Cuộc "ly hôn" nhọc nhằn giữa Mỹ và Trung Quốc

Theo TTXVN-Chủ nhật, ngày 28/06/2020 16:17 GMT+7

Tổng thống Mỹ Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bắt tay sau khi ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng, ngày 15/1/2020 - Ảnh: Reuters

VTV.vn - Mối quan hệ Mỹ - Trung mà giới chức cấp cao Bắc Kinh thường miêu tả như "quan hệ vợ chồng" đang đứng trước nguy cơ "ly hôn".

Khi "bồ câu" trở thành "diều hâu"

Ngày 23/6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố nếu Bắc Kinh không cho phép doanh nghiệp Mỹ được cạnh tranh công bằng ở Trung Quốc, kinh tế hai nước sẽ tách rời. Tuyên bố của ông Mnuchin rất đáng chú ý bởi quan chức này luôn được nhìn nhận là nhân vật đại diện cho phe "bồ câu" đối với Trung Quốc trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Ông Mnuchin cũng được dư luận nhìn nhận là người đại diện cho Phố Wall, vốn có lợi ích rất lớn ở Trung Quốc.

Vì vậy, tuyên bố "tách rời kinh tế" giữa Mỹ và Trung Quốc của Bộ trưởng Mnuchin kỳ thực đã khiến người ta cảm thấy kinh ngạc. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một góc độ khác cũng có thể thấy hiện nay tình cảm bất mãn với Trung Quốc đang dâng cao ở Nhà Trắng, yêu cầu tách rời toàn diện với Trung Quốc đã trở thành "đúng đắn chính trị". Bốn ngày trước tuyên bố của ông Mnuchin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định chắc nịch rằng tách rời toàn diện với Trung Quốc vẫn là một lựa chọn chính sách của Mỹ.

Nhiều chuyên gia phân tích bình luận cho rằng việc Mỹ gần đây thúc đẩy tách rời với Trung Quốc về kinh tế thương mại không phải "gió thổi nhà trống" mà xuất phát từ nhiều động cơ.

Cuộc ly hôn nhọc nhằn giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 1.

Theo Reuters, phía Mỹ đã dừng áp đặt lệnh giới hạn đối với các hãng hàng không Trung Quốc

Thứ nhất, nhằm chuyển hướng dư luận về mâu thuẫn trong nước. Chính quyền của ông Donald Trump đang phải đối mặt với hàng loạt nhân tố bất lợi trong nước như nguy cơ đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai, kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng, bạo động leo thang… Người dân cảm thấy bất mãn trước việc phòng chống dịch bệnh không hiệu quả, phản ứng chậm chạp của chính phủ.

Theo điều tra mới nhất của chuyên trang thông tin chính trị RealClearPolitics.com, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump lần lượt là 47,7% và 42,2%. Ông Trump không chỉ bị đối thủ dẫn trước về tổng thể, mà còn đứng sau tại các bang "lung lay" như Wisconsin, Florida, Pennsylvania, Michigan… Nhằm chuyển hướng dư luận khỏi những mâu thuẫn trong nước, củng cố sự ủng hộ, xoay chuyển cục diện tranh cử, cứng rắn với Trung Quốc trở thành chìa khóa duy nhất để ông Trump giải quyết vấn đề.

Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu hiện thực của cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Cuối năm 2017, Mỹ đưa ra Báo cáo Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) lần đầu tiên xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Ngày 20/5 vừa qua, Washington công bố "Báo cáo chiến lược của Mỹ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", trong đó chỉ rõ Bắc Kinh đã lạm dụng trật tự quốc tế tự do và cởi mở, trong khi cố gắng tạo lập lại hệ thống quốc tế có lợi hơn cho Trung Quốc, gây ra nhiều thách thức cho lợi ích quốc gia của Mỹ.

Cuộc ly hôn nhọc nhằn giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 2.

Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen với lý do đe dọa an ninh Mỹ - Ảnh: Reuters

Với các chỉ dấu nêu trên, việc tách rời với Trung Quốc là nhằm duy trì ưu thế của Mỹ, làm chậm lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đồng thời, các biện pháp tách rời với Trung Quốc hiện nay mà Mỹ tiến hành là nhằm thực hiện chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc.

Tuy nhiên, phải thấy rằng quan hệ Mỹ-Trung hiện nay khác xa với quan hệ Mỹ-Xô thời Chiến tranh Lạnh. Khi xưa, Mỹ-Xô tương đối độc lập về kinh tế thương mại. Nhưng quan hệ kinh tế thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay như "đường tơ trăm mối" hay nói như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là "trong anh có tôi, trong tôi có anh".

Xuất hiện trong chương trình The Hugh Hewitt Show vào ngày 23/6 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng thừa nhận Mỹ có một nền kinh tế hội nhập với Trung Quốc và thách thức đối với tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của Mỹ bện chặt với kinh tế Trung Quốc.

Thực tế cũng cho thấy gần đây, mặc dù quan hệ Mỹ-Trung xuống dốc mạnh, nhưng căn cứ vào số liệu thống kê chính thức của Mỹ, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc của Mỹ tháng 4/2020 đã tăng mạnh từ mức 6,8 tỷ USD (thấp nhất trong 10 năm) trong tháng 2/2020 lên 8,6 tỷ USD.

Giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng mạnh từ mức 19,8 tỷ USD (thấp nhất trong 11 năm) của tháng 3/2020 lên 31,1 tỷ USD. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho thấy lượng đậu tương Mỹ xuất khẩu sang Mỹ tháng 4/2020 đã tăng hơn 2 lần so với tháng 3/2020, từ 208.505 tấn lên 423.891 tấn.

Cuộc ly hôn nhọc nhằn giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 3.

Hãng bán dẫn Đài Loan TSMC tuyên bố xây dựng nhà máy 12 tỉ USD ở Arizona, Mỹ, chấn động mới nhất trong làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc mà Mỹ rất hăng hái - Ảnh: Nikkei

Cuộc chia tay từng phần

Muốn "ly hôn", Mỹ-Trung sẽ phải trả giá đắt, nhưng điều đó không có nghĩa cuộc "hôn nhân" Mỹ-Trung sẽ được vãn hồi. Rất có thể "phi Trung Quốc" sẽ không chỉ dừng ở các tuyên bố hay nhận định mà sẽ được hỗ trợ bằng cách chính sách cụ thể. Đồng thời, Mỹ-Trung tách rời sẽ không diễn ra ồ ạt trên tất cả các phương diện mà trước mắt chủ yếu là về chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng đầu tư vào Trung Quốc cơ bản chia thành ba loại, không thể đồng loạt rút khỏi Trung Quốc. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, đại bộ phận doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sản xuất các sản phẩm liên quan tới an ninh quốc gia sẽ rút khỏi Trung Quốc do tác động từ phía chính quyền.

Theo tờ Economic Journal, dưới tác động của dịch bệnh, cộng thêm việc "thuyết Trung Quốc đe dọa" dấy lên, đặc biệt là việc các chính khách Mỹ tìm cách buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc dịch bệnh lây lan khắp thế giới, các hành động nhằm vào Trung Quốc trong tương lai sẽ càng quyết liệt.

Họ sẽ tiếp tục nhấn mạnh tới an ninh quốc gia, yêu cầu doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, sản phẩm viễn thông, linh kiện công nghệ cao… đưa dây chuyền về nước hoặc sử dụng mệnh lệnh hành chính, đưa ra chính sách trợ cấp hay thậm chí buộc các doanh nghiệp này rời khỏi Trung Quốc, về nước hoặc tới các quốc gia, khu vực tin cậy/có thể kiểm soát/chung quan niệm giá trị.

Cuộc ly hôn nhọc nhằn giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 4.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (trái) lên án Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông, trục lợi từ dịch bệnh. Ảnh: Defense.gov

Đại bộ phận doanh nghiệp loại này sẽ rút khỏi Trung Quốc và tốc độ rút khỏi Trung Quốc cũng nhanh nhất. Chuyên gia an ninh Mỹ Rebecca Grant cũng cho rằng Mỹ-Trung sẽ không tách rời một lần, nhưng sau đại dịch, các ngành nghề như sản xuất thuốc chữa bệnh, xây dựng mạng 5G, chính sách nông nghiệp, xuất nhập khẩu… sẽ có một diện mạo hoàn toàn mới. Trước tiên, ngành sản xuất thuốc chữa bệnh sẽ được đưa về Mỹ.

Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, có mật độ lao động cao bắt đầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan, phân tán rủi ro và xu thế này sẽ tiếp tục.

Trước đây, các doanh nghiệp loại này lợi dụng ưu thế cạnh tranh của Trung Quốc như nhân công giá rẻ, thực hiện ưu đãi đầu tư, có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh… nên đã đặt nhà máy, công xưởng ở Trung Quốc để sản xuất những mặt hàng thế giới cần. Sản phẩm của các doanh nghiệp này chủ yếu phục vụ đời sống, có độ bao phủ rộng như giày dép, quần áo, đồ chơi, thực phẩm chế biến, đồ gia dụng…

Nhưng cùng với việc Trung Quốc hoàn thiện Luật Lao động, chi phí nhân công ở Trung Quốc tăng lên, cao hơn các nước Đông Nam Á, cộng thêm ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, một số doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ đã bắt đầu rời dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, Myanmar…

Đầu năm 2020, Mỹ-Trung đã ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhưng Mỹ chưa dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Thậm chí mới đây, Tổng thống Donald Trump còn đe dọa sẽ áp thuế trên 25% đối với hàng hóa Trung Quốc…, số lượng doanh nghiệp loại này rời khỏi Trung Quốc sẽ tăng lên.

Cuộc ly hôn nhọc nhằn giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 5.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/5 đã đưa ra bình luận về thỏa thuận thương mại và "dịch bệnh đến từ Trung Quốc". Ảnh: Reuters

Thứ ba, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc sẽ không rời khỏi Trung Quốc trừ phi họ từ bỏ thị trường Trung Quốc.

Xem xét từ góc độ thương mại, loại doanh nghiệp này không thể rời khỏi Trung Quốc. Những tập đoàn khác thuộc doanh nghiệp loại này có thể kể đến là Toyota (năm 2019, doanh số bán ô tô của Toyota tại Trung Quốc đã vượt ở Nhật Bản), Tesla (bất chấp cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn quyết định xây dựng nhà máy ở Thượng Hải vì nhắm đến thị trường Trung Quốc)… Tuy nhiên, điển hình nhất có lẽ là Apple.

Một báo cáo của Ban Phát triển thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc chỉ rõ trong số 802 nhà máy thuộc 200 hãng cung ứng hàng đầu cho Apple thì có 382 nhà máy có địa chỉ ở Trung Quốc, chiếm 48%, cao gấp 3 lần so với ở Nhật Bản, nước đứng vị trí thứ hai về số lượng nhà máy sản xuất linh kiện cho Apple (128 nhà máy). Riêng tại Tô Châu, số nhà máy sản xuất linh kiện cho Apple đã là 75, gần gấp 3 lần so với tổng số nhà máy sản xuất linh kiện cho Apple ở Việt Nam (18 nhà máy) và Ấn Độ (8 nhà máy).

Về số lượng đã vậy, nhưng quan trọng hơn, 382 nhà máy sản xuất linh kiện cho Apple ở Trung Quốc cấu thành một hệ thống cung ứng điện tử hoàn chỉnh nhất toàn cầu. Đồng thời, Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ hai thế giới của Apple, đóng góp gần 20% doanh số bán hàng. Cho nên, Apple không thể di dời dây chuyền đi nơi khác, lắp ráp xong rồi lại vận chuyển về Trung Quốc để bán bởi việc này hoàn toàn đi ngược lại tính toán lợi ích của doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước