Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga đến Đức ở biển Baltic. (Ảnh: AP)
Nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 xác nhận đã phát hiện tình trạng rò rỉ trong đường ống ở phía Đông Nam của hòn đảo Bornholm của Đan Mạch trên biển Baltic.
Đường ống chạy dài 1.230 km (764 dặm) từ Nga qua biển Baltic đến Đức. Đường ống đã được hoàn thành và đổ đầy khí đốt, nhưng khí đốt chưa bao giờ được nhập khẩu qua đây, hãng tin DPA đưa tin.
Nguyên nhân của sự cố rò rỉ khí đốt này hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Cơ quan năng lượng Đan Mạch cho biết trong một tuyên bố rằng cơ quan hàng hải của nước này đã ban hành cảnh báo hàng hải và thiết lập vùng cấm trong phạm vi 5 hải lý xung quanh khu vực rò rỉ đường ống "vì gây nguy hiểm cho giao thông tàu thuyền".
Các nhà chức trách liên quan hiện đang điều phối nỗ lực và cơ quan năng lượng Đan Mạch nói thêm rằng "bên ngoài khu vực loại trừ, không có rủi ro an ninh nào liên quan đến vụ rò rỉ".
Cơ quan năng lượng của Đan Mạch xác nhận, sự cố trên sẽ không gây ra hậu quả đối với an ninh nguồn cung khí đốt của nước này.
Một phát ngôn viên của nhà điều hành Dòng chảy phương Bắc 2 cho biết đã phát hiện sự cố mất áp suất trong một ống dẫn vào đầu ngày 26/9. Các nhà chức trách hàng hải chịu trách nhiệm ở Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Nga đã ngay lập tức được thông báo về sự cố, DPA đưa tin.
Theo phát ngôn viên Ulrich Lissek, trong khi áp suất bên trong đường ống thông thường là 105 bar, nay áp suất ở phía Đức chỉ là 7 bar. Ông lo ngại rằng đường ống chứa đầy 177 triệu m3 khí đốt có thể cạn kiệt trong những ngày tới.
Hiện chưa rõ hậu quả ngay lập tức của vụ rò rỉ nhưng một nhóm hoạt động môi trường của Đức xác nhận, khí rò rỉ không gây độc.
Deutsche Umwelthilfe (hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và môi trường phi lợi nhuận) chỉ ra rằng khí tự nhiên methane một phần hòa tan trong nước và không độc hại. Theo DPA, khí thải ra ở càng sâu dưới biển, tỷ lệ hòa tan trong nước càng cao. Ngay cả trong trường hợp xảy ra một vụ nổ dưới nước, sẽ chỉ có tác động cục bộ.
Bộ Kinh tế Đức đã nhận được thông báo về địa điểm bị nghi ngờ nằm trong lãnh hải của Đan Mạch và đang liên lạc với các cơ quan chức năng ở Đức và Đan Mạch. Đức phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga. Tuy nhiên, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, Đức đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung năng lượng khác.
Vụ rò rỉ xảy ra một ngày trước khi khánh thành đường ống mới Baltic Pipe sẽ đưa khí đốt của Na Uy qua Đan Mạch đến Ba Lan. Khí đốt của Na Uy được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc thay thế khí đốt của Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!