Theo một số quan chức của Mỹ và Trung Quốc, trong ngày đàm phán ngày 1/5, hai bên đã đạt được một số tiến triển trong các vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ. Bởi trước đây, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc là vấn đề nhạy cảm mà hai bên ít nhắc đến. Sự nhượng bộ theo nhiều chuyên gia là nút thắt quan trọng để tháo gỡ những bất đồng còn lại của hai bên.
Phía Mỹ khẳng định, các vấn đề chính mà hai bên cần thống nhất là một cơ chế thực thi thỏa thuận và lộ trình dỡ bỏ các biện pháp thuế quan. Trong khi đó, Trung Quốc nhấn mạnh phải đảm bảo cơ chế này có tác động hai chiều, không thể chỉ nhằm hạn chế Trung Quốc. Theo giới thạo tin, thời điểm Mỹ bãi bỏ thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ nằm trong số những vấn đề được giải quyết cuối cùng.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết hai bên đã có bữa tối làm việc "tốt đẹp" khi đoàn đàm phán Mỹ tới Bắc Kinh vào tối 30/4.
Theo các chuyên gia, sự nhượng bộ lẫn nhau trong các vòng đàm phán trước được xem là những yếu tố tích cực đẩy Mỹ - Trung Quốc xích lại gần nhau trong lần gặp nhau này. Với Trung Quốc, việc thông qua luật mới về đầu tư nước ngoài, theo đó cam kết tăng cường bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã thể hiện thiện chí trong đàm phán.
Các quan chức đàm phán Mỹ và Trung Quốc không đưa ra tuyên bố nào với báo giới về kết quả đàm phán. Ngay sau khi kết thúc ngày đàm phán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin viết trên Twitter, ông và Robert Lighthizer đã có cuộc gặp gỡ hữu ích với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Sau vòng đám phán này, dự kiến ngày 8/5, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Washington để tham dự vòng đàm phán tiếp theo. Giới quan sát đồn đoán đây sẽ là vòng cuối cùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!