Hơn 512,68 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 82,98 triệu ca mắc và hơn 1,02 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 33.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ đã trình đề nghị cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ loại vaccine ngừa COVID-19 do công ty bào chế cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi. Trẻ em dưới 6 tuổi hiện là nhóm duy nhất chưa được tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ và hầu hết các nước.
Tháng 3 vừa qua, Moderna thông báo kết quả cuộc thử nghiệm cho thấy, việc tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 của hãng đảm bảo an toàn và tạo miễn dịch mạnh. Đặc biệt 2 mũi với lượng 25 microgram cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ trước độ tuổi đến trường cũng tạo mức kháng thể tương đương với 2 mũi lượng 100 microgram tiêm cho thanh niên từ 18-25 tuổi, chứng tỏ mức độ bảo vệ tương đương chống nguy cơ bệnh trở nặng. Các tác dụng phụ chủ yếu ở mức nhẹ và tương tự như ở các nhóm tuổi lớn hơn.
Trước khi biến thể Omicron trở thành chủng virus gây bệnh chủ đạo, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 giữa các khu vực tại Mỹ có sự chênh lệch lớn, chủ yếu là do sự khác biệt trong các quy định sử dụng khẩu trang, lượng học sinh đến trường, cũng như các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng và các yếu tố khác. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học chuyên ngành y tế tại Đại học Georgetown (Mỹ), nước này có thể đã giảm thiểu được 316.000 ca tử vong liên quan COVID-19 nếu các khu vực áp dụng các biện pháp ứng phó với đại dịch đồng đều hơn.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 29/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,07 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 523.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 663.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,43 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Do các quy định về Chứng chỉ số COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) sẽ hết hạn vào ngày 30/6 nên Ủy ban Tư pháp và Nội vụ của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia hạn sử dụng chứng chỉ này thêm một năm.
Chứng chỉ số COVID-19 (có thời hạn 12 tháng) giúp khách du lịch chứng minh đã được tiêm phòng đầy đủ, hoặc mới đây đã được xét nghiệm âm tính với COVID-19 hay đã hồi phục sau khi bị mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng qua. Việc sử dụng chứng chỉ này được thông qua vào tháng 6/2021 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do ở EU trong thời kỳ đại dịch.
Cùng với việc kéo dài hiệu lực của Chứng chỉ số COVID-19 đến cuối tháng 6/2023, những thay đổi cũng cho phép các quốc gia thành viên cấp chứng chỉ thử nghiệm dựa trên các loại xét nghiệm kháng nguyên mới. Nghị sĩ López Aguilar nhấn mạnh rằng, các quốc gia thành viên nên tránh áp dụng bổ sung những hạn chế đối với khách du lịch có Chứng chỉ kỹ thuật số COVID-19, “trừ khi thực sự cần thiết”.
Cơ quan y tế bang New South Wales của Australia ngày 29/4 xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể dòng phụ BA.4 của Omicron tại bang này, là một người vừa từ Nam Phi trở về. Số ca mắc COVID-19 đang tiếp tục gia tăng tại bang New South Wales. Bang đã ghi nhận 11.903 ca mắc mới và 7 trương hợp tử vong mới vào ngày 29/4. Trong số 1.645 ca đang phải điều trị trong bệnh viện, có 68 ca điều trị tích cực.
Australia đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4 của Omicron. (Ảnh: AP)
Đan Mạch đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới tạm dừng chương trình tiêm chủng COVID-19 quốc gia. Theo Uỷ ban Y tế Quốc gia Đan Mạch, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tại nước này. Cơ quan Y tế Đan Mạch tuyên bố, dịch bệnh đã được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ vaccine của dân số Đan Mạch cao với 89% người dân từ 12 tuổi trở lên đã tiêm phòng đầy đủ. Do đó, Ủy ban Y tế Quốc gia sẽ tạm thời dừng những chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Từ ngày 15/5 trở đi, người dân Đan Mạch sẽ không còn được mời tiêm vaccine COVID-19, nhưng họ vẫn có thể đến các địa điểm tiêm chủng để hoàn thành nốt mũi tiêm của mình.
