Di cư là động lực của phát triển kinh tế - xã hội thế giới

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 19/12/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Năm 2020, có 281 triệu người di cư quốc tế và dự báo con số này sẽ đạt khoảng 405 triệu người vào năm 2050, chiếm 7% dân số toàn cầu.

Di cư an toàn và hợp pháp

Theo các chuyên gia, di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội thế giới. Người di cư có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của quốc gia sở tại và quê hương của họ, tăng cường sự giao thoa văn hóa, trao đổi khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự hiểu biết, kết đoàn giữa nơi đi và nơi đến.

Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt, hoạt động di cư cũng gây ra nhiều hệ lụy. Giai đoạn 2014-2022 đã có khoảng 50.000 người di cư thiệt mạng trên hành trình di cư kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải tăng cường hơn nữa các giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng di cư trái phép, mua bán người, để di cư thực sự là lựa chọn, chứ không phải là sự cần thiết, để mỗi người di cư có hành trình di cư an toàn và hợp pháp.

Bà Ugochi Daniels - Phó tổng Giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho rằng: "Trong một thế giới nơi chúng ta đang chứng kiến hàng loạt các cuộc khủng hoảng, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng di cư được quản lý tốt là nền tảng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho cả nhân loại. Chúng tôi dự báo xu hướng di cư thường xuyên sẽ tiếp tục gia tăng do tình trạng thiếu lao động ở Bắc bán cầu và dân số trẻ ở Nam bán cầu. Nếu bạn nhìn vào dữ liệu về lượng kiều hối thông qua các kênh cả chính thức và không chính thức, cũng như các khoản đầu tư của các cộng đồng ở ngoài nước vào năm ngoái, thì con số lên tới 1 nghìn tỷ USD, nhiều hơn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cộng lại. Kiều hối là nguồn tài trợ chính cho sự phát triển bền vững ở cấp hộ gia đình ở các quốc gia".

Di cư là động lực của phát triển kinh tế - xã hội thế giới - Ảnh 1.

Theo ông Filippo Grandi - Cao Ủy Liên hợp quốc về người tị nạn: "Đáng tiếc là vẫn có những nhận thức tiêu cực về người di cư được thúc đẩy bởi các chính trị gia đang chạy theo phiếu bầu. Thật dễ dàng với họ để nói với cử tri hãy cẩn thận với những người đang đến, họ sẽ cướp công việc của bạn, họ đe dọa an ninh hoặc các giá trị của bạn, và sau đó giành được phiếu bầu. Tôi không nói rằng sự xuất hiện đông đảo của người di cư và người tị nạn, đặc biệt là ở các nước giàu, không phải là một thách thức. Đó quả thực là một thách thức, và chúng tôi đã làm việc với các quốc gia này để giải quyết thách thức đó. Nhưng việc nói rằng đó là mối đe dọa, hãy đẩy lùi họ, xây những bức tường, đuổi các tàu chở người di cư hay chuyển họ sang nước thứ ba, thì đó là sai về mặt nguyên tắc và không có hiệu quả triệt để".

Bà Amy Pope - Tổng giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM): "Khi bạn nhìn vào các nền kinh tế có lượng người di cư đáng kể trong những năm qua, nếu bạn nhìn vào thành quả của họ trong tương lai, chúng ta sẽ thấy rằng các nước có xu hướng trở nên tốt hơn nhờ di cư, dù đó là nhờ thúc đẩy sự đổi mới, thúc đẩy nguồn cung lao động, hay thúc đẩy quá trình khôi phục và đem lại sức sống cho các cộng đồng đang già đi. Nhìn chung, di cư đem lại lợi ích. 30 nền kinh tế lớn nhất đã trải qua tình trạng thiếu lao động rất đáng kể. Trong mọi lĩnh vực, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, xây dựng, khách sạn, chính cộng đồng đang cảm nhận được tác động của tình trạng thiếu lao động đó. Và thành thật mà nói, mặc dù trí tuệ nhân tạo đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng tốc độ phát triển của nó lại chưa thể khắc phục tình trạng thiếu lao động này. Và máy móc cũng sẽ không thể làm tốt rất nhiều công việc trong số đó".

Di cư là động lực của phát triển kinh tế - xã hội thế giới - Ảnh 2.

Tạo cơ hội để người di cư đóng góp nhiều hơn

Bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đã chứng kiến các dòng di cư quốc tế tăng lên nhanh chóng do những nhân tố thúc đẩy như áp lực kinh tế, nghèo đói, thiếu việc làm, chiến tranh - xung đột và tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng dù vì lý do gì thì người di cư đều có một mục đích, đó là phấn đấu đến một tương lai tươi sáng hơn.

Để bảo đảm người di cư có thể tận dụng hết khả năng của họ và đóng góp tích cực cho xã hội, các quốc gia tiếp nhận đang có những chính sách khuyến khích phù hợp.

Chị Yuly Gorrin, 46 tuổi, là chủ một cửa hàng bánh tại Cộng hòa Dominica. Chị là người nhập cư từ Venezuela. "Tôi đã dành vài tháng đầu để thích nghi với hoàn cảnh sống mới. Sau đó, tôi bắt đầu làm bánh ngọt và bán rong ngoài phố, việc buôn bán rất tốt".

Sau 4 năm sinh sống tại Cộng hòa Dominica, với sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư quốc tế, chị đã tham gia chương trình Thỏa thuận lưu trú đặc biệt và nhận được thị thực chính quy. Chị rất vui mừng vì điều này sẽ giúp chị được mở rộng việc kinh doanh của mình.

Cộng hòa Dominica là quốc gia đầu tiên ở vùng Caribe tiếp nhận và hợp thức hóa người di cư từ Venezuela theo Thỏa thuận lưu trú đặc biệt này. Thỏa thuận cho phép người di cư Venezuela tiếp cận công việc ổn định, chăm sóc sức khỏe và giáo dục bằng cách tham gia hệ thống an sinh xã hội và có tài khoản ngân hàng.

Di cư là động lực của phát triển kinh tế - xã hội thế giới - Ảnh 3.

Một số quốc gia khác ở Mỹ Latinh trong đó có Argentina, Brazil, Colombia,… cũng đang thúc đẩy sự hòa nhập của những người Venezuela bằng cách tạo điều kiện thuận lợi thông qua các công cụ pháp luật phù hợp với luật pháp của mỗi quốc gia. Động thái của Mỹ Latinh và Caribe đối với người di cư Venezuela có thể gửi một thông điệp quan trọng nhằm thúc đẩy sự hòa nhập vào các quốc gia tiếp nhận người di cư.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Đức - một trong số các quốc gia phát triển tiếp nhận nhiều người di cư - cũng đang có những chính sách nhằm thu hút người lao động có trình độ cao, trong bối cảnh quốc gia Tây Âu đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động.

Từ tháng ba năm sau, lao động nhập cư trình độ cao mới tới Đức sẽ có thể đưa bố mẹ đẻ và bố mẹ của vợ hoặc chồng sang đoàn tụ. Đây là một điều kiện hấp dẫn với nhiều người, bởi trước đây, lao động nhập cư trình độ cao tại Đức chỉ có thể đón vợ, chồng hoặc con sang đoàn tụ. Người đăng ký sẽ phải chứng minh mình có đủ khả năng hỗ trợ cha mẹ về mặt tài chính và có bảo hiểm y tế. Quy định mới sẽ được áp dụng tới năm 2028 và sẽ được xem xét lại.

Những sáng kiến của mỗi quốc gia và nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong quản lý và giải quyết những thách thức, rào cản mà người di cư gặp phải sẽ giúp phát huy tiềm năng, đóng góp của người di cư cho sự phát triển bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

di cư

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước