Khu rừng Darien Gap - nằm ở phía cuối khu vực Trung Mỹ, tại biên giới giữa Colombia và Panama, có chiều dài hơn 106km, không có đường đi hay lối mòn. Nơi đây được coi là một trong những môi trường nguy hiểm nhất trên thế giới vì địa hình nhiều núi, đầm lầy và rắn độc. Đó cũng là chặng đường của hàng trăm nghìn người di cư bị thu hút bởi "giấc mơ Mỹ".
Đối mặt với làn sóng di cư ngày càng tăng, cư dân của vùng đô thị Acandi, Colombia đã quyết định tự thành lập một tổ chức dân sự gồm các thành viên được bầu để giải quyết các vấn đề của cộng đồng.
Họ quản lý tuyến đường đến Panama và thu phí từ những người di cư. Tiền thu được sẽ dùng để duy trì các lều trại tạm trú, nhà hàng, trạm y tế, hướng dẫn viên và trả lương cho hơn 2.000 nhân viên phúc lợi.
Ông Darwin Garcia - Đại diện Ban hành động cộng đồng Capurgana, vùng đô thị Acandi, Colombia cho biết: "Chúng tôi coi vấn đề người di cư trở thành một cơ hội kinh doanh. Ở Acandi, có từ 2.000-3.000 người kiếm sống nhờ cung cấp dịch vụ cho những đoàn di cư này".
Khoảng 2.500 người di cư không có thị thực vượt quãng đường bộ qua Acandi hàng ngày, nơi bắt đầu khu rừng rậm dài 266 km giữa hai quốc gia. Muỗi, rắn, báo đốm và đầm lầy khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Theo Garcia, công việc của anh là tổ chức một cuộc hành trình "nhân đạo hơn, an toàn hơn" và tất nhiên là không thể nào miễn phí được.
Khi bắt đầu chuyến đi rừng đầy nguy hiểm xuyên qua rừng Darien Gap đến Panama, các nhân viên mặc đồng phục ở phía Colombia sẽ đeo dây màu vào tay người di cư, giống như những người bảo vệ ở các khu vui chơi, để cho biết người di cư đã trả tiền cho dịch vụ nào. Tối thiểu 170 USD sẽ giúp họ có được hướng dẫn sinh tồn trong hành trình nguy hiểm từ Nam Mỹ đến Trung Mỹ, cũng như dịch vụ chăm sóc y tế và sử dụng nhà vệ sinh.
Nếu bạn không đủ khả năng chi trả, màu của vòng đeo tay sẽ cho biết họ phải đợi cho đến khi có đủ tiền - hoặc cố gắng thương lượng mức giảm giá theo nhóm. Với 500 USD, người di cư có thể nâng cấp lên dịch vụ có người khuân vác và thuyền để rút ngắn quãng đường đi bộ gian khổ.
"Ở khu vực biên giới thuộc Colombia, nếu một người di cư có thể thiệt mạng vì anh ta bị đau tim hoặc một bệnh nền nào đó, ở đây chúng tôi có các bác sĩ có thể khám và điều trị các bệnh đơn giản", ông Darwin Garcia nói.
Theo Bác sĩ tại trại di cư Carlos Torres: "Điều ảnh hưởng đến người di cư nhiều nhất là suy dinh dưỡng, vì họ không được ăn uống đủ chất. Thêm nữa, khi họ băng qua rừng với thể trạng yếu sẽ dễ bị mất nước và mệt mỏi".
Với kỷ lục 380 nghìn người vượt qua Darien Gap trong 9 tháng đầu năm nay, người dân địa phương ở vùng biên giới Colombia - Panama có thể kiếm thêm một chút thu nhập từ đoàn khách du lịch bất đắc dĩ này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!