Chương trình tiêm phòng COVID-19 của Đan Mạch bắt đầu ngay sau lễ Giáng sinh năm 2020. Cùng với đó, một tỷ lệ lớn người dân Đan Mạch đã mắc COVID-19 từ khi Omicron trở thành biến chủng chủ đạo, đồng nghĩa với việc miễn dịch cộng đồng trong dân số ở mức cao.
Ngày 29/4, giới chức y tế và khoa học cho biết, Nam Phi có thể sẽ bước vào đợt COVID thứ 5 sớm hơn dự kiến sau khi gia tăng liên tục các ca nhiễm mới trong 14 ngày qua. Nam Phi, quốc gia ghi nhận nhiều ca bệnh và tử vong do COVID-19 nhất ở châu Phi, chỉ thoát khỏi đợt bùng phát COVID-19 thứ tư vào khoảng tháng 1/2022 và đã dự đoán, làn sóng dịch thứ 5 có thể bắt đầu vào tháng 5 hoặc tháng 6, đầu mùa đông ở Nam bán cầu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla nói trong một cuộc họp báo rằng, mặc dù số trường hợp COVID-19 nhập viện đang tăng lên nhưng cho đến nay không có sự thay đổi đáng kể nào trong việc chăm sóc đặc biệt hoặc về số ca tử vong.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Richard Lessells cũng nói trong cuộc họp tương tự rằng, khả năng miễn dịch suy giảm từ các đợt bùng dịch trước có thể góp phần vào thực trạng làn sóng COVID-19 thứ 5 diễn ra sớm hơn dự kiến.
Bắt đầu từ ngày 1/5, Malaysia sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. Theo đó, việc đeo khẩu trang sẽ không còn bắt buộc ở ngoài trời, Riêng các cơ sở trong nhà như trung tâm mua sắm hay các phương tiện giao thông công cộng thì vẫn bắt buộc. Việc quét mã QR qua phần mềm MySejahtera sẽ được dỡ bỏ. Việc tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội sẽ không còn cần thiết.
Trong khi đó, Du khách quốc tế tới Malaysia cũng không còn phải xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành và khi nhập cảnh.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) thông báo vừa phát hiện một biến thể phụ mới của biến thể Omicron ở một bệnh nhân mắc COVID-19 đang sống tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, phía Đông Bắc nước này. Biến thể phụ mới được phát hiện thông qua quá trình phân tích gene của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID). Biến thể này là sự kết hợp giữa các biến thể phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron, nhưng lại khác với biến thể phụ XE.
Theo chính quyền chính quyền Sendai, bệnh nhân nhiễm biến thể phụ mới này đã được phát hiện mắc COVID-19 vào cuối tháng 3. Người bệnh không bị ốm nặng và đã hồi phục. Hai tuần trước khi có các triệu chứng mắc COVID-19, bệnh nhân này không ra nước ngoài. Người ta không phát hiện thấy biến thể này ở những người mà bệnh nhân có tiếp xúc gần.
Cho đến nay, giới chức Nhật Bản vẫn chưa nắm rõ các đặc tính của biến thể phụ này, bao gồm cả độc lực và khả năng lây lan. Tuy nhiên, các quan chức của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) cho rằng sự tái tổ hợp gene có thể đã xảy ra khi một người nhiễm cả biến thể phụ BA.1 lẫn BA.2 bởi vì BA.2 đang chiếm ưu thế ở Nhật Bản. Hiện nay, NIID đang nghiên cứu sâu hơn về biến thể phụ này, đồng thời kiểm tra xem liệu có địa phương nào khác phát hiện ra biến thể tương tự hay không.
Ngày 29/4, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời từ ngày 2/5. Đây là bước đi tiếp theo của Hàn Quốc để người dân có thể thực sự trở lại với cuộc sống bình thường sau khi nước này đã bãi bỏ hầu như hoàn toàn các quy định về giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19.
Lý do Chính phủ Hàn Quốc quyết định dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời từ ngày 2/5 là vì giới chuyên môn đánh giá rằng, mức độ lây nhiễm COVID-19 trong nước sẽ tiếp tục giảm đáng kể. Số ca bệnh nhân nặng đang điều trị và số ca tử vong do COVID-19 giảm hơn 30% so với tuần trước.
Hàn Quốc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời từ ngày 2/5. (Ảnh: AP)
Mặc dù dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời nhưng nhà chức trách Hàn Quốc vẫn khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang ở những khu mua sắm hoặc công viên thành phố, nơi tập trung đông người vào giờ cao điểm. Với các sự kiện trong nhà và sự kiện ngoài trời có quy mô trên 50 người, người dân vẫn phải đeo khẩu trang.
Lưu lượng khách đi du lịch ở Trung Quốc sẽ giảm trong dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Nhà chức trách Trung Quốc đưa ra dự báo trên trong bối cảnh nước này đang thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế dịch COVID-19. Tổng cộng 100 triệu hành khách dự kiến sẽ đi lại trong kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày từ 30/4 - 4/5, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngày 29/4, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã đóng cửa thêm nhiều cơ sở kinh doanh và khu dân cư, tăng cường truy vết nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát thêm. Giới chức Bắc Kinh đang chạy đua với thời gian để phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 và cách ly những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
Quận Triều Dương, địa điểm triển khai xét nghiệm COVID-19 hàng loạt đầu tiên trong tuần này ở Bắc Kinh, vào ngày 29/4 đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm vòng cuối trong ba đợt xét nghiệm cho 3,5 triệu cư dân của quận này. Hầu hết các địa điểm khác của thành phố Bắc Kinh sẽ làm xét nghiệm vòng ba cho cư dân vào ngày 30/4.
Hiện nhiều khu chung cư ở Bắc Kinh bị phong tỏa, ngăn không cho cư dân rời đi. Các cơ sở làm đẹp, quán bar, karaoke, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim, thư viện và ít nhất hai trung tâm mua sắm đã phải đóng cửa trong ngày 29/4.
Chính quyền quận Triều Dương, tâm dịch với tỷ lệ trường hợp mắc COVID-19 lớn nhất ở Bắc Kinh, tuyên bố, nhiều khu vực lân cận có nguy cơ ghi nhận số ca bệnh cao hơn. Những người gần đây đã đến các địa điểm tại những khu vực này đã nhận được tin nhắn yêu cầu ở lại cho đến khi có kết quả xét nghiệm.
Tại Thượng Hải, chính quyền địa phương cho biết, khoảng 12,38 triệu cư dân thành phố, tương đương 50% dân số thành phố, ở những vùng có nguy cơ thấp hiện được phép ra khỏi nhà. Tính đến ngày 28/4, số cư dân sống trong các khu vực có nguy cơ cao bị phong tỏa còn 5,27 triệu người, giảm 6,6 triệu người kể từ lần điều chỉnh cuối cùng vào ngày 20/4. Giới chức y tế Thượng Hải cho biết, số lượng người trong các khu vực bị phong tỏa và kiểm soát đã giảm rõ rệt.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 29/4 đã kêu gọi các nỗ lực chung để gia tăng tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi và các nhóm quan trọng khác. Ủy ban này cho biết, chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc đang diễn ra suôn sẻ và tỉ lệ tiêm vaccine ở người cao tuổi cũng tăng dần.
Tính đến ngày 28/4, hơn 3,34 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm tại Trung Quốc đại lục và khoảng 1,25 tỉ người đã tiêm đủ liều vaccine. Khoảng 227 triệu người trên 60 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 liều, chiếm 86,01% số người cao tuổi, trong khi hơn 215 triệu người cao tuổi tiêm đủ liều vaccine.
Trong một nghiên cứu công bố ngày 28/4 trên tạp chí PLOS Genetics, các nhà khoa học phát hiện rằng, COVID-19 thể nặng có mối liên hệ di truyền với các bệnh lý khác, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và tiểu đường, làm gia tăng nguy cơ bệnh chuyển nặng do virus SARS-CoV-2.
Theo nhóm nghiên cứu, các biến thể di truyền liên quan đến COVID-19 thể nặng, vốn khiến một số người gặp các triệu chứng tồi tệ hơn những người khác, cũng có liên quan đến các yếu tố nguy cơ vốn đã biết đối với bệnh nghiêm trọng do virus SARS-CoV-2. Những biến thể di truyền này, hoặc những biến đổi vĩnh viễn trong cấu tạo ADN của các gene đôi khi được gọi là đột biến, cũng được tìm thấy ở những người bị đông máu, mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!