Cải tổ lực lượng cảnh sát liệu đã đúng thời điểm?
14 ngày, cả nước Mỹ trở nên "sôi sục" sau cái chết của công dân da màu George Floyd. Kẻ vi phạm cũng đã bị bắt giữ và ra tòa, những người liên quan cũng đang bị triệu tập để phục vụ điều tra. Nhưng vụ việc không chỉ dừng lại ở đó. Một làn sóng kêu gọi cải cách ngành cảnh sát đã bùng lên tại Mỹ, mà khởi nguồn là từ thành phố Minneapolis - nơi xảy ra sự việc cảnh sát da trắng gây ra cái chết của người da màu.
Lưỡng viện nhanh chóng đồng thuận về việc cần thiết phải cải tổ lực lượng cảnh sát
Sự đồng thuận hiếm hoi trong Quốc hội lưỡng viện Mỹ về việc cần phải cải cách lực lượng cảnh sát để đáp ứng với tình hình hiện nay, cho thấy giới lập pháp Mỹ đang lắng nghe tiếng nói của người dân nhiều hơn, đặc biệt các cộng đồng thiểu số ở Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu rằng đây đã đúng thời điểm để thực hiện cải tổ lực lượng cảnh sát tại Mỹ?
CNN công bố số liệu cho thấy, các vụ bắn, bắt giữ và bỏ tù do cảnh sát Mỹ tiến hành thường nhiều hơn so với các quốc gia phát triển khác. Cụ thể, số ca tử vong trong lúc bắt giam tại Mỹ cao gấp đôi Australia và cao gấp 6 lần so với tại Anh.
Cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey nói với Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ năm 2015, rằng: "Nếu để tra cứu xem có bao nhiêu người đã đến rạp chiếu phim trên toàn nước Mỹ, tôi có thể nói với bạn con số đó ngay. Nhưng tôi không thể cho bạn biết có bao nhiêu người đã bị cảnh sát ở Mỹ bắn vào tháng trước hay vào năm ngoái".
Do đó tất cả chỉ dựa vào các số liệu ước tính, và chúng khiến người ta giật mình! Mỗi năm, cảnh sát tại Mỹ bắn chết khoảng 1000 người, trong đó không ít là các vụ việc được gọi là hành động "giết người chính đáng" của cảnh sát.
Người biểu tình kêu gọi cắt giảm ngân sách dành cho lực lượng cảnh sát - Ảnh: CNN
Người Mỹ cũng có nhiều khả năng bị bắt hoặc bị bỏ tù hơn so với người dân các nước khác
Tổng cộng có 10.310.960 vụ bắt giữ đã được thực hiện tại Mỹ vào năm 2019. Tức là cứ 32 công dân Mỹ, thì sẽ có một người bị cảnh sát bắt giữ. Những con số này cho thấy Mỹ có tỷ lệ bắt giữ cao hơn nhiều so với Anh hoặc Australia.
Năm 2015, cảnh sát đã bắn chết 994 người Năm 2016, cảnh sát đã bắn chết 962 người Năm 2017, cảnh sát đã bắn chết 986 người Năm 2018, cảnh sát đã bắn chết 991 người Năm 2019, cảnh sát đã bắn chết 1.004 người Cho đến tháng 5/2020, cảnh sát đã bắn chết 463 người. Nguồn: Insider |
Trong số những đối tượng bị khống chế, người Mỹ da màu có nguy cơ bị cảnh sát sử dụng vũ lực nhiều hơn, và đàn ông da màu có khả năng bị tử vong cao gần gấp ba lần so với người da trắng, theo CNN.
Mỹ có số lượng tù nhân lớn nhất thế giới, cũng như tỷ lệ giam giữ trên đầu người cao nhất. Thống kê này được World Prison Brief, một tổ chức có trụ sở tại London (Anh) chuyên thống kê số lượng tù nhân trên toàn thế giới hàng năm cung cấp.
CNN tiếp tục chỉ ra con số giật mình, chỉ có bốn thành phố của Mỹ có dân số cao hơn tổng số tù nhân trên toàn nước Mỹ. Tính đến thời điểm này, Mỹ có 2,2 triệu tù nhân, tức là cao hơn dân số của ba thành phố Washington D.C, Boston và Miami cộng lại. Trong đó, người Mỹ da màu chiếm 1/3 số phạm nhân trong các nhà tù Mỹ, mặc dù chỉ chiếm khoảng 1/8 tổng dân số cả nước.
Nước Mỹ có bị chia rẽ bởi đề xuất cải cách lực lượng cảnh sát?
Trong các cuộc biểu tình trên toàn nước Mỹ, người dân kêu gọi chính phủ "cắt bớt tài trợ cho lực lượng cảnh sát". Nhưng cắt giảm ngân sách - có đồng nghĩa với giải tán lực lượng cảnh sát hay không?
Nhà nghiên cứu về xã hội học tại Đại học Yale, Philip McHarris, cho rằng: "Quan điểm cảnh sát là người bảo vệ cộng đồng không còn khiến người da màu tin tưởng nữa vì họ cảm thấy không được bảo vệ".
Ông McHarris cũng cho rằng việc cắt giảm ngân sách, quy mô hoặc cải tổ lại lực lượng cảnh sát, sẽ giúp giới chức các địa phương "thay máu" hệ thống tư pháp hình sự, và sẽ chấm dứt được "văn hóa trừng phạt" áp dụng với những người bị bắt giữ.
Vậy nước Mỹ có bị chia rẽ không? Có thể có!
Tổng thống Mỹ khẳng định lực lượng cảnh sát vẫn làm việc rất tốt - Ảnh : CNN
Trái ngược với quan điểm của Quốc hội lưỡng viện và giới chức nhiều bang, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tuyên bố rằng "không có chuyện chính phủ sẽ giải tán lực lượng cảnh sát trong thời điểm này".
"99% cảnh sát Mỹ rất tốt, họ rất tuyệt vời. Chỉ có 1% cảnh sát là có hành động không chấp nhận được thôi", Tổng thống Mỹ trả lời phỏng vấn hãng Reuters như vậy.
Ngoài ra, vẫn có những nghị sĩ đảng Dân chủ, bao gồm cả cựu Phó Tổng thống Joe Biden đều nói rằng không ủng hộ việc cải tổ lực lượng cảnh sát.
Một sự thay đổi đáng kể về quan điểm
Một cuộc thăm dò mới của CNN, cho thấy 67% người Mỹ tin rằng hệ thống tư pháp hình sự ủng hộ người da trắng hơn người da đen ở đất nước này. Và cùng một tỷ lệ phần trăm nói rằng phân biệt chủng tộc là một vấn đề lớn ngày nay, so với chỉ 49% vào năm 2015, một năm sau cái chết của thanh niên da màu Brown ở Ferguson.
Mỹ từng cố gắng cải tổ lực lượng cảnh sát
Hồi năm 2016, mặc dù Chính quyền Obama đã nỗ lực cải tổ lực lượng cảnh sát, nhằm giảm thiểu số người da màu bị chết oan do cảnh sát nổ súng, nhưng tiến độ thực hiện còn chậm và chưa đủ để tạo ra chuyển biến rõ rệt.
Tổng thống Mỹ thời điểm đó, ông Barack Obama cho rằng, việc số vụ cảnh sát bắn chết người da màu không những không thuyên giảm mà còn tái diễn thường xuyên cho thấy sự bất bình đẳng sắc tộc tồn tại trong hệ thống tư pháp của Mỹ.
Sau vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên da màu không có vũ khí ở thành phố Ferguson, bang Missouri, năm 2014, làm nổ ra các cuộc bạo loạn và biểu tình phản đối tình trạng cảnh sát đối xử bất công bằng với người da màu, Nhà Trắng đã lập Lực lượng đặc biệt về giữ gìn trật tự kỷ cương thế kỷ XXI, gồm các nhà hoạt động đấu tranh vì quyền dân sự, các nhà lãnh đạo cộng đồng, cùng các quan chức trong lực lượng thực thi pháp luật.
Lực lượng này có nhiệm vụ thảo luận và đề xuất các sáng kiến, bước đi cụ thể nhằm tạo dựng lại niềm tin giữa các cộng đồng dân cư và lực lượng cảnh sát. Những sáng kiến đã được lực lượng cảnh sát hoan nghênh và thực hiện, song hiệu quả còn hạn chế.
Theo Brittany Packnett, thành viên của Lực lượng đặc biệt về giữ gìn trật tự kỷ cương thế kỷ XXI, không thể kỳ vọng rằng thay đổi đến trong một sớm một chiều, bởi có quá nhiều vấn đề mang tính hệ thống trong lực lượng cảnh sát Mỹ cần phải giải quyết. Những vấn đề này bắt nguồn từ tình trạng phân biệt chủng tộc và sử dụng bạo lực của lực lượng thực thi pháp luật.
Nhưng đã bao năm trôi qua, có vẻ như lực lượng này vẫn không phát huy được hiệu quả như nó được kỳ vọng.
Những cảnh sát phạm tội liệu có bị xét xử thích đáng?
Chẳng ai muốn chỉ vì một vài cá nhân - một vài "con sâu làm rầu nồi canh".
Các nghị sĩ của bang New York vừa hủy bỏ đạo luật tồn tại hàng thập niên qua, trong đó yêu cầu giữ kín các hồ sơ xử lý kỷ luật đối với các nhân viên thực thi pháp luật.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo khẳng định sẽ ký thông qua quyết định bãi bỏ đạo luật trên. Như vậy, hiện ở Mỹ chỉ còn duy nhất bang Delaware áp dụng luật cho phép giữ kín thông tin về hồ sơ xử lý vi phạm của cảnh sát.
Việc bãi bỏ luật này là một trong số những biện pháp nhằm truy cứu trách nhiệm của cảnh sát. Các biện pháp khác bao gồm trang bị cho tất cả cảnh sát địa phương camera gắn trên người và đảm bảo cảnh sát chú ý đến vấn đề sức khỏe của những người bị bắt giữ. Những biện pháp trên đã được đề xuất từ nhiều năm trước nhưng hiện đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ.
Rõ ràng, những vụ việc bạo lực của cảnh sát với người da màu tại Mỹ đã khoét sâu sự bất bình của người dân, khiến cho lực lượng thực thi pháp luật phải đối mặt sức ép cải cách. Nhưng cải cách như thế nào thì không phải là câu trả lời dễ dàng khi giữa Nhà Trắng và Quốc hội vẫn còn những bất đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!