Ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay được dành riêng cho vấn đề rác thải nhựa, nâng cao nhận thức về các tác động do rác thải nhựa gây ra và thúc đẩy sử dụng vật liệu tái chế.
Tại sao lại là nhựa? Bởi vì trong tất cả các loại rác, rác thải nhựa đang gây ra những vấn đề đau đầu nhất. Hơn 90% tất cả các loại nhựa được thải ra chưa được tái chế và chúng vẫn tồn tại đâu đó trên Trái đất chúng ta.
Đảo rác Thái Bình Dương là cái tên chính thức của một khối hỗn hợp những loại rác thải nhựa trôi nổi trên khu vực Đông Bắc Thái Bình Dương. Đảo rác này hiện có diện tích gấp 6 lần nước Pháp. Trong 40 năm vừa qua, diện tích của đảo rác liên tục tăng, tính đến nay đã rộng lên 100 lần.
Vì bị khóa trong một vòng xoáy, điểm tập trung của tất cả các dòng hải lưu trên đại dương nên đảo rác này hiện chỉ trôi nổi quanh ở khu vực giữa Hawaii và Bắc Mỹ.
Tuy đảo rác này nổi trên mặt nước nhưng nó dày nhiều mét và mang theo những hệ lụy môi trường nặng nề. Sinh vật biển, rùa, chim có thể lầm tưởng các mảnh vụn rác là các sinh vật phù du - thức ăn cơ bản của chúng.
Đảo rác Thái Bình Dương cũng được các nhà nghiên cứu phát hiện là môi trường lý tưởng cho một loại bọ nước không cánh, gọi là Halobates sericeus. Sự sinh sôi không kiểm soát của loài côn trùng này là mối đe dọa trực tiếp tới cân bằng sinh thái biển.
Một trong những vùng biển ô nhiễm nặng nhất đó là Địa Trung Hải. Ước tính biển này có tới 250 tỷ mảnh nhựa trôi nổi. Ước tính mất tới 90 năm thì nước biển Địa Trung Hải mới có thể tự lọc sạch.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!