Ngày 20/3/2003, liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo đã mở cuộc tấn công Iraq lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein. Những ấn phẩm xuất bản mới nhất tại Mỹ và Trung Đông đã vừa tiết lộ những bí mật chưa từng được hé lộ về vụ bắt giữ và hành quyết cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein (Nguồn: Biography)
Nhiều người tỏ ra tiếc nuối về cái chết của Saddam Hussein
Ngày 13/12/2003, Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị quân đội Mỹ bắt giữ trong một chiến dịch mang tên Chiến dịch Bình minh đỏ. Và ngày 30/12/2006, chính quyền mới của Iraq đã hành quyết ông bằng cách treo cổ.
Dư luận trong nước Iraq và quốc tế đã có nhiều người phản đối vì họ cho rằng, tòa án không hợp hiến và không tuân thủ các hiệp ước quốc tế. Trước đó, nhiều nước đã khuyên và sẵn sàng đón Saddam Hussein sang sinh sống, tuy nhiên, ông đều từ chối và quyết ở lại Iraq.
Lính Mỹ mở nắp hầm ẩn náu của Saddam Hussein (Nguồn: AP)
Nhiều người, trong đó có cả những người Mỹ, đã tỏ ra lấy làm tiếc về cái chết của Saddam Hussein. Tại Mỹ mới đây đã cho xuất bản cuốn sách Thẩm vấn Tổng thống - Debriefing The President của John Nixon, một sĩ quan thuộc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA), người đã trực tiếp được giao nhiệm vụ thẩm vấn Tổng thống Saddam Hussein sau khi ông bị quân đội Mỹ bắt giữ trong Chiến dịch Bình minh đỏ. Trong cuốn sách này, John Nixon viết rằng, tất cả thông tin mà Washington cung cấp cho người Mỹ về Saddam Hussein đều là dối trá.
Còn trung sĩ Adam Rogerson thuộc quân đội Mỹ, người lính canh ngục Saddam Hussein lúc đó mới 22 tuổi, nói với hãng BBC rằng: "Đó là một ngày buồn. Trước khi rời khu nhà giam đến phòng tử hình, Saddam đã bước tới chỗ chúng tôi và nói: 'Tất cả chúng ta đều là những người bạn'. Một số binh sĩ Mỹ đã khóc, còn ông ta thì không giấu nổi nỗi buồn. Một khoảnh khắc thật kỳ lạ! Tôi đã từng đi chiến đấu, đã từng thoát chết từ những vụ trúng mìn, nhưng tôi chưa bao giờ thấy mình phải đối mặt với một tình cảnh như vậy".
Mới đây, ngày 8/7/2020, báo Gulf 365 của Saudi Arabia đã đăng tin cho biết, thẩm phán Iraq người Kurd, Rezgar Mohammed Amin, người đầu tiên tham gia xét xử Tổng thống Saddam Hussein đã tiết lộ một bất ngờ lớn về quyết định hành quyết Saddam Hussein.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Kurdistan 24, ông Rezgar nói: "Tôi không ủng hộ bản án tử hình đối với Saddam Hussein. Đây là âm mưu của nước ngoài và việc thực hiện việc hành quyết là do quyết định của bên ngoài".
Thẩm phán Rezgar Mohammed Amin đã rời bỏ phiên tòa xét xử Tổng thống Saddam Hussein và trao lại nhiệm vụ cho một thẩm phán khác (Nguồn: AP)
Trong cuộc phỏng vấn, ông cũng xác nhận, do áp lực của Mỹ và Iran, ông đã phải rời bỏ phiên tòa và trao lại nhiệm vụ cho một thẩm phán khác thực hiện sự chỉ đạo của của Washington và Tehran. Ông Rezgar cũng phủ nhận có bất kỳ cuộc gặp gỡ nào với Saddam Hussein bên ngoài phiên tòa và nêu rõ, ông đã tránh những cuộc gặp như vậy để việc xét xử được diễn ra một cách chuyên nghiệp và công bằng.
Một số thông tin mới được tiết lộ về việc truy bắt Saddam Hussein
Mặc dù đã hơn 13 năm trôi qua kể từ khi Saddam Hussein bị hành quyết nhưng nhiều thông tin về chiến dịch truy tìm và hành quyết ông đến nay mới dần dần được tiết lộ.
Ai đã chỉ điểm và dẫn người Mỹ đến nơi Saddam Hussein ẩn náu?
Tạp chí Esquire của Mỹ, dựa trên những lời kể mới đây của hai doanh nhân người Iraq về một số chi tiết đáng kinh ngạc về bộ máy an ninh của Tổng thống, đã tiết lộ những bí mật mới về vụ bắt giữ cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Đây là những tình tiết cho biết hai người chỉ điểm và dẫn lính Mỹ đến nơi Saddam Hussein ẩn náu là ai và hành động gây sốc của họ khi chụp bức hình khi bắt được ông.
Lính Mỹ kéo Saddam Hussein ra khỏi hầm (Nguồn: Getty Images)
Esquire nêu rõ rằng, bước ngoặt trong chiến dịch truy tìm Saddam Hussein xảy ra vào tháng 6/2003, khi hai doanh nhân tên là Haddoushi và Muhammed Ibrahim tiết lộ chi tiết đáng kinh ngạc về bộ máy an ninh của Tổng thống.
Tạp chí này cho biết: "Quân đội Mỹ lần đầu tiên đã đột kích vào một trang trại ở ngoại ô thành phố Tikrit. Tại đây, các binh sĩ Mỹ đã tìm thấy một thùng sắt lớn chôn sâu dưới đất chứa khoảng mười triệu USD còn nguyên đai nguyên kiện, ghi rõ dòng chữ ngân hàng Chase Manhattan Bank. Ngoài ra, họ còn tìm thấy một số lượng lớn đồ trang sức của vợ Saddam Hussein, bà Sajida Telfah, được đựng đầy trong các túi rác và nhiều tài liệu quan trọng của cá nhân chôn rải rác trong khu vườn".
Tạp chí Mỹ tiết lộ rằng, ngày 9/12/2006, sau một loạt các cuộc truy lùng, một cậu bé 9 tuổi đã vô tình tiết lộ một cuộc họp ở sa mạc phía Tây Tikrit, dẫn đến việc tóm được Muhammed Ibrahim. Ông này chính là người đã dẫn các lính Mỹ đến hầm ẩn náu của Saddam Hussein để đổi lấy việc Mỹ thả 40 thành viên trong gia đình của ông vừa bị bắt. Ngay sau đó, các mệnh lệnh được phát đi nhanh chóng và gần một nghìn lính Mỹ đã tham gia cuộc đột kích mang tên Chiến dịch Bình minh đỏ.
Tạp chí nói thêm: "Chủ sở hữu khu vườn và người em trai là thành viên của đội cận vệ Saddam Hussein đã không chịu tiết lộ nơi Saddam ẩn náu. Các lính Mỹ đã gọi Muhammed Ibrahim, người đang tỏ ra rất sợ hãi, đến và anh ta đã hất chân về phía bóng tối".
Những người lính, được trang bị thiết bị hồng ngoại có thể nhìn rõ vào ban đêm, đã đào đất lên và phát hiện ra một lỗ thông hơi dẫn vào một căn hầm nhỏ. Họ đã chĩa súng vào đó.
Tạp chí dẫn lời phiên dịch viên người Iraq tên là Samir đi cùng với lực lượng Mỹ rằng: "Khi chúng tôi mở nắp căn hầm, Saddam Hussein bắt đầu hét to: Đừng bắn, đừng bắn! Và khi đó, tôi bảo ông ta ra khỏi hầm, ông giơ hai tay và các lính Mỹ đã lôi ông ra khỏi hầm".
Thông dịch viên của sư đoàn bộ binh số 4, Joseph Verd Filmore, cho biết: "Samir bắt đầu tát vào mặt Saddam Hussein nhưng các binh sĩ Mỹ đã ngăn không được việc đánh đập ông, bởi vì theo lệnh từ cấp trên là phải bắt sống".
Nước nào đã bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống lại việc tử hình Saddam Hussein?
James Baker, một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất ở Mỹ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Al-Arabiya mới đây đã cho biết: "Trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an về nghị quyết chiến tranh Iraq, ngoài Cuba và Trung Quốc bỏ phiếu trắng, Yemen dưới thời Tổng thống Ali Abdullah Saleh là nước duy nhất đã bỏ phiếu chống, các nước còn lại bỏ phiếu thuận".
James Baker tiết lộ: "Sau khi Yemen bỏ phiếu chống, chúng tôi đã đề nghị chuyển cho Yemen nhiều triệu USD để họ thay đổi quyết định nhưng họ đã từ chối. Sau đó, chúng tôi dọa sẽ cắt số tiền 250 triệu USD viện trợ hàng năm cho Yemen và Mỹ đã thực hiện lời đe doạ cắt khoản viện trợ này vì không thuyết phục được Yemen thay đổi thái độ".
Thi thể của Saddam Hussein hiện nay ở đâu?
Nhiều hãng thông tấn nước ngoài, trong đó có Sputnik (Nga), BBC (Anh), Euronews (châu Âu), Al-Jazeera (Qatar), Al-Arabiya (Saudi Arabia), Masrawi (Ai Cập)... đã dựa trên một nguồn tin của Iraq tiết lộ cho biết, thi thể của cố Tổng thống Saddam Hussein đã biến mất.
Một nguồn tin thân cận với gia đình Saddam Hussein nói với đài truyền hình Al-Arabiya rằng, họ biết một số thế lực có ý đồ khai quật và cho nổ để phá tan ngôi mộ này sau khi "giải phóng" ngôi làng Al-Awja, phía Nam thành phố Tikrit, quê hương ông.
Nguồn tin này cho biết: "Chúng tôi biết câu chuyện người ta nói về việc các lực lượng dân quân Hashd Sha’abi của người Shia (thân Iran) tìm cách cho nổ các ngôi mộ của Saddam Hussein và hai người con trai của ông là Uday và Qussay sau khi họ vào giải phóng thành phố Tikrit".
Nguồn tin này thêm rằng: "Khi chúng tôi biết về những thông tin này, trước khi các lực lượng Hashd Sha’abi tiến vào Tikrit, mộ của Saddam Hussein cùng với hai con trai của ông đã được khai quật và thi thể của họ được chuyển đi một nơi khác mà không ai biết".
Một nguồn tin khác cho biết, mặc dù làng Al-Awja, quê hương của Saddam Hussein, đã được giải phóng khỏi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng người dân ở đây vẫn không dám về. Họ sợ sẽ bị trả thù hoặc bị bắt.
Trước khi lên giá treo cổ, Saddam Hussein nói gì?
Các tin tức báo chí cho biết, trước khi bị hành quyết, ông Saddam Hussein đã di chúc lại cho gia tộc của ông. Theo đó, ông muốn xác của ông sau khi chết được chuyển đến một nơi khác mà đến nay vẫn chưa được tiết lộ.
Trong một cuộc trò chuyện trên kênh truyền hình Al-Arabiya, cựu Cố vấn an ninh quốc gia thuộc chính quyền mới của Iraq Al-Rubaie nói, khi Saddam Hussein bước lên giá treo cổ, ông ta nhìn thẳng vào tôi, chỉ vào chiếc thòng lọng và nói với những người hành quyết đứng xung quanh ông rằng: "Các người sẽ thấy điều bất ngờ chấn động sẽ xảy ra tại Iraq".
Ông Al-Rubaie nói thêm: "Saddam Hussein đã nhờ tôi đưa cuốn kinh Coran ông mang theo người trong đêm hành quyết cho người con gái của ông, nhưng tôi đã từ chối. Sau đó, Saddam đã nhờ tôi đưa lại cho luật sư của ông, tôi đã cầm cuốn kinh Coran và trao lại cho công tố viên".
Bức ảnh hiếm của Saddam Hussein lần đầu tiên được công bố
Hãng thông tấn Ammon của Jordan mới đây đã đăng một bức ảnh hiếm của Saddam Husssein được cho rằng từ trước tới nay chưa ai biết do Mỹ cố ý giấu.
Ảnh Saddam Hussein cầm súng trong cuộc họp thành lập Uỷ ban kháng chiến lần đầu được tiết lộ (Nguồn: Ammon)
Ammon cho biết, đây là bức ảnh chụp Saddam Hussein trong một cuộc họp với một số chiến hữu nhằm thành lập một phong trào kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của Mỹ.
"Chúng tôi sẽ không tiết lộ về việc chúng tôi đã lấy được tấm ảnh đó từ đâu và giữ nó một thời gian dài như thế nào" - hãng thông tấn này nói thêm - "Những ký ức về sự hy sinh của con người này sẽ được ghi nhớ mãi mãi. Đây là một phần của sự thật và tính chất của cuộc đấu tranh mà chúng ta đang trải qua. Chúng tôi sẽ không nói về quan điểm chính trị của con người này, lịch sử sẽ phán quyết, nhưng chúng tôi muốn nói về quan điểm nhân đạo mà phương Tây cố tình che giấu để các thế hệ mai sau nối bước".
Các báu vật của Saddam Hussein hiện ở đâu?
Ngày 8/7/2020, báo Gulf 365 của Saudi Arabia đã đăng một bức ảnh Nữ hoàng Anh Elizabeth II gây tranh cãi trên phương tiện truyền thông xã hội, cho thấy phía sau bức ảnh là một loạt báu vật của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II với nhiều báu vật của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein (Nguồn: BBC News)
Tờ báo này cho rằng, nữ hoàng đã phạm một "sai lầm chết người" khi để lộ hành vi bị tình nghi là các lực lượng Anh tham gia cuộc tấn công Iraq năm 2003 đã đánh cắp các báu vật này từ cung điện của Saddam Hussein.
Việc hành quyết Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã được thực hiện vào sáng sớm ngày 30/12/2006, ngày đầu tiên của lễ Eid al-Adha linh thiêng của người Hồi giáo.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp với 38 năm trong ngành. Từ năm 1995 - 2011, ông là Đại sứ Việt Nam tại Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đồng thời làm Đại sứ không thường trú tại Jordan, Yemen và Lebanon.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!