Dầu cọ - Cuộc "đào vàng" thời hiện đại

An Ngọc (Tổng hợp CNN)-Thứ hai, ngày 09/12/2019 13:56 GMT+7

VTV.vn - Sâu trong những cánh rừng tại Borneo, Indonesia, là những đám cháy rừng rực, nhuộm đỏ bầu trời, làm bốc lên lớp khói mù dày đặc, lan sang cả những nước láng giềng...

Người dân ngạt thở. Động vật chết dần.

Và đó không phải những đám cháy bình thường mà cháy vì nhu cầu tiêu dùng của con người.

Nông dân đốt rừng với tốc độ chóng mặt để lấy đất trồng cọ nhằm đáp ứng nhu cầu dầu cọ ngày càng tăng của thế giới.

Dầu cọ - Cuộc "đào vàng" thời hiện đại

Theo CNN, Indonesia đang là tâm điểm của tình trạng khai thác dầu cọ - hay còn được ví von là một cuộc "đào vàng" thời hiện đại. Chỉ trong chưa đầy 20 năm, ngành xuất khẩu dầu cọ của nước này đã tăng gần 1.500% lên 20,7 tỷ USD trong năm 2017. Hiện đây là ngành xuất khẩu số một của đất nước này, cung cấp hơn một nửa lượng dầu cọ cho thế giới. Tính trung bình, mỗi một người trong chúng ta tiêu thụ 8kg dầu cọ/năm. Đây là sản phầm vốn có mặt trong phân nửa số mặt hàng tại các siêu thị, trong bơ thực vật, kem, pizza, chocolate, hay xà phòng, dầu gội đầu. Ở một số nơi tại châu Phi và châu Á, nó còn được sử dụng rộng rãi làm dầu ăn.

Có nguồn gốc từ châu Phi, dầu cọ được đưa tới Indonesia và Malaysia trong thời thuộc địa. Nó thích hợp với khí hậu nhiệt đới, lại cho năng suất cao so với những loại dầu thực vật khác như đậu nành, dừa, hay hoa hướng dương. Dần dần, dầu cọ được sử dụng làm nhiên liệu sinh học - một lựa chọn thân thiện với môi trường, thay cho dầu hay gas. Thế nhưng trong thực tế, diesel sinh học từ dầu cọ lại thải ra lượng carbon cao gấp 3 lần so với diesel từ nhiên liệu hóa thạch, theo dữ liệu của Liên đoàn Giao thông và Môi trường châu Âu. Hiện châu Âu cũng đã bắt đầu loại bỏ loại nhiên liệu sinh học này, cho đến khi nó trở nên bền vững hơn và không gây ra tình trạng tàn phá rừng.

Tại Indonesia, quy mô của ngành dầu cọ, cùng tác động của nó lên sức khỏe con người và môi trường, đang gióng lên hồi chuông báo động ngay cả với những người trong ngành. "Tình trạng này đang dần vượt quá tầm kiểm soát của chúng tôi," bà Tiur Rumondang, Giám đốc Tổ chức Hội nghị bàn tròn vì Dầu cọ Bền vững (RSPO) cho biết. "Tôi nghĩ đó là bởi chúng ta cứ để việc trồng cọ diễn ra tự phát mà không có một kế hoạch rõ ràng." RSPO cũng bày tỏ lo ngại, rằng bất chấp quy mô các vụ đốt rừng lấy đất trồng cọ, Indonesia vẫn chưa có biện pháp khẩn cấp nào để thay đổi hoạt động của ngành này. Năm nay, các đám cháy rừng đã thiêu rụi 8.578km2 đất rừng tại Indonesia. Theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu, tính riêng từ tháng 8 đến tháng 10, các đám cháy rừng đã thải ra 626 megaton CO2, nhiều hơn cả lượng khí thải CO2 của cả nước Australia trong một năm.

Dầu cọ - Cuộc đào vàng thời hiện đại - Ảnh 1.

Nông dân Indonesia thu hoạch dầu cọ. (Ảnh: CNN)

Tuy nhiên, đó là những vấn đề "to tát", còn với những nông dân trồng cọ, thì đây đơn giản là việc mang lại nguồn kinh tế cho họ. Ông Talan, nông dân trồng cọ ở Berau, Đông Kalimantan, Indonesia, là một trong số đó. 

"Trước khi trồng cọ, tôi không thể thường xuyên mua gà cho các con ăn. Giờ thì không chỉ có gà, mà nhiều loại đồ ăn khác tôi cũng đều có thể mua cho chúng. Tôi còn mua được cả TV, tủ lạnh nữa". 

Ông canh tác trên 2 hecta đất với tổng cộng 400 cây cọ, một tháng thu hoạch hai lần. Việc này giúp ông kiếm được 400USD/tháng, tương đương 9 triệu VND, gấp bốn lần so với việc trồng lúa hay cao su mà ông làm cách đây mười năm. Trưởng làng Berau Surya Emi Susianthi cho biết, trồng cọ đã làm thay đổi hoàn toàn cả cộng đồng này. 

"Nhiều năm trước, nhiều người ở đây không có ô tô, con cái của họ không được đi học bởi nhà không thể đóng học phí. Nhưng sau khi trồng cọ, họ đã xây được nhà, mua được xe, cho con cái đi học đầy đủ".

Làm thế nào đảm bảo nguồn kinh tế cho nông dân mà vẫn có thể bảo vệ rừng là bài toán không dễ dàng tìm ra lời giải. Nhưng theo RSPO, tất cả nằm ở vấn đề quy hoạch, bởi nếu cứ để vấn đề đốt rừng trồng cọ tự phát tiếp diễn, thì sẽ đến một lúc nào đó, khi những cánh rừng không còn, hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ giáng xuống chính những cây cọ mà họ trồng.

Sự bền vững bề ngoài?

Báo cáo mới đây của tổ chức Greenpeace đã buộc tội các tập đoàn quốc tế như Unilever, P&G, Nestle, Mondelez International… sử dụng dầu cọ từ các nhà cung cấp có liên quan tới hàng nghìn vụ cháy rừng trong năm nay. Cụ thể, các cuộc điều tra đã phát hiện ra tổng cộng 30 nhà sản xuất dầu cọ có liên hệ mật thiết tới cháy rừng ở Indonesia. Từ những nhà cung ứng này, dầu cọ đến tay những tập đoàn danh tiếng kể trên - mỗi tập đoàn dính líu tới 10.000 điểm nóng cháy rừng, số lượng kỷ lục trong năm 2019. Mondelez International và Nestle mua dầu cọ từ ít nhất 28 cung ứng trong danh sách này. Unilever tối thiểu 27, còn P&G tối thiểu 22.

"Các tập đoàn này đã tạo ra một vẻ ngoài bền vững, nhưng thực chất họ lại sử dụng những thành phần không đáp ứng được tiêu chuẩn phát triển bền vững. Họ phải chịu trách nhiệm về các vụ đốt rừng lấy đất trồng cọ" - bà Annisa Rahmawati, nhà thực hiện chiến dịch bảo vệ rừng, tổ chức Greenpeace Indonesia bày tỏ quan điểm.

Khi báo cáo này được công bố, nhà sản xuất thực phẩm Mondelez International của Mỹ, vốn sử dụng dầu cọ trong các sản phẩm bánh Oreo và Ritz lên tiếng rằng, họ sẽ yêu cầu các nhà cung cấp "thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng" sang "canh tác bền vững." Trong khi đó Nestle, nổi tiếng với những thanh Kit Kat ngọt ngào mà tất nhiên trong thành phần không thể thiếu dầu cọ, cho biết sẽ tiến hành điều tra riêng và chấm dứt hợp tác ngay lập tức với bất kỳ nhà cung cấp nào có liên quan tới hành vi tàn phá rừng. Hiện Nestle đã loại bỏ 10 nhà cung cấp dầu cọ không đáp ứng được tiêu chuẩn. Gã khổng lồ hàng tiêu dùng Unilever cũng tuyên bố rà soát lại toàn bộ các nhà cung cấp dầu cọ. Tuy nhiên, theo Greenpeace, phải cần có thời gian nhất định mới có thể đánh giá được tình hình, xem liệu các tập đoàn này có thực hiện được đúng lời hứa của họ không và đem lại tác dụng đến đâu, bởi việc đốt rừng trồng cọ lấy dầu tồn tại bấy lâu nay là do những yếu kém trong việc giám sát nguồn gốc sản phẩm của các công ty.

Dầu cọ - Cuộc đào vàng thời hiện đại - Ảnh 2.

(Nguồn: Independent)

Trong khi đó, tại Indonesia, nơi đáp ứng hơn 50% nhu cầu dầu cọ của thế giới, mùa khô đã kết thúc. Những cơn mưa cuối cùng cũng đến, dập tắt những đám cháy rừng. Thế nhưng nó chưa thể hạ nhiệt cơn sốt của một cuộc "đào vàng" thời hiện đại, khi theo thông lệ, cứ đến mùa khô hằng năm, nông dân vẫn tiếp tục đốt những khoảnh rừng quý như vàng, để trồng cọ lấy một thứ "vàng" khác. Như thứ "vàng" ấy, trong đà canh tác không có kế hoạch, đã kích hoạt một quả bom khí hậu với những hậu quả nghiêm trọng mà chỉ trong vài năm nữa, thế giới sẽ buộc phải chứng kiến, theo cảnh báo của các chuyên gia.

Bà Annisa Rahmawati cho biết, cần phải có sự chuyển có đổi mạnh mẽ trong ngành công nghiệp dầu cọ, đặc biệt là khi các đám cháy ở Indonesia đang đóng góp đáng kể vào lượng khí thải carbon dẫn đến biến đổi khí hậu. 

"Nếu những cánh rừng biến mất, chính chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả" - bà Annisa Rahmawati nói - "Đây là điều mà các công ty không nhận ra. Tất cả chúng ta đều biết rằng chẳng thể nào kinh doanh trên một hành tinh chết".

An Ngọc (Tổng hợp CNN)

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước