Điện Kremlin “không lo lắng” về khả năng Tổng thống Putin bị ICC bắt khi thăm Mông Cổ

Đàm Linh (Theo AP)-Thứ bảy, ngày 31/08/2024 21:00 GMT+7

Tổng thống Vladimir Putin (bên phải) gặp Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh Ukhnaa tại Astana, Kazakhstan, ngày 3/7/2024. (AFP/Getty Images)

VTV.vn - Điện Kremlin cho biết họ "không lo lắng" về chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Putin mặc dù có lệnh bắt giữ ông từ Tòa án Hình sự quốc tế ICC.

Điện Kremlin ngày 30/8 cho biết họ "không lo lắng" về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Mông Cổ, một quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế ICC, nơi đã ban hành lệnh bắt giữ ông vào năm 2023.

Chuyến thăm dự kiến ​​diễn ra vào ngày 3/9 sẽ là chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Putin tới một quốc gia thành viên ICC kể từ khi lệnh này được ban hành vào tháng 3/2023.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã cáo buộc Tổng thống Putin phải chịu trách nhiệm cá nhân về vụ bắt cóc trẻ em từ Ukraine, nơi Moscow đã tiến hành chiến dịch quân sự trong 2 năm rưỡi qua. Đây là lần đầu tiên tòa án toàn cầu ban hành lệnh bắt giữ đối với một nhà lãnh đạo của một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo Quy chế Rome - một hiệp ước quốc tế thành lập ICC được Mông Cổ ký vào năm 2002, các thành viên ICC có nghĩa vụ bắt giữ những nghi phạm mà tòa án đã ban hành lệnh bắt nếu người đó đặt chân đến đất nước của họ. Tuy nhiên, ICC không có bất kỳ cơ chế thực thi nào. Điển hình là trường hợp vụ án nổi tiếng của Tổng thống Sudan khi đó là Omar al-Bashir đã không bị bắt vào năm 2015 khi ông đến thăm Nam Phi, quốc gia thành viên của ICC, làm dấy lên làn sóng giận dữ từ các nhà hoạt động nhân quyền và đảng đối lập chính của đất nước này.

Người phát ngôn của Tổng thống Putin - Dmitry Peskov - từng nhấn mạnh Nga không công nhận thẩm quyền của ICC, đã nói với các phóng viên trong cuộc họp trực tuyến hàng ngày của mình hôm 30/8 rằng Điện Kremlin "không lo lắng" về chuyến đi sắp tới: "Chúng tôi đã có cuộc đối thoại tuyệt vời với những người bạn từ Mông Cổ".

Trong khi đó, người phát ngôn của ICC Fadi El Abdallah cũng đưa tuyên bố cùng ngày, nhắc nhở Mông Cổ "là một quốc gia tham gia Quy chế Rome của ICC" và do đó có nghĩa vụ hợp tác với tòa án.

Vị quan chức này cho biết thêm: "Trong trường hợp Mông Cổ không hợp tác, các thẩm phán của ICC có thể đưa ra phán quyết về vấn đề đó và thông báo cho Hội đồng các quốc gia thành viên về phán quyết đó. Sau đó, hội đồng sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào mà họ cho là phù hợp".

Theo tuyên bố do Điện Kremlin đưa ra vào ngày 29/8, Tổng thống Putin sẽ tới Mông Cổ theo lời mời của Tổng thống Ukhnaa Khurelsukh để tham dự các sự kiện nghi lễ dành riêng cho lễ kỷ niệm 85 năm chiến thắng chung của lực lượng vũ trang Liên Xô và Mông Cổ trước quân phiệt Nhật Bản trên sông Khalkhin Gol.

Nga không phải là thành viên của ICC, không công nhận thẩm quyền của Tòa án hình sự quốc tế. Các quan chức của Moscow đã bác bỏ các lệnh bắt giữ mà họ xem là "vô hiệu". Tổng thống Putin đã không đi đến các quốc gia thành viên ICC kể từ khi lệnh bắt giữ được ban hành. Ông bỏ lỡ hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS gồm các nền kinh tế đang phát triển vào năm 2023 tại Nam Phi. Nam Phi trước đó đã vận động hành lang với Moscow trong nhiều tháng để Tổng thống Putin không tham dự nhằm tránh hậu quả ngoại giao vì quốc gia này là thành viên của ICC. Thay vào đó, ông Putin đã tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg qua liên kết video, trong đó ông đã đưa ra lời chỉ trích phương Tây.

Năm 2023, Điện Kremlin cũng tỏ ra tức giận với đồng minh cũ Armenia về quyết định gia nhập ICC của nước này, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, các quan chức Armenia đã nhanh chóng tìm cách đảm bảo với Nga rằng Tổng thống Putin sẽ không bị bắt nếu ông xuất hiện tại nước này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước