Điều chế vaccine: Canh bạc “được ăn cả, ngã về không”?

Nguyễn Mai (Theo Telegraph, Reuters, Business Insider)-Thứ sáu, ngày 15/05/2020 08:00 GMT+7

VTV.vn - Ngoài việc tốn một lượng thuốc rất lớn để điều chế, các phòng nghiên cứu còn ngốn cả núi tiền cho việc thử nghiệm vaccine trước khi có thể sử dụng rộng rãi để ngừa bệnh.

Trước khi được mang thử nghiệm lâm sàng trên người, vaccine sẽ được thử đi thử lại rất nhiều lần trên động vật. Tức là ngoài việc tốn một lượng thuốc rất lớn để điều chế, các phòng nghiên cứu cũng ngốn cả núi tiền.

8,2 tỷ USD là mục tiêu ban đầu mà các nhà lãnh đạo thế giới và tổ chức quốc tế đề ra cho các nhà tài trợ để phục vụ quá trình nghiên cứu, sản xuất và phân phối vắc xin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chỉ riêng hoạt động phát triển vaccine thử nghiệm đã ngốn tới 2 tỷ USD.

Nhưng số tiền đó chỉ như muối bỏ bể!

Vẫn sẽ cần hàng tỷ USD nữa để giúp các công ty y sinh xây dựng nhà máy, tăng năng lực sản xuất và phân phối vaccine rộng rãi.

Theo Liên Hợp Quốc, "đơn giá" cho cả quá trình này có thể tăng gấp 5 lần so với con số mục tiêu đóng góp hiện nay. Số tiền đó ước tính khoảng 40 tỷ USD, tương đương 1/10 tổng sản phẩm quốc nội của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) năm 2019.

Sự khẩn trương là điều cần thiết, trong bối cảnh gần 300 nghìn người đã tử vong vì dịch bệnh COVID-19, tính đến 12h trưa 14/5 theo giờ Việt Nam. Không chỉ tốc độ nghiên cứu và phát triển chưa từng có trong lịch sử y học thế giới, chi phí bỏ ra cho quá trình này cũng là chưa từng có.

Điều chế vaccine: Canh bạc “được ăn cả, ngã về không”? - Ảnh 1.

Cuộc đua sản xuất vaccine ngừa COVID-19 được tiến hành trên toàn thế giới

Dục tốc có bất đạt?

Liên minh châu Âu (EU) cam kết ủng hộ 1,09 tỷ USD, Chính phủ Mỹ rót 1 tỷ USD, Na Uy cũng mạnh tay chi 1 tỷ USD, Đức đóng góp 573 triệu USD, Canada, Pháp, Tây Ban Nha cũng không ngoài cuộc chơi.

Trích dẫn cuộc phỏng vấn với nhà sáng lập quỹ Gates, tờ Business Insider cho biết, tỷ phú Bill Gates sẽ tài trợ xây dựng 7 phòng thí nghiệm để phục vụ cho việc nghiên cứu vaccine.

"Chúng tôi chấp nhận lãng phí hàng tỷ USD khi xây dựng nhà máy, dù sẽ có vài loại vaccine không được chọn. Nhưng thà thế mà tìm ra được một loại có khả năng cao còn hơn lãng phí thời gian tìm hiểu xem loại vaccine nào thực sự hiệu quả rồi mới đi xây nhà máy sản xuất chúng" - ông Gates nói - "Mất một vài tỷ USD trong tình huống hiện nay của chúng ta sẽ rất đáng và sẽ sớm cứu được hàng nghìn tỷ bay hơi trong nền kinh tế".

Xét về chuyên môn, canh bạc "liều ăn nhiều" này lại bị các chuyên gia đánh giá có tỷ lệ rủi ro 50/50.

Điều chế vaccine: Canh bạc “được ăn cả, ngã về không”? - Ảnh 2.

Dù vaccine được thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm những cũng không có gì đảm bảo sẽ thành công trên người

Rủi ro lớn nhất chính là virus biến chủng hoặc sẽ không xuất hiện vào các mùa sau. Tức là hàng tỷ USD chi cho những lô vaccine có thể sẽ bị xếp xó.

Rủi ro tiếp theo, theo Reuters, là khi các chuyên gia rút ngắn thời gian thử nghiệm, đưa ra các đánh giá mà không có gì đảm bảo vắc xin sẽ hiệu quả. Nói một cách khác, họ đang đặt cược cho nhiều loại vaccine có thể không bao giờ được sản xuất.

Lãnh đạo Liên minh vì Phát kiến chống dịch bệnh (CEPI), ông Richard Hatchett phát biểu rằng "các tổ chức, chính phủ muốn đầu tư trước, cho dù biết là sẽ gặp rủi ro, thậm chí trước khi biết vaccine có hiệu quả không. Tất cả để có được khả năng sản xuất hàng chục hoặc hàng trăm triệu liều ngay lập tức".

Bên cạnh việc điều chế những loại thuốc mới, một số hãng dược đang quay trở lại các loại thuốc cũ như Hydroxylcloroquine, Remdesiver hay thuốc chữa lao với hy vọng sẽ tiết kiệm thời gian tìm ra thuốc hơn so với điều chế vắc xin. Tuy vậy, rủi ro của phương pháp này là chuỗi cung ứng thuốc gốc sẽ cạn kiệt trong vòng 6 tháng tới.

Tờ Telegraph của Anh trích lời thủ tướng Anh Boris Johnson rằng, có thể vaccine sẽ chẳng bao giờ được sản xuất. Bởi đó là vòng luẩn quẩn, kêu gọi được tiền - sản xuất thuốc - virus biến thể - thuốc vô tác dụng - lại kêu gọi tiền để sản xuất tiếp. Bỏ qua tất cả các yếu tố trên, một lần nữa, theo Reuters, điều khiến các chuyên gia, bác sĩ lo lắng nhất lại là dù có tìm ra vaccine thì lúc đầu sẽ không có đủ liều cho tất cả người dân trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia nghèo hoặc đang phát triển.

Virus sẽ không nằm im chờ đến khi chúng ta điều chế được vaccine. Tuy nhiên, "còn nước, còn tát", dù chỉ là 1% cơ hội cũng phải tìm ra được liều thuốc thích hợp để điều trị COVID-19. Bởi rất có thể, họ hàng của chúng sẽ lại ghé thăm con người trong một ngày không xa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước