đề tâm lý đã tồn tại từ lâu, nhưng chỉ đến khi chúng ta không thể tụ tập, giải trí như trước, phải thường xuyên trò chuyện với nội tâm, những ẩn ức mới lại nổi lên".
Tại mọi xã hội, phong tỏa hay những hạn chế hoạt động sống luôn là sự lựa chọn cuối cùng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Song khi những hạn chế phòng dịch đã là bước đi không thể khác, thì một ý thức đầy đủ của mỗi cá nhân về sức khỏe tinh thần đang là điều được nhấn mạnh hơn lúc nào hết.
Chị Jasmina Gafurovic - Chuyên gia trị liệu tâm lý, UAE cho biết: "Theo các nghiên cứu thì mỗi ngày con người nảy sinh khoảng 70 nghìn suy nghĩ, tuy nhiên nếu bạn bị rơi vào tâm trạng căng thẳng thì đầu bạn có thể nảy sinh tới 120 nghìn suy nghĩ mỗi ngày. Và rõ ràng nếu hầu hết những suy nghĩ là tiêu cực, nó sẽ càng khiến bạn tồi tệ hơn trong tình huống mà chúng ta đang phải đối mặt".
Đại dịch đặt con người và những tình huống chưa từng có tiền lệ, vì thế nó càng thử thách cảm xúc của mỗi người. Nhiều thay đổi diễn ra trong nội tâm mà đôi khi ta không kịp nhận ra.
"Điều quan trọng không nhất thiết là phải gò mình vào những suy nghĩ tích cực, nhưng nếu bạn cảm thấy buồn khổ, tức giận, hãy nhận biết được trạng thái của mình. Hiểu rằng mọi thứ rồi sẽ qua. Nhận thức được cảm xúc chính là cách để đưa cảm xúc của chúng ta vượt lên, hướng đến những điều tích cực" - Chuyên gia trị liệu tâm lý Jasmina Gafurovic nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!