Dịch COVID-19 ngày 27/4: Tình hình châu Âu có xu hướng lắng dịu, Việt Nam sang ngày thứ 11 không có ca nhiễm trong cộng đồng

PV-Thứ hai, ngày 27/04/2020 08:00 GMT+7

VTV.vn - Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở châu Âu đang có xu hướng lắng dịu khi số ca tử vong giảm xuống ở một số quốc gia vốn được coi là tâm dịch.

Tình hình dịch bệnh ở châu Âu có xu hướng lắng dịu

Tại Rome, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 26/4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 260 ca tử vong vì bệnh COVID-19, mức tăng thấp nhất kể từ hôm 15/3, nâng tổng số trường hợp tử vong ở quốc gia Nam Âu này lên 26.644 người.

Trong vòng 24 giờ qua, Italy cũng ghi nhận thêm 2.324 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại "xứ sở hình chiếc ủng" lên 197.675 trường hợp, trong đó số ca hồi phục là 64.928 (tăng 1.808 ca), số ca điều trị tích cực tiếp tục giảm 93 ca xuống còn 2.009 trường hợp.

Vùng tâm dịch Lombardy, phía Bắc Italy, ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 là 72.889 ca (tăng 920 trường hợp), trong đó số ca tử vong là 13.325 (tăng 56 trường hợp) và số ca hồi phục là 47.063 trường hợp (tăng 890 ca).

Tại Pháp cũng ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 giảm mạnh. Tại Paris, số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua là 242 trường hợp, giảm hơn 1/3 so với ngày hôm trước và nâng tổng số ca tử vong vì bệnh COVID-19 tại Pháp lên 22.856 người, bao gồm 14.202 ở bệnh viện (tăng 152 ca, mức thấp nhất tính theo ngày trong 5 tuần) và 8.654 ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội (tăng 90 ca).

Đến nay, tại Pháp đã có tổng cộng 44.903 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi, 28.217 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (giảm 5 ca so với hôm trước), trong đó 4.682 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 43). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 18 ngày nay.

Trong khi đó, tại Anh cũng ghi nhận mức tăng số ca tử vong vì COVID-19 thấp nhất trong gần 4 tuần trong bối cảnh chính phủ tiếp tục từ chối những lời kêu gọi nới lỏng giãn cách xã hội. Theo giới chức Anh, số người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua đã tăng 413 lên 20.732 người, mức thấp nhất tính theo ngày của tháng 4. Tổng cộng có 152.840 người dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 4.463 ca so với một ngày trước đó.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Anh Stephen Powis cho biết nước này hiện đang nhận thấy xu hướng giảm rất rõ rệt số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện. Điều này được ghi nhận rõ nhất ở thủ đô London, Midlands và bắt đầu diễn ra ở những khu vực khác của Vương quốc Anh, cho thấy việc tuân thủ giãn cách xã hội rõ ràng đang chứng minh hiệu quả, góp phần làm giảm đà lây nhiễm và phát tán virus này.

Iran lên kế hoạch mở lại một phần đất nước

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 26/4 cho biết nước này có kế hoạch mở lại một vài phần của đất nước không ghi nhận sự lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo đang nới lỏng dần các biện pháp hạn chế với người dân. Phát biểu tại một hội nghị ở Tehran, Tổng thống Rouhani cho hay Iran sẽ được chia 3 vùng màu, gồm trắng, vàng và đỏ, dựa trên số ca mắc và tử vong. Iran hiện là một trong những quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19.

Hoạt động tại mỗi vùng sẽ được hạn chế tương ứng. Những khu vực liên tiếp không ghi nhận các ca mắc và tử vong sẽ được xác định là vùng trắng. Bên cạnh đó, các thánh đường Hồi giáo cũng sẽ được nối lại các buổi cầu nguyện thứ Sáu. Tổng thống Rouhani khẳng định việc dán nhãn cho mỗi vùng đều có thể thay đổi tùy tình hình. Tuy nhiên, ông không cho biết kế hoạch khi nào chính thức có hiệu lực.

Trong tuần qua người dân Iran đã được phép tới cửa hàng, khu chợ và công viên, trong bối cảnh chính phủ đã nới lỏng các hạn chế sau khi ghi nhận số ca tử vong trong ngày giảm xuống dưới 100 kể từ hôm 14/4. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Iran, trong 24 giờ qua, đã có 60 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 5.710, trong tổng số 90.481 ca mắc được xác nhận.

Châu Phi và nỗi ám ảnh COVID-19

Với hơn 30.300 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và khoảng 1.400 ca tử vong tính đến sáng 27/4, châu Phi vẫn được xem là khu vực ít chịu ảnh hưởng nhất của virus SARS-CoV-2. Hiện ở châu Phi chỉ còn hai quốc gia nhỏ bé là Comoros và Lesotho chưa phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi Nam Phi cùng 3 nước ở khu vực Bắc Phi như Ai Cập, Maroc và Algeria đang đứng đầu châu lục về số ca mắc và tỷ lệ tử vong do căn bệnh này. Nhiều nước châu Phi hiện có số ca mắc COVID-19 không đáng kể và thực sự thấp hơn rất nhiều nếu so với các tâm dịch như Mỹ, các nước châu Âu hay Trung Quốc.

Tuy nhiên, những con số trên không mô tả được hết bức tranh thực tế về nỗi ám ảnh COVID-19 ở "lục địa Đen". Nói cách khác, sự bùng phát của dịch COVID-19 ở châu Phi diễn ra chậm hơn so với các châu lục khác, nhưng không có nghĩa là không nghiêm trọng và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, châu lục với 1,3 tỷ dân này hiện cần tới 74 triệu bộ kit xét nghiệm COVID-19 và 30.000 máy thở chỉ trong năm nay để chống dịch. Tuy nhiên, 41 nước ở châu Phi mới chỉ có gần 2.000 máy thở và có tới 10 nước hiện hoàn toàn không có máy thở. Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế ở châu Phi thiếu cả giường bệnh chuyên dụng với các thiết bị dùng cho bệnh nhân mắc COVID-19, cũng như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ cho đội ngũ y, bác sĩ… WHO cho biết tỉ lệ giường bệnh ở châu Phi là gần 5 giường/1 triệu người, chênh lệch rất xa so với mức gần 4.000 giường bệnh/1 triệu người ở các nước châu Âu.

Không chỉ hạ tầng y tế yếu kém, tại các nước nghèo và đang phát triển ở châu Phi, đội ngũ nhân viên y tế cũng thiếu hụt trầm trọng và chưa được đào tạo bài bản. Tỷ lệ bác sĩ ở châu Phi thuộc hàng thấp nhất thế giới, trung bình 1 bác sĩ/1.000 người dân, trong khi tỉ lệ này của Liên minh châu Âu (EU) là 37 bác sĩ/1.000 người dân. Tại một số nước như Malawi, cứ 100.000 bệnh nhân mới có 2 bác sĩ, Mozambique là 2,6/100.000 bệnh nhân, trong khi theo tiêu chuẩn của WHO, phải có tối thiểu 20 bác sĩ trên 100.000 bệnh nhân.

WHO ước tính nếu không sớm tìm mọi cách ngăn chặn tốc độ lây lan của COVID-19, số ca nhiễm ở châu Phi có thể tăng vọt lên 10 triệu người trong vòng từ 3 - 6 tháng tới, và ít nhất 300.000 người sẽ tử vong. Thêm hàng chục triệu người sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, với những hậu quả thảm khốc kéo dài. Điều này đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ, hành động nhanh chóng của chính phủ các nước khu vực trước khi quá muộn. Bên cạnh đó, một lần nữa châu Phi lại cần đến sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để “lục địa Đen” không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống lại “kẻ thù vô hình” của cả thế giới.

Đã 11 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Tính đến 6h ngày 27/4/2020, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta vẫn là 270 trường hợp.

Như vậy từ ngày 16/4/2020 đến nay, tức là 11 ngày, tại Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.

Đến thời điểm này, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 52.428. Trong đó, số người đang được cách ly tập trung tại bệnh viện là 323; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 11.311; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 40.794 người.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, đến nay, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 13 ca (chiếm 5%). Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2 là 3 ca (chiếm 1%).

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống COVID-19: Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Nếu buộc phải ra ngoài, người dân luôn luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.Người dân cần thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh; đồng thời thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng khuyến cáo người dân 7 thói quen cần thay đổi trong mùa dịch COVID-19. Đó là, trước đây gặp nhau tay bắt mặt mừng, nay gặp nhau không vồ vập, không bắt tay. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Về tới nhà, cần thay ngay quần áo, tắm rửa rồi mới tiếp xúc gần với người thân. Sau khi đánh răng, cần nhớ súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn; không nên mời khách tới nhà và cũng không tới nhà người khác. Nếu trước đây, khi ốm đau đến ngay bệnh viện, thì nay gọi điện thoại trước cho nhân viên y tế để được tư vấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước