Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ là sự kiện ngoại giao được quan tâm nhất trong tuần qua. Cuộc gặp kéo dài chừng 3 giờ đồng hồ đã làm tròn nhiệm vụ của nó, làm dịu đi mối quan hệ vốn rất căng thẳng giữa hai cường quốc. Có nhiều lý do để cả hai bên muốn tạo lập một trạng thái mới trong mối quan hệ ngoại giao được đánh giá là thấp chưa từng có giữa Moscow và Washington.
Bước khởi đầu "phá băng"
Bước tiến nhỏ, khác biệt lớn. Đó là nhận định gắn gọn của giới phân tích từ cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ.
Ngay từ khi bắt đầu, dù cảm ơn Tổng thống Biden về sáng kiến gặp nhau, Tổng thống Nga Putin vẫn thừa nhận quan hệ Mỹ và Nga có rất nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết bằng những cuộc họp cấp cao nhất.
Tổng thống Biden và Tổng thống Putin tại Geneve, Thụy Sĩ vào ngày 16/6 (Ảnh: AP)
Cuộc họp diễn ra ngắn hơn dự kiến nhưng cũng đủ để giúp hai bên tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề như dỡ bỏ các hạn chế lẫn nhau đối với các cơ quan đại diện ngoại giao hay triển vọng hợp tác tại Bắc Cực.
"Về vấn đề khôi phục lại vị trí của các đại sứ hai bên của Nga của Mỹ, chúng tôi đã thống nhất được điều này. Các đại sứ sẽ quay trở lại làm việc" - Tổng thống Putin khẳng định.
Tuy nhiên, khi đi vào những vấn đề gai góc hơn như quan điểm vấn đền Ukraine, quan điểm về nhà chính trị đối lập Navalny, vấn đề về nhân quyền... thì không đơn giản như vậy.
"Không có Tổng thống Mỹ nào có thể giữ được niềm tin với người dân nếu không lên tiếng bảo vệ các giá trị dân chủ, bảo vệ quyền tự do cơ bản. Đó đã là một phần ADN của đất nước Mỹ. Vì vậy, nhân quyền sẽ luôn luôn được Mỹ nhắc tới với Nga" - Tổng thống Joe Biden cho biết.
An ninh mạng được cho là một điểm nóng trong chương trình nghị sự và tiếp tục là đề tài gây tranh cãi ngay cả trong cuộc họp báo kết thúc từ hai bên.
"Tôi nói rõ rằng, nước Mỹ có khả năng mạng đáng kể và ông Putin biết điều đó. Nếu họ vi phạm các quy tắc cơ bản này, chúng tôi sẽ đáp trả trên không gian mạng. Điều ông Putin không muốn bây giờ là một cuộc chiến tranh lạnh" - Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cho rằng: "Cả năm 2020, chúng tôi đã nhận được 10 yêu cầu hồi đáp về các cuộc tấn công mạng từ Nga nhằm vào các cơ sở ở Mỹ. Năm nay là 2 yêu cầu. Phía Mỹ đã nhận được câu trả lời đầy đủ cho tất cả trường hợp cả năm ngoái và năm nay. Đến lượt mình, Nga đã gửi 45 yêu cầu tới các cơ quan liên quan của Mỹ vào năm ngoái và 35 yêu cầu trong nửa đầu năm nay. Chúng tôi chưa nhận được một câu trả lời nào cho đến nay".
Những căng thẳng lâu nay về chiến tranh mạng và nhân quyền vẫn còn tồn tại. Kết thúc cuộc họp, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã thể hiện cả sự tôn trọng và hoài nghi lẫn nhau. Họ đã cho nhau thấy rõ lằn ranh đỏ trong quan hệ hai nước đang ở đâu. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã tỏ rõ cần hướng đến ổn định chiến lược trong quan hệ giũa hai cường quốc.
Mỹ muốn đưa quan hệ với Nga về mức ổn định
Dù có coi nhau là đối thủ, giữa Mỹ và Nga vẫn có những khu vực lợi ích chung. Đó có thể là trong vấn đề Afghanistan, chuyện thoả thuận hạt nhân với Iran hay đặc biệt là lợi ích liên quan tới năng lực hạt nhân của Mỹ và Nga.
Việc duy trì trao đổi, nói chuyện và làm việc cùng nhau được coi là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích chung trong những vấn đề này. Quan hệ Mỹ - Nga trước cuộc gặp thượng đỉnh đã xuống tới mức thấp chưa từng có trong nhiều chục năm, đến mức rút cả đại sứ của hai bên về nước. Do đó, Mỹ muốn đưa quan hệ với Nga trở về ổn định hơn nhằm tránh các rủi ro và đảm bảo lợi ích của Mỹ trong các khu vực có chung lợi ích với Nga.
Một điểm khác có thể thấy là chính quyền Tổng thống Joe Biden tích cực tìm kiếm sự ủng hộ và sức mạnh tập thể từ đồng minh, đối tác trong việc xử lý mối quan hệ với Nga. Cụ thể là trước khi gặp ông Putin, Tổng thống Joe Biden, trong các cuộc họp của G7 hay NATO, đã thảo luận với ít nhất hơn hai chục nhà lãnh đạo của các nước đồng minh, bạn bè đối tác lớn nhỏ về cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với Tổng thống Nga. Tìm kiếm sức mạnh tập thể từ đồng minh, đối tác cũng là cách mà chính quyền ông Joe Biden đang áp dụng trong xử lý mối quan hệ với Trung Quốc và cũng là một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ hiện nay.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden tích cực tìm kiếm sự ủng hộ từ đồng minh, đối tác trong việc xử lý mối quan hệ với Nga (Ảnh: AP)
Mục tiêu chính quyền Tổng thống Biden đặt ra cho cuộc gặp, theo cách diễn giải từ Nhà Trắng, là "khôi phục lại tình trạng có thể dự đoán được và sự ổn định của mối quan hệ Mỹ - Nga". Xét theo tiêu chí đó, nhiều chuyên gia cho rằng, ông Joe Biden đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Sau cuộc gặp, hai bên đã ra Tuyên bố chung về ổn định chiến lược. Hai nhà lãnh đao cũng đã quyết định cử lại đại sứ, cam kết sẽ nối lại công việc về kiểm soát vũ khí và an ninh mạng, tìm kiếm các lĩnh vực có thể hợp tác…
Các thỏa thuận hai Tổng thống đạt được không mang tính bước ngoặt nhưng rõ ràng chúng giúp làm cho quan hệ giữa Mỹ và Nga ổn định hơn so trước cuộc gặp, khi hai bên không ngừng chỉ trích lẫn nhau.
Cũng có nhiều chuyên gia đánh giá, ông Joe Biden đã khôn khéo không đặt mục tiêu quá cao cho cuộc gặp vì biết trước có đặt ra mục tiêu cao cũng không thực hiện được trước một Tổng thống Putin thừa khôn ngoan và cứng rắn. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận, nhất là giới lãnh đạo đảng Cộng hòa đối lập, đã chỉ trích Tổng thống Joe Biden quá mềm yếu trước ông Putin. Họ cho rằng, đáng ra ông Biden cần phải buộc Nga phải chịu trách nhiệm về một loạt các vấn đề nhưng ông đã không dám làm như vậy.
Có nhiều đánh giá khác nhau nhưng một nhận định khái quát nhất có lẽ là kết quả cuộc gặp "nhìn chung là tích cực".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!