Điện hạt nhân hồi sinh mạnh mẽ tại Đông Âu

Thường trú Đài THVN tại châu Âu-Thứ hai, ngày 13/01/2025 11:09 GMT+7

VTV.vn - Liên minh châu Âu đang quay lại với điện hạt nhân, tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất là tại các nước Đông Âu.

Nước Pháp vừa hoà lưới điện nguồn năng lượng từ nhà máy điện nguyên tử Flamanville, sau 17 năm xây dựng với chi phí 13 tỷ Euro. Liên minh châu Âu đang quay lại với điện hạt nhân, tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất là tại các nước Đông Âu.

Các nước Đông Âu thuộc Liên minh châu Âu trong năm nay sẽ tăng tốc phát triển điện nguyên tử. Trước năm 1990, ba nước Bulgarie, Hungary và Tiệp Khắc đã có nhà máy điện hạt nhân với công nghệ Liên Xô.

Điện hạt nhân hồi sinh mạnh mẽ tại Đông Âu - Ảnh 1.

Điện nguyên tử sau 20 năm thoái trào, đang hồi sinh mạnh mẽ - Ảnh: AFP

Sau khi gia nhập Liên minh châu Âu, các nước này vẫn duy trì nguồn năng lượng đó, nhưng chuyển dần sang sử dụng công nghệ của Mỹ và Pháp. Ba Lan và Roumanie là những nước đi sau, đang bắt đầu xây dựng nhà máy điện nguyên tử mới. Tờ Gazeta Wyborcza của Ba Lan có bài dài bác bỏ những hiểu lầm về điện hạt nhân. Bài báo khẳng định, "điện hạt nhân là nguồn điện an toàn nhất trong tất cả các nguồn điện". "Xét về tính ổn định của nguồn cung, năng lượng hạt nhân cũng không có đối thủ". "Các nhà máy điện nguyên tử hầu như không tạo ra khí thải", và cho đến nay, mặc dù trên thế giới vẫn có 400 nhà máy đang hoạt động, "việc quản lý chất thải từ các nhà máy điện hạt nhân không gây ra bất kỳ sự cố kỹ thuật nào cả". Do những ưu thế vượt trội, "hiện nay, 65 lò phản ứng đang được xây dựng trên thế giới và 90 lò khác đang được lên kế hoạch xây dựng".

Roumanie đã mua công nghệ Pháp và nhà máy điện hạt nhân của nước này vẫn đang do chuyên gia Pháp vận hành. Tờ Romania Libera cho biết "Năng lượng nguyên tử cung cấp khoảng 20% sản lượng điện của nước này, thông qua hai tổ máy có tổng công suất 1.400 MW. Trong những năm tới đây, hai lò phản ứng mới công suất cao sẽ được xây dựng", đáp ứng "chiến lược năng lượng của Roumanie, coi hạt nhân là yếu tố quan trọng đối với an ninh năng lượng và giảm thải dioxyde carbon", hai đòi hỏi cấp thiết sống còn, đối với không chỉ các nước Đông Âu, trong bối cảnh địa chính trị châu Âu từ vài năm nay và mục tiêu khí hậu.

Điện nguyên tử sau 20 năm thoái trào, đang hồi sinh mạnh mẽ, cũng vì hai lý do, giảm phát khí thải và tự chủ năng lượng. Tờ Hospodárske noviny ra tại Slovakia viết: "Cuộc chạy đua điện hạt nhân đã bắt đầu ở Trung Âu. Cộng hòa Séc, Ba Lan và Hungary đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới, và Slovakia cũng có kế hoạch mở rộng thêm nữa điện hạt nhân". Theo bài báo, "thời kỳ phục hưng hạt nhân thực sự bắt đầu khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu tán thành coi năng lượng hạt nhân là công nghệ xanh". "Ba Lan đã ký hợp đồng xây dựng các tổ máy mới với một công ty điện lực của Mỹ", "Cộng hòa Séc đang đánh giá hồ sơ dự thầu cho tổ máy thứ năm, cân nhắc giữa công nghệ Pháp và công nghệ Hàn Quốc". Bài báo cho rằng "chỉ năng lượng tái tạo không thôi, mà không có điện nguyên tử làm cốt lõi, thì không thể đạt được hai mục tiêu", tự chủ năng lượng và giảm phát khí thải làm cho trái đất nóng lên.

Hàn Quốc ưu tiên phát triển điện hạt nhân Hàn Quốc ưu tiên phát triển điện hạt nhân

VTV.vn - Để ứng phó với biến đổi khí hậu và sự bất ổn của chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, Hàn Quốc xác định lựa chọn năng lượng hạt nhân làm nguồn năng lượng chính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước