Cuộc đối thoại trực tiếp Mỹ - Trung Quốc để khởi đầu cho những hợp tác mới?

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 21/03/2021 11:07 GMT+7

VTV.vn - Cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc dù căng thẳng không khoan nhượng, nhưng hai bên vẫn để ngỏ cơ hội tiếp tục đối thoại trong thời gian tới.

Hiếm có một cuộc đối thoại nào căng thẳng ngay từ đầu như cuộc gặp ở Alaska, Mỹ. Màn giao thiệp với truyền thông lẽ ra kéo dài 2 phút như thông lệ, đã biến thành cuộc đấu khẩu khá gay gắt kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ. Trưởng phái đoàn Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì đã có bài phát biểu kéo dài 15 phút cảnh báo Mỹ nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Ông Dương Khiết Trì nói rằng Mỹ đã lợi dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để bắt nạt các nước khác. Ông cũng nói rằng Mỹ cũng có những vấn đề liên quan nhân quyền, phân biệt đối xử với người da màu.

Sau bài phát biểu của ông Dương Khiết Trì, các phóng viên đưa tin cuộc họp báo chuẩn bị ra ngoài, thì chính ông Blinken đã ra hiệu giữ họ ở lại để Mỹ phản bác lại lời lẽ chỉ trích của Trung Quốc.

Ông Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói: "Chúng tôi lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan, cũng như các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc nhắm vào Mỹ và sự áp bức kinh tế đối với đồng minh của Mỹ. Những hành động này đang đe dọa trật tự dựa trên luật lệ vốn duy trì ổn định toàn cầu".

Ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đáp trả: "Mỹ đang sử dụng lực lượng quân sự và quyền bá chủ tài chính của mình. Mỹ đang lạm dụng cái gọi là an ninh quốc gia để cản trở trao đổi thương mại bình thường và kích động một số quốc gia chống Trung Quốc".

Sau một ngày hội họp căng thẳng, phái đoàn Mỹ và Trung Quốc không ăn tối cùng nhau như thông lệ. Sang ngày thứ hai, cuộc họp tiếp diễn với thông điệp cũ. Phía Mỹ bảo vệ quan điểm cứng rắn, sẽ đứng lên bảo vệ các nguyên tắc căn bản và bảo vệ đồng minh của mình. Còn Trung Quốc khẳng định, việc liên kết gây sức ép với Trung Quốc sẽ không mang lại kết quả gì và sẽ không nhân nhượng trước các yêu cầu của phía Mỹ.

Cuộc đối thoại trực tiếp Mỹ - Trung Quốc để khởi đầu cho những hợp tác mới? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khen ngợi quan điểm cứng rắn của Ngoại trưởng Blinken. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Rời phòng họp, các quan chức Mỹ khẳng định đã đạt được các mục tiêu ban đầu. Không có thông cáo chung được đưa ra.

Ông Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói: "Đầu tiên, chúng tôi muốn chia sẻ với phía Trung Quốc những quan ngại của chúng tôi trước một loạt hành động và cách cư xử của Trung Quốc. Đây cũng là mối quan ngại của các đồng minh và đối tác của Mỹ. Thứ hai, chúng tôi cũng muốn nói với họ thật rõ ràng các chính sách, ưu tiên và quan điểm về thế giới của chúng tôi. Và chúng tôi đã thực hiện cả hai điều đó".

Ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc: "Đối thoại chiến lược lần này là thẳng thắn, mang tính xây dựng và có lợi. Tất nhiên, giữa hai nước còn tồn tại một số khác biệt lớn. Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích của chúng tôi. Sự phát triển của Trung Quốc là xu hướng không thể ngăn cản".

Cuộc gặp Mỹ - Trung ở Alaska không phải một cuộc gặp thành công nhưng là một cuộc gặp quan trọng để Mỹ - Trung khẳng định lại lập trường của mình trong các vấn đề bất đồng giữa hai bên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khen ngợi quan điểm cứng rắn của Ngoại trưởng Blinken và các nhà ngoại giao Mỹ trong phiên "khẩu chiến"

Coi Trung Quốc là đối thủ địa chính trị, đối thủ kinh tế hàng đầu của Mỹ. Đó là quan điểm rộng rãi ở Washington, ở cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hoà. Thời điểm ông Biden mới lên cầm quyền, có nhiều nghi ngại, nhất là từ phía các chính trị gia đảng Cộng hòa. Họ nghi ngại sẽ có sự nhân nhượng từ chính quyền mới trong cuộc đối đầu với Trung Quốc so với dưới thời của Tổng thống Trump.

Cuộc đối thoại trực tiếp Mỹ - Trung Quốc để khởi đầu cho những hợp tác mới? - Ảnh 2.

Những căng thẳng ngày càng chồng chất giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nhưng diễn biến cuộc đối thoại tại Alaska, cộng với một loạt động thái trước đó của chính quyền Joe Biden, từ áp đặt thái trừng phạt Trung Quốc, hay tìm kiếm sự ủng hộ hợp tác của đồng minh và đối tác trong việc đối phó với Trung Quốc, đã gạt bỏ dần lo ngại đó. Nhiều chính trị gia Cộng hòa, đảng của cựu Tổng thống Trump, đã lên tiếng ủng hộ và đánh giá cao quan điểm cứng rắn của chính quyền Biden, nhất là trong cuộc đối thoại vừa rồi với Trung Quốc.

Nhìn chung, có sự đồng thuận lớn trong lòng nước Mỹ trong chính sách với Trung Quốc. Và đối phó với mối thách thức Trung Quốc là một trong những số ít vấn đề đưa các chính trị gia của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa xích lại gần nhau.

Ngay sau cuộc đối thoại kết thúc, đồng loạt các cơ quan truyền thông Trung Quốc đăng tải phát ngôn của Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, ông nhấn mạnh cuộc đối thoại diễn ra thẳng thắn, mang tính xây dựng, hữu ích mặc dù còn một số khác biệt lớn giữa hai nước. Hy vọng hai nước tăng cường liên lạc trao đổi trên các lĩnh vực.

Phát biểu trên Đài Truyền hình Quốc gia Trung Quốc, Giáo sư Vương Dũng, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Bắc Kinh không ngạc nhiên trước sự khác biệt mà hai bên đấu khẩu gay gắt. Ông cho rằng điều quan trọng nhất là các nhà ngoại giao hàng đầu hai nước nước đã nói chuyện với nhau. Nói chuyện để hiểu sự khác biệt, để tìm những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác. Còn Phó giáo sư Điêu Đại Minh, Đại học Nhân dân Trung Quốc thì cho rằng miễn là Trung Quốc - Mỹ, nhất là Mỹ đối thoại tích cực trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau thì sẽ thành công. Dư luận thì cho rằng thành công là hai bên gặp nhau. Gặp nhau để khởi đầu cho những hợp tác mới.

Mối quan hệ giữa hai nước sẽ khác thời Tổng thống Donald Trump?

Một số chuyên gia cho rằng, thời Tổng thống Trump, hai bên ăn miếng trả miếng đối với từng vấn đề, Trung Quốc sẽ dễ đối phó hơn. Còn Tổng thống Joe Biden đối phó với Trung Quốc sẽ bài bản hơn nên Trung Quốc sẽ gặp khó hơn. Nhưng về góc độ chiến lược, theo nhiều chuyên gia, quan hệ Trung - Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể, do cả 2 đảng ở Mỹ đều xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược.

Cuộc đối thoại trực tiếp Mỹ - Trung Quốc để khởi đầu cho những hợp tác mới? - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm ngày 11/2. Ảnh: Tân Hoa Xã/Bloomberg.

Và ở khu vực cạnh tranh mạnh mẽ châu Á, có hai vấn đề mà các chuyên gia đang quan tâm trong quan hệ Mỹ - Trung là các vấn đề an ninh khu vực và cạnh tranh về công nghệ. Riêng về công nghệ, hiện nay Mỹ và đồng minh đang nắm trong tay vũ khí lợi hại - chip. Còn Trung Quốc đang phụ thuộc vào nguồn chip từ các phương Tây và các nước thân Mỹ bởi nguồn chip trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu cho các ngành sản xuất công nghiệp. Nhưng đằng sau nó là quan hệ đan xen giữa hai nước, cũng như các nước đồng minh của Mỹ là Nhật, Hàn về nhiều vấn đề.

Màn khẩu chiến mở màn đối thoại đã làm rõ quan điểm cứng rắn của hai bên. Khi cả hai bên không thể giấu được những căng thẳng ngay trong màn chào hỏi ban đầu với sự có mặt của báo chí, thì đó là dấu hiệu chỉ báo sẽ còn nhiều căng thẳng trong quan hệ giưa hai nước thời gian tới.

Các quan chức Mỹ, trong cuộc họp cảnh báo rằng, Mỹ sẽ đứng lên bảo vệ các giá trị cơ bản và bảo vệ các đồng minh, đối tác; rằng sẽ không ngần ngại đối đầu với Trung Quốc khi cần thiết. Đó là một tín hiệu cho thấy, chính quyền Biden trong khi còn đang trong quá trình định hình nhiều chính sách quan trọng, trong đó có việc xử lý vấn đề thuế mà cựu Tổng thống Trump đã áp đặt với hàng hóa Trung Quốc, thì sẽ tiếp tục cứng rắn trên nhiều vấn đề cơ bản, như các giá trị dân chủ nhân quyền theo cách tiếp cận của Mỹ, hay lợi ích của các nước đồng minh, đối tác mà Mỹ cho rằng đang bị Trung Quốc đe dọa.

Vẫn cứng rắn, nhưng chính sách của chính quyền Biden sẽ có điểm khác cơ bản với chính quyền tiền nhiệm. Đó là nếu cựu Tổng thống Trump chủ trương tuyên chiến đơn phương trong đối phó với Trung Quốc, thì chính quyền Biden đang tìm kiếm sự ủng hộ và sức mạnh tập thể từ đồng minh, đối tác trong cuộc chơi này.

Một điểm nữa có thể thấy từ cuộc gặp, đó là dù căng thẳng không khoan nhượng, nhưng hai bên vẫn để ngỏ cơ hội tiếp tục đối thoại trong thời gian tới. Nhất là trong các vấn đề hai bên có thể tìm được lợi ích chung, như phòng chống dịch COVID hay chống biến đổi khí hậu.

Cuộc đối thoại trực tiếp Mỹ - Trung Quốc để khởi đầu cho những hợp tác mới? - Ảnh 4.

SMIC, gã khổng lồ trong ngành sản xuất chip, nằm trong nhóm các công ty Trung Quốc bị Mỹ cho vào "danh sách đen" - Ảnh: Reuters

Các diễn biến trong mối quan hệ giữa hai cường quốc

Dù Trung Quốc và Mỹ có phải tái khởi động lại mối quan hệ theo cách nào, đối đầu có căng thẳng hơn thì một thông điệp mà Trung Quốc muốn đưa ra, đó là họ muốn xác lập lại vị thế đối thoại ngang hàng với Mỹ. Mỹ không thể là bên áp đặt luật chơi với Trung Quốc nữa.

Ngày 20/1/2021

Vào ngày nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định thực hiện một cách tiếp cận đa phương bằng cách tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây để tối đa hóa áp lực của Washington lên Bắc Kinh.

Ngày 21/1/2021

Trung Quốc trừng phạt 28 quan chức của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, bao gồm cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, với cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Lệnh trừng phạt cấm các quan chức và gia đình của họ nhập cảnh vào Trung Quốc và đặt ra các hạn chế đối với các công ty có liên quan tới họ.

Ngày 5/2/2021

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lần đầu tiên điện đàm với quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc, Dương Khiết Trì. Ông Blinken nhấn mạnh về nhân quyền, trong khi ông Dương Khiết Trì kêu gọi Washington ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và tôn trọng chủ quyền của nước này.

Ngày 10/2/2021

Vào đêm trước Tết Nguyên đán, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm đầu tiên. Phía Mỹ nhấn mạnh những quan ngại về thực tiễn kinh tế, về vấn đề nhân quyền và Đài Loan, trong khi Trung Quốc khẳng định cần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác và đối thoại.

Ngày 10/3/2021

Chính quyền Tổng thống Biden mở rộng loại trừ thuế quan đối với khoảng 99 loại sản phẩm y tế từ Trung Quốc cho đến ngày 30/9/2021, để đảm bảo nguồn cung về các thiết bị bảo hộ y tế cần thiết cho cuộc chiến chống COVID-19 tại Mỹ. Cũng trong thời gian đó, Bộ Tài chính Trung Quốc tiếp tục miễn thuế cho 65 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Quyết định gia hạn miễn thuế này kéo dài đến ngày 16/9/2021.

Ngày 12/3/2021

Năm công ty Trung Quốc là Huawei, ZTE, Hytera, Hikvision và Dahua, bị đưa vào danh sách đen mới do Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ công bố, vì lý do an ninh quốc gia.

Ngày 17/3/2021

Ngay trước thềm cuộc đối thoại tại Alaska, Mỹ đưa 24 quan chức Trung Quốc và Hong Kong vào danh sách trừng phạt vì liên quan đến việc ban hành, thực hiện, giám sát luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong.

Vấn đề nhân quyền trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc

Cuộc đối thoại trực tiếp Mỹ - Trung Quốc để khởi đầu cho những hợp tác mới? - Ảnh 5.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu về các ưu tiên đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C ngày 3/3 - Ảnh: Reuters

Bên cạnh các đòn ăn miếng trả miếng liên quan tới trừng phạt về công nghệ và thương mại như đã diễn ra trong hơn 4 năm qua giữa hai nước, thì vấn đề nhân quyền đang là một tiêu điểm nổi lên tranh cãi trong thời gian gần đây. Nhân quyền không phải là một lĩnh vực mà chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump chú trọng, nhưng Tổng thống Biden thì lại khác. Dự báo đây sẽ là lĩnh vực mà hai nước khó có sự thỏa hiệp. Trung Quốc gần đây đã liên tục bác bỏ những cáo buộc của Mỹ về vấn đề nhân quyền.

Trong bài phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cáo buộc Trung Quốc về những hành động phân biệt đối xử đối với người Duy Ngô Nghĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương. Mỹ cũng ra quyết định trừng phạt thêm 24 quan chức của Trung Quốc và Hong Kong nhằm đáp trả những hạn chế mới của Bắc Kinh về hệ thống bầu cử ở đặc khu này. Phía Trung Quốc ngay lập tức đáp trả.

Ông Uông Văn Bân - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Chúng tôi kiên quyết phản đối một số ít các quốc gia và tổ chức đã phớt lờ sự thật, bịa đặt và lan truyền những lời nói dối về Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong nhằm lên án Trung Quốc. Chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề nhân quyền và thao túng các vấn đề nhân quyền để can thiệp vào nội bộ của các quốc gia khác là thủ đoạn thông thường của các quốc gia này".

Khác với chính quyền tiền nhiệm Donald Trump vốn luôn tập trung công kích Trung Quốc về vấn đề thương mại, những ngày đầu cầm quyền, căng thẳng Mỹ Trung lại xoay quanh vấn đề nhân quyền. Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên những lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhân quyền, sở hữu trí tuệ và kinh tế. Còn trong báo báo cáo Nghị trình thương mại 2021 được gửi lên Quốc hội Mỹ đầu tháng này, vấn đề nhân quyền của Trung Quốc được định rõ là một ưu tiên xử lý của chính quyền Mỹ. Theo báo cáo, người Mỹ và người tiêu dùng thế giới không muốn sử dụng sản phẩm làm ra từ việc cưỡng ép lao động.

Về phía Trung Quốc, nước này cũng cảnh báo tới thế giới rằng Mỹ đang lấy lý do dân chủ và nhân quyền để thi hành chủ nghĩa can thiệp. Ví dụ như người phát ngôn của Trung Quốc viện dẫn với lý do bảo vệ dân chủ và nhân quyền, Mỹ đã thực hiện cái gọi là hoạt động chống khủng bố ở hơn 80 quốc gia trên thế giới, dẫn đến hơn 800.000 người chết do chiến tranh.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây cho biết, Washington sẽ tìm cách để trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2022-2024. Ông cảnh báo rằng sự vắng mặt của Mỹ đã tạo ra một "khoảng trống" lãnh đạo. "Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Nhân quyền xem xét cách thức hoạt động của mình. Mỹ sẽ tập trung đảm bảo rằng tư cách thành viên hội đồng phản ánh các tiêu chuẩn cao về nhân quyền. Những nước có vấn đề nhân quyền tồi tệ nhất không nên là thành viên của hội đồng này".

Hiện tại, thái độ của người Mỹ đối với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền cũng đang xấu đi một cách đáng kể. Cuộc khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew công bố đầu tháng này cho biết, 70% những người được hỏi nói rằng Washington nên đối đầu với Bắc Kinh vì hồ sơ nhân quyền cho dù có tổn hại đến quan hệ kinh tế.

Mỹ đang củng cố quan hệ đồng minh và đối tác nhằm đối phó với Trung Quốc

Những màn đối thoại gay gắt này giữa hai bên mới chỉ là sự khởi đầu thôi trong quan hệ Mỹ - Trung. Những thử thách mới đang chờ họ. Chính quyền củaTtổng thống Biden sẽ phải đối phó với một Trung Quốc cứng rắn hơn, quả quyết hơn, không nhân nhượng và muốn xác lập quan hệ ngang bằng với Mỹ. Còn phía Trung Quốc, họ không chỉ phải đối đầu với Mỹ mà thử thách mới là việc Mỹ đang củng cố các quan hệ đồng minh và đối tác nhằm đối phó với Trung Quốc.

Cuộc đối thoại trực tiếp Mỹ - Trung Quốc để khởi đầu cho những hợp tác mới? - Ảnh 6.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) chào bằng cách chạm khuỷu tay với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi, trong lúc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhìn họ sau cuộc họp báo chung ngày 16/3/2021 tại Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Reuters

Ngày 12/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại an ninh Bộ tứ theo hình thức trực tuyến. Đây là cuộc gặp đầu tiên của nhóm bộ tứ ở cấp độ lãnh đạo cấp cao. Sau hội nghị, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh, mặc dù tiêu điểm của hội nghị thượng đỉnh không nhằm vào Trung Quốc, nhưng lãnh đạo 4 nước đều thảo luận về mối quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sau hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ, một loạt động thái ngoại giao lôi kéo đồng minh của Mỹ được thực hiện. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc từ 16-18/3. Tại cả Tokyo và Seoul, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng đều đã nhất trí phản đối các hành động quân sự hóa các đảo tại biển Đông của Trung Quốc, cũng như việc các tàu của nước này liên tục xâm phạm khu vực biển có chủ quyền.

Ông Motegi Toshimitsu - Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản: "Vấn đề Trung Quốc là điều mà chúng tôi đã dành nhiều thời gian nhất để bàn luận và nhất trí phản đối mạnh mẽ hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng trên biển Đông và Hoa Đông. Chúng tôi cùng chia sẻ mối lo ngại về luật hải cảnh mới của Trung Quốc và đồng ý sẽ tích cực phối hợp với nhau cũng như những nước có cùng quan điểm về vấn đề này".

Trung Quốc lên tiếng phản bác các quan điểm này.

Ông Zhao Lijian - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Tuyên bố chung Mỹ - Nhật đã tấn công ác ý vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc, can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc và cố gắng làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc không hài lòng và kiên quyết phản đối điều này".

Sau chuyến công du Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiếp tục đến Ấn Độ. Chuyến thăm kéo dài 3 ngày của 1 thành viên nội các của Tổng thống Biden thể hiện việc Washington đánh giá cao mối quan hệ hợp tác quốc phòng với New Delhi. Các chuyên gia nhân định, nhân chuyến công du này hai nước sẽ nâng cấp quan hệ quốc phòng lên tầng lớp cao hơn.

Mặc dù Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xác định Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với Mỹ, tuyên bố cần phải cạnh tranh bằng mọi cách với Trung Quốc, nhưng cũng nhấn mạnh sẽ tìm cách hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu. Cộng thêm mối quan hệ kinh tế và thương mại bền chặt không thể tách rời giữa Trung Quốc và Mỹ, nhiều yếu tố đan xen đã buộc Mỹ phải tập hợp đồng minh để tìm cách kiềm chế Trung Quốc song song với việc tìm hướng hợp tác với quốc gia thứ hai thế giới này.

Mỹ cứng rắn với Trung Quốc, sẵn sàng đối đầu trực diện với Nga Mỹ cứng rắn với Trung Quốc, sẵn sàng đối đầu trực diện với Nga

VTV.vn - Chỉ trong một thời gian ngắn lên nắm quyền, Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho thấy một cách tiếp cận mới gây bất ngờ về đối ngoại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước