Những đợt thu gom rác gần nhà giúp các gia đình không có phương tiện vận chuyển có thể vứt bỏ được rác cồng kềnh mà không phải đi xa. Theo luật, mỗi nhà trong một năm được quyền vứt bỏ 3m3 rác cồng kềnh, nếu nhiều hơn thì phải trả tiền. Trước vài tuần, cư dân trong quận đã nhận được thư thông tin chi tiết về thời gian, địa điểm mang vứt rác cồng kềnh. Bên cạnh đó, bất cứ lúc nào người dân cũng có thể mang loại rác này tới nhà máy xử lý rác của quận ở cạnh đường vành đai thành phố.
Đồ gỗ cũ hỏng, đệm mút, sofa, đồ điện gia dụng và những đồ cồng kềnh không thể cho vào thùng rác gia đình đều được mang tới đây. Có những vật dụng không cồng kềnh nhưng vẫn không được phép cho vào thùng rác ở nhà. Bóng đèn, pin tiểu, hóa chất, bình xịt, dung dịch tẩy rửa, phim X-quang hay hộp mực rỗng… đều không được cho vào thùng rác. Bên cạnh đó, chai dầu ăn dùng rồi cũng bắt buộc phải được tích lại dần dần rồi mang đi vứt đúng chỗ.
Mỗi gia đình tại Brussels được quyền vứt bỏ 3m3 rác cồng kềnh trong một năm.
Trong lần vứt rác cồng kềnh này, mọi người bỏ đi nhiều đồ hơn so với lần trước. Trong mấy tháng đại dịch, người dân ở nhà là chính nên có nhiều thời gian dọn dẹp và lựa bỏ đồ hỏng, đồ cũ. Một số đồ dùng vẫn còn tốt nhưng chủ nhân không dùng đến hoặc ít dùng cũng được mang đi vứt bỏ.
Rác cồng kềnh sẽ được mang tới nhà máy xử lý, tách riêng kim loại, cao su và nhựa, nghiền nhỏ để biến thành nguyên liệu tái chế. Tuy nhiên, đa phần sẽ biến thành chất đốt cho máy điện. Điện được sản xuất riêng từ rác cồng kềnh của thành phố Brussels đủ để cung cấp cho 65.000 hộ gia đình trong suốt cả năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!