Từ những năm 2010, khu vực Trung Đông nổi lên như một điểm nóng về lao động nước ngoài. Vào năm 2011, khi thế giới vừa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, tình hình kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn khiến cho tỷ lệ thất nghiệp ngày một tăng cao tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Trung Đông là khu vực gồm phần lớn các nước có nhiều tài nguyên dầu mỏ, dân số ít nên là một trong những khu vực thu hút được nhiều lao động nhất thế giới. Thị trường lao động Trung Đông không những không gặp vấn đề về thất nghiệp mà đang rất "khát" lao động. Lấy ví dụ như Qatar, quốc gia có thủ phủ là Doha, cách đây tầm chục năm, dân số và lao động Qatar vẫn ít ỏi trong khi nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế cao. Nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của Qatar rất đa dạng, từ lao động phổ thông đến lao động có tay nghề và tay nghề cao. Để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước, Qatar tiếp nhận nhiều lao động từ nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng. Lao động nước ngoài chiếm số đông trong lực lượng lao động của Qatar, chủ yếu là những người đến từ các nước Nam Á và các quốc gia Ả rập khác không có nguồn dầu mỏ phong phú. Nhưng ở thời điểm hiện tại, bức tranh lao động ở khu vực Trung Đông cũng đã thay đổi rõ rệt.
Bức tranh lao động đã thay đổi
Theo một thống kê mới nhất của hãng resume.io, nếu bạn đang tìm kiếm một công việc mới, thì sự cạnh tranh khốc liệt nhất nằm ở 2 thị trường lao động đó là Trung Đông và California, mỹ. Trong đó, Doha, Dubai và San Francisco là một trong những nơi có số lượng ứng viên cao nhất trên mỗi bài đăng công việc trên LinkedIn. Để có kết quả cho bảng xếp hạng của mình, công ty resume.io đã xem xét 130 thành phố trên toàn cầu và mọi bang của Mỹ và theo dõi xem có bao nhiêu đơn xin việc đã được gửi cho các vị trí trong tuần đầu tiên sau khi việc làm được đăng lên.
Thống kê của Resume.io cho thấy Doha và Dubai là 2 thành phố đứng đầu thế giới về lượng đơn xin việc đối với các công việc đăng tải trên LinkedIn vào tháng Hai/2023
Theo như bảng khảo sát trên, có thể thấy Doha của Qatar, vùng đất từng là thiên đường cho các lao động tìm việc, giờ đang là thị trường lao động cạnh tranh nhất, với mỗi công việc được đăng tải sẽ có gần 400 lá đơn xin việc. Dubai đứng thứ 2 với trung bình 283 lá đơn xin cho mỗi công việc mới được nhà tuyển dụng đưa lên mạng. Sự thống trị của Qatar trong danh sách có thể liên quan đến việc tổ chức World Cup năm ngoái. Kể từ năm 2010, quốc gia này đã chi hơn 250 tỷ đô la như một phần của công tác chuẩn bị - xây dựng gần 100 khách sạn mới, mở rộng cảng và sân bay, cải tạo đường xá, cùng nhiều thứ khác.
Mặc dù giải đấu thu hút sự chú ý vào thị trường lao động của đất nước, dẫn đến sự chỉ trích của dư luận quốc tế về cách đối xử với lao động nhập cư, thì Qatar vẫn là một thỏi nam châm thu hút những người tìm việc. Qatar đã tạo ra một mức lương tối thiểu chung trong bối cảnh người lao động đang nổi giận vì World Cup và nước này không đánh thuế thu nhập cá nhân, khiến nước này trở thành một nơi làm việc tương đối lý tưởng, và qua đó thu hút càng nhiều người nước ngoài có nguyện vọng tới làm việc.
Thị trường lao động nhập cư tại Qatar thay đổi nhiều sau 12 năm chuẩn bị cho sự kiện World Cup
Người lao động ở Dubai và Abu Dhabi, cũng là một trong những thị trường việc làm cạnh tranh nhất, cũng không phải trả thuế thu nhập. Theo dữ liệu của LinkedIn, một số vị trí thúc đẩy thị trường việc làm sau đại dịch ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bao gồm các công việc y tế chuyên ngành và những công việc tự do liên quan tới mảng nội dung trên nền tảng số.
Một thị trường lao động nhiều tiềm năng
Mặc dù sự cạnh tranh cao hơn hẳn so với khoảng hơn 10 năm trước, nhưng đổi lại, thị trường lao động Trung Đông được cho là có nhiều tiềm năng, đặc biệt là đối với các lao động có kĩ năng và tay nghề cao trong một số lĩnh vực. Ví dụ, thị trường việc làm của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất rất sôi động trong thời kỳ hậu đại dịch, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong cả lĩnh vực dầu mỏ và phi dầu mỏ, dẫn đến dân số của quốc gia này tăng lên kể từ khi mở cửa cho người nước ngoài sau đại dịch. Ngoài ra, thời gian cư trú dài hạn và khả năng xử lý mạnh mẽ đại dịch đã thúc đẩy niềm tin của những người tìm việc trên toàn cầu. Một cuộc khảo sát do Bayt.com công bố gần đây cho thấy 67% các nhà tuyển dụng tại UAE đang có kế hoạch thuê nhân viên mới vào năm 2023 với các vị trí giám đốc bán hàng, giám đốc bán hàng và giám đốc tiếp thị có nhu cầu cao nhất.
Các quốc gia vùng Vịnh đang tập trung hướng tới phát triển các lĩnh vực phi dầu mỏ- tạo thêm cơ hội cho lao động tay nghề cao ở những lĩnh vực này
Nói tới lĩnh vực việc làm phi dầu mỏ, thì theo báo cáo của hãng Al Hilal, công nghệ vẫn là lĩnh vực tuyển dụng tích cực nhất, với 77% tổ chức tăng số lượng nhân viên vào năm ngoái, nhờ đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước nhất quán vào các lĩnh vực trọng tâm như dữ liệu, an ninh mạng và giải pháp đám mây. Bất chấp sự không chắc chắn trong lĩnh vực Công nghệ toàn cầu, tốc độ tăng trưởng trong các quốc gia vùng Vịnh vẫn tiếp tục. 88% nhà tuyển dụng có kế hoạch tuyển dụng nhân viên lâu dài vào năm 2023. Tại Arap Xê-út, lĩnh vực công nghiệp đang mở rộng với tốc độ cấp số nhân. Việc quốc gia này sẵn sàng tận dụng hơn nữa nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và vị trí địa lý trung tâm, việc đa dạng hóa công nghiệp sang các sản phẩm và vật liệu mới sẽ dẫn đến việc tập trung vào nhân tài có kinh nghiệm, kỹ năng kỹ thuật và kiến thức vận hành.
Nhìn chung, thị trường lao động tại các quốc gia vùng Vịnh chắc chắn sẽ trở nên cạnh tranh hơn nữa, nhưng cơ hội vẫn khá dồi dào cho các lao động tay nghề cao trong nhiều lĩnh vực phi dầu mỏ như marketing, y tế, hay công nghệ.
Theo: Khaleej Times, Bloomberg, Al Jazeera, DW, Resume.io
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!