Đối đầu quân sự nguy hiểm ở "chảo lửa" Trung Đông

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 25/09/2024 21:59 GMT+7

VTV.vn - Khu vực Trung đông đang chứng kiến một sự leo thang đối đầu quân sự nguy hiểm.

Sau gần 1 năm xung đột với Hamas ở Gaza trên biên giới phía Nam, Israel đang chuyển hướng sang biên giới phía Bắc, nơi lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã bắn tên lửa vào Israel để hỗ trợ Hamas. Trong tuần này, Israel đã tiến hành các cuộc không kích gây thương tích nhiều nhất tại Lebanon gần 20 năm qua trong chiến dịch quân sự mang tên "Mũi tên phương Bắc". Chiến sự leo thang ở khu vực biên giới giữa Israel và Lebanon đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực Trung Đông.

Chiến dịch "Mũi tên phương Bắc" của Israel

Những cột khói bốc lên tại thành phố Tyre, miền Nam Lebanon vào ngày 25/9 trong bối cảnh giao tranh xuyên biên giới đang diễn ra giữa Israel và Hezbollah. Hezbollah phóng tên lửa nhằm vào trụ sở cơ quan tình báo Israel - Mossad - gần thủ đô Tel Aviv. Còn Israel tiếp tục không kích các mục tiêu quân sự của Hezbollah. Chỉ trong 3 ngày qua, hơn 1.600 cuộc không kích của Israel đã làm hơn 560 người thiệt mạng tại Lebanon, trong đó có 50 trẻ em.

Bà Ettie Higgins, Phó Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Lebanon, tuyên bố: "Chúng tôi cảnh báo bất kỳ sự leo thang nào tiếp theo trong cuộc xung đột này sẽ là thảm họa đối với trẻ em ở Lebanon. Bạo lực này phải chấm dứt ngay lập tức, nếu không hậu quả sẽ vô cùng lớn".

Người dân Lebanon hoang mang sau các vụ kích nổ thiết bị liên lạc của lực lượng Hezbollah tại Lebanon mà họ cho là do Israel tiến hành trong 2 ngày 17 - 18/9 làm 37 người thiệt mạng, hơn 3.000 người bị thương. Giờ đây, họ lại càng lo sợ khi chiến sự đã đến tận nhà mình.

Đối đầu quân sự nguy hiểm ở chảo lửa Trung Đông  - Ảnh 1.

Israel không kích một khu vực ở Lebanon (Ảnh: AP)

Chiến dịch "Mũi tên phương Bắc" của Israel diễn ra sau khi nước này đặt mục tiêu đưa người dân Israel ở miền Bắc trở về nhà sau khi họ buộc phải sơ tán do các cuộc tấn công của Hezbollah. Israel tuyên bố sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào Hezbollah và không loại trừ khả năng triển khai trên bộ.

Trong khi đó, Hezbollah khẳng định sẽ không lùi bước. Iran cũng đã lên tiếng cảnh báo Israel về hậu quả nghiêm trọng của việc leo thang đối đầu quân sự.

Kịch bản xấu nhất nào có thể xảy ra?

Các cuộc tấn công mới của Israel nhằm vào Hezbollah làm dấy lên lo ngại xung đột tại Trung Đông có thể như một vệt dầu loang khi những nước khác bị leo kéo nhập cuộc.

Ngay trước khi công bố chiến dịch "Mũi tên Phương Bắc", quân đội Israel đã tuyên bố chuyển mặt trận trọng tâm lên phía Bắc, tập trung vào cuộc đối đầu với Hezbollah. Câu hỏi được đặt ra là: "Liệu sẽ có một Gaza nữa ở Lebanon hay không?". Điều này chưa ai dám trả lời chắc chắn. Nhưng có điều đang cảm nhận được là một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza nhiều khả năng thời gian tới không còn là câu chuyện chỉ giữa Israel và Hamas. Thậm chí, một thỏa thuận ngừng bắn phải hướng đến tới đây cũng không còn chỉ giới hạn ở Dải Gaza. Lúc này, khả năng Trung Đông tái lập trạng thái như trước ngày 7/10/2023 sẽ còn rất xa vời bởi so với Hamas, Hezbollah là lực lượng mạnh hơn nhiều.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel mới đây đã đi kiểm tra năng lực chiến đấu của các lực lượng khi đang diễn tập cho một chiến dịch trên bộ tại Lebanon. Theo Bộ Y tế Lebanon, chỉ trong 5 ngày qua, các cuộc không kích của Israel tại Lebanon đã khiến hơn 500 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.

Đối đầu quân sự nguy hiểm ở chảo lửa Trung Đông  - Ảnh 2.

Một đám khói bốc lên trong cuộc không kích của Israel vào một ngôi làng ở phía nam Tyre, Lebanon, vào ngày 25/9. Ảnh: Getty

Một chiến dịch trên bộ tại Lebanon nếu xảy ra chắc chắn sẽ tạo ra mức độ thương vong lớn hơn nhiều. Ngoài ra, nguy cơ sẽ có những nhân tố khác, như Iran, bị kéo vào cuộc xung đột hiện nay cũng được nhắc đến. Tuy nhiên, nguy cơ Iran trở thành một bên trực tiếp tham gia vào xung đột với Israel hiện được cho là không cao.

Iran luôn đối đầu với Israel nhưng những lực lượng như Hezbollah hay Hamas đã được Israel xem là những thành viên trong trục kháng chiến. Những thành viên này vẫn đang trong cuộc chiến với Israel và không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ sớm chịu khuất phục. Với tình thế hiện nay, không khó để Iran thấy rằng không có lợi gì khi bị cuốn vào cuộc xung đột trực tiếp với Israel, có chăng sẽ là một vài đòn trả đũa riêng rẽ nhằm vào Israel. Nhưng Iran đã luôn cảnh báo sau vụ ám sát thủ lĩnh lực lượng Hamas ngay tại thủ đô Tehran hồi cuối tháng 7/2024.

Tình hình người Việt Nam tại Lebanon

Xung đột không lan rộng hơn chính là hy vọng của cộng đồng quốc tế về tình Trung Đông ở thời điểm này. Tuy nhiên, chiến sự vẫn đang tiếp diễn tại Lebanon giữa Israel và lực lượng Hezbollah. Bởi vậy, tình hình người Việt tại Lebanon được đặc biệt quan tâm.

Ông Chady Issa, Lãnh sự Danh dự Lãnh sự quán Việt Nam tại Lebanon, cho biết: "Hiện tại có khoảng 14 người Việt Nam đang sống tại Lebanon và chủ yếu ở những khu vực xa vùng xung đột. Tuy nhiên, tình hình đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Do đó, chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng 24 giờ và đảm bảo chỗ ở cho bất kỳ ai cần di dời, và sẽ cung cấp thức ăn, nơi trú ẩn cho bất kỳ người Việt Nam nào tại Lebanon. Chúng tôi muốn truyền tải thông điệp này và thông báo cho cộng đồng người Việt Nam tại Lebanon rằng nếu họ cần bất kỳ sự hỗ trợ nào trong thời điểm khó khăn này, hãy liên hệ với chúng tôi".

Lãnh sự Danh dự Lãnh sự quán Việt Nam tại Lebanon đã thông báo cho cộng đồng người Việt Nam tại Lebanon về những nơi trú ẩn an toàn và cho biết sẵn sàng phản hồi nhanh chóng nếu bất kỳ ai cảm thấy không an toàn.

Tình cảnh người dân Lebanon giữa chiến sự

Trong lúc này, với người dân Lebanon, chiến sự hỗn loạn đã gây ra cuộc sơ tán hàng loạt khi nhiều người tìm cách tháo chạy khỏi miền Nam Lebanon về phía Bắc thủ đô Beruit và các tỉnh phía Bắc, thậm chí là sang quốc gia láng giềng Syria. Ba ngày qua là những ngày sống trong sợ hãi đối với những người dân phải chạy đi sơ tán. Họ hoàn toàn không biết số phận của mình sẽ như thế nào nếu chiến tranh tiếp diễn.

Hàng dài xe ô tô vội vã rời đi tại cửa khẩu Masnaa ở biên giới phía Đông Lebanon và Syria. Đối với nhiều người dân Lebanon, đặc biệt là những người sống ở thung lũng Bekaa ở phía Đông, Syria dường như là con đường nhanh nhất để đến nơi an toàn trước các cuộc không kích của Israel.

Đối đầu quân sự nguy hiểm ở chảo lửa Trung Đông  - Ảnh 3.

Nhiều người dân nhanh chóng rời khỏi miền Nam Lebanon nhằm tránh nguy cơ chiến sự (Ảnh: AFP)

Bà Umm Ali, người dân Lebanon, cho biết: "Tình hình rất khó khăn và đáng sợ. Chúng tôi sẽ tới Syria nhưng chúng tôi đã ngồi ở trên xe suốt 8 - 9 tiếng mà chưa ra khỏi biên giới. Trẻ em không thể chịu được tình cảnh này".

Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Arab Syria cho biết đã có những tình nguyện viên đồn trú tại cửa khẩu biên giới để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, sơ cứu và cứu trợ cho những người tị nạn Lebanon và những người Syria muốn trở về quê hương.

Trong vài ngày qua, những người dân chạy trốn khỏi miền Nam Lebanon đã được người dân ở phía Bắc chào đón. Các tình nguyện viên tại một trung tâm tiếp nhận ở phía Bắc đã cung cấp nệm, chăn và thức ăn cho họ.

Anh Moataz Kamal Al Kheir, tình nguyện viên, cho biết: "Chúng tôi đã thành lập một trung tâm để tiếp nhận các gia đình và những người anh em ở miền Nam và các vùng ngoại ô phía Nam. Họ là những người đồng hương của chúng tôi".

Tại một trạm xăng bỏ hoang ở thủ đô Beirut, khoảng 10 tình nguyện viên đã dựng lên một căn bếp để cung cấp thực phẩm cho những người phải đi lánh nạn. Họ đang lên kế hoạch chuẩn bị 400 - 500 suất ăn rồi sau đó phân phát tới các trường học, nơi tiếp nhận người sơ tán.

Cô Josephine Abou Abdo, tình nguyện viên, nói: "Chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ bằng mọi cách có thể để xoa dịu nỗi đau của mọi người và nói với họ rằng chúng tôi luôn ở bên các bạn, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua".

Cho đến nay, 27.000 người phải di dời đang tìm nơi trú ẩn tại hơn 250 nơi tiếp nhận. Giới chức Lebanon cũng đình chỉ các hoạt động dạy và học trong nước cho đến cuối tuần này, đồng thời yêu cầu sử dụng các trường học công làm địa điểm tiếp nhận những người phải sơ tán.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi giảm leo thang xung đột

Trước tình hình căng thẳng hiện nay, nhiều nước đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế tối đa nhằm tránh làm leo thang xung đột trong khu vực, hướng tới chấm dứt tình trạng bạo lực đã tàn phá Trung Đông trong nhiều tháng qua.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Chúng ta nên cảnh giác trước sự leo thang xung đột này. Lebanon đang bên bờ vực chiến tranh. Người dân Lebanon, người dân Israel, và người dân thế giới không thể để Lebanon trở thành một Gaza khác".

Lời kêu gọi trên được Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc trước lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông. Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng cảnh báo nhân loại đang "tiến gần đến điều không thể tưởng tượng - một thùng thuốc súng có nguy cơ nhấn chìm thế giới".

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng một cuộc chiến toàn diện sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào: "Chiến tranh toàn diện không có lợi cho bất kỳ ai. Ngay cả khi tình hình leo thang, một giải pháp ngoại giao vẫn có thể thực hiện được. Trên thực tế, con đường duy nhất để đảm bảo an ninh lâu dài vẫn là cho phép công dân từ cả hai quốc gia trở về nhà một cách an toàn. Đó là những gì chúng tôi đang nỗ lực không ngừng để đạt được".

Trước đó, nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Iran cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau và vòng xoáy bạo lực. Các nước lo ngại việc sử dụng bạo lực sẽ không giải quyết được các vấn đề ở Trung Đông mà chỉ dẫn đến một thảm họa nhân đạo thậm chí còn lớn hơn.

Bà Fatemeh Mohajerani, người phát ngôn Chính phủ Iran, chia sẻ: "Chúng tôi lo ngại về sự lặp lại của những thảm họa như đã xảy ra ở Gaza và Rafah. Do đó, chúng tôi yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc can thiệp ngay lập tức".

Ông Lâm Kiến, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố: "Trung Quốc phản đối các hành động vi phạm chủ quyền và an ninh của Lebanon, phản đối và lên án mọi hành động gây tổn hại đến thường dân vô tội. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan thực hiện các biện pháp để ngay lập tức xoa dịu tình hình, ngăn chặn căng thẳng leo thang hơn nữa trong khu vực và bảo vệ hiệu quả hòa bình và ổn định ở Trung Đông cũng như sự an toàn của người dân".

Trong khi đó, các tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ quay trở lại những ngày đen tối của năm 2006 và chiến tranh toàn diện, đồng thời kêu gọi giảm leo thang khẩn cấp và bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ em.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, các tổ chức nhân đạo cần 170 triệu USD để hỗ trợ người dân Lebanon. Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ nhóm họp trong ngày 25/9 theo giờ Mỹ để thảo luận về tình hình xung đột tại Trung Đông. Muốn có giải pháp hòa bình, trước tiên phải có thiện chí của những người trong cuộc, phải vì hòa bình, ổn định và phát triển chung.

Chiến sự căng thẳng, dòng người tháo chạy khỏi miền Nam Lebanon Chiến sự căng thẳng, dòng người tháo chạy khỏi miền Nam Lebanon Nhiều hãng hàng không đình chỉ bay tới thủ đô Beirut của Lebanon Nhiều hãng hàng không đình chỉ bay tới thủ đô Beirut của Lebanon Israel không kích Hezbollah tại Lebanon khiến 500 người thiệt mạng Israel không kích Hezbollah tại Lebanon khiến 500 người thiệt mạng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước