COVID-19 bùng phát trở lại tại Tây Âu, thuốc Evusheld có thể vô hiệu hóa các chủng phụ của Omicron

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ tư, ngày 23/03/2022 06:14 GMT+7

Hơn 473,33 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 23/3, thế giới có trên 473,33 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,1 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,45 triệu ca mắc và hơn 999.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 10.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, hơn 1/4 số phụ huynh tại Mỹ cho biết, con họ đã gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, với 60% số lượt khám bệnh trong năm qua. Cuộc khảo sát do Bệnh viện Nhi Mott thuộc trường Đại học Y Michigan cùng Hiệp hội Bệnh viện Nhi phối hợp thực hiện hồi tháng 10/2021 với sự tham gia của 1.201 phụ huynh có con từ 11 - 18 tuổi. Ngày càng nhiều trẻ em phải đối mặt với những vấn đề về tâm thần. Chuyên gia Mỹ cũng cho rằng, điều này đặt ra gánh nặng hơn cho cha mẹ cũng như các cơ sở y tế trong việc phát hiện các dấu hiệu bệnh tiềm ẩn.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 22/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,01 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 516.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Ngày càng nhiều bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 gặp những vấn đề khác nhau về sức khỏe. Theo Tiến sĩ N. Dwarakanath, Giám đốc Bệnh viện Gitam ở Ấn Độ, dù hầu hết những vấn đề này không nghiêm trọng nhưng các nhà khoa học đến nay vẫn chưa rõ những triệu chứng này sẽ kéo dài bao lâu.

Tại Ấn Độ, trong làn sóng COVID-19 đầu tiên, không có báo cáo về những biến chứng hậu COVID-19. Theo đó, những vấn đề này chỉ được ghi nhận sau làn sóng dịch thứ hai và thứ ba. Nguyên nhân chủ yếu, theo Tiến sĩ Dwarakanath, là do hệ miễn dịch suy yếu ở những người đã khỏi bệnh COVID-19.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 657.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,64 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Số ca mắc mới COVID-19 đang trên đà gia tăng tại 18 trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Âu. Theo Giám đốc WHO khu vực châu Âu, nguyên nhân khiến số ca mắc gia tăng có thể là do biến thể "Omicron tàng hình" dễ lây lan hơn, nhưng không gây nguy hiểm so với những biến thể khác. Ngoài ra, việc một số nước châu Âu dỡ bỏ gần như hoàn toàn các hạn chế phòng dịch cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Trong 7 ngày qua, khu vực châu Âu ghi nhận hơn 5 triệu ca mắc mới và hơn 12.000 người tử vong.

Làn sóng dịch COVID-19 một lần nữa lại bùng lên ở khu vực Tây Âu. Sau hơn một tháng ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm tại hầu khắp khu vực, các quốc gia như Anh, Pháp, Đức và Italy đều đã chứng kiến làn sóng dịch bệnh bùng phát trở lại với số ca mắc tăng mạnh trong những ngày gần đây.

COVID-19 bùng phát trở lại tại Tây Âu, thuốc Evusheld có thể vô hiệu hóa các chủng phụ của Omicron - Ảnh 1.

Số ca mắc mới tại Pháp đã tăng hơn 33% trong một tuần . (Ảnh: AP)

Tại Pháp, số ca mắc mới đã tăng hơn 33% trong một tuần kể từ khi chính phủ nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch hôm 14/3 vừa qua.

Đức, dù số ca mắc mới ở mức cao kỷ lục với gần 300.000 ca hôm 18/3, Quốc hội nước này vẫn thông qua quyết định cho phép bãi bỏ hầu hết các hạn chế trên cả nước theo đúng thời hạn vào ngày 20/3.

Chính phủ Italy thông báo kế hoạch gỡ bỏ gần như tất cả hạn chế trước ngày 1/5 tới.

Đối với Anh, nơi hiện cứ 20 người thì có một người nhiễm bệnh, Chính phủ nước này đã dỡ bỏ những hạn chế đi lại quốc tế cuối cùng hôm 18/3.

Một số ý kiến cho rằng, dịch bệnh gia tăng là do chính phủ các nước nới lỏng những biện pháp hạn chế vội vàng, trong khi khả năng miễn dịch bắt đầu suy giảm và dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron có tốc độ lây lan hơn khoảng 30% so với bản gốc đang chiếm ưu thế.

Chính phủ Australia sẽ rót thêm tiền để khôi phục hoạt động du lịch quốc tế. Hôm nay, Thủ tướng Scott Morrison thông báo cấp thêm hơn 44 triệu USD để khôi phục hoạt động du lịch quốc tế sau 2 năm đóng cửa biên giới vì đại dịch.

Theo Thủ tướng Morrison, việc mở cửa trở lại thị trường du lịch quốc tế sẽ giúp tạo ra hàng trăm nghìn việc làm trong ngành "công nghiệp không khói" Australia, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này.

Giới chức Indonesia cho biết, trong vài tháng tới, nước này sẽ đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường. Việc chuẩn bị này đi kèm với việc mở rộng cơ sở cấp thị thực cho du khách nước ngoài từ 42 quốc gia, thay vì 23 quốc gia trước đây. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia đã quyết định mở rộng chính sách không kiểm dịch trên toàn đất nước, khách du lịch chỉ cần xét nghiệm PCR khi nhập cảnh. Trong tháng lễ Ramadan, người dân có thể được đi cầu nguyện với ít hạn chế hơn.

Nhà chức trách Indonesia lưu ý, trong quá trình chuyển đổi, nước này cần chuẩn bị đối mặt với nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện.

Chính phủ Indonesia đã gia hạn chương trình cấp thị thực khi đến (VoA) cho du khách nước ngoài từ 42 quốc gia đến sân bay quốc tế I Gusti Rai thuộc tỉnh Bali. Trước đó, Indonesia đã cấp VoA cho 23 quốc gia gồm Australia, Mỹ, Hà Lan, Brunei, Philippines, Anh, Italy, Nhật Bản, Đức, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Pháp, Qatar, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Việt Nam.

Ngày 22/3, Bộ Y tế Campuchia thông báo, số ca mắc mới trong ngày tại nước này đã giảm và hiện chỉ có 73 ca (tính theo kết quả PCR), trong đó có 65 ca lây nhiễm cộng đồng. Tất cả đều nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Hok Kim Cheng của Bộ Y tế Campuchia, việc số ca mắc trên giảm không có nghĩa là dịch COVID-19 tại Campuchia đã qua đỉnh vì hầu hết các ca mắc bệnh chưa được thông báo với cơ quan này.

Vào cuối tháng 3, Trung Quốc sẽ chuyển thêm 5 triệu liều vaccine Sinovac trong tổng số 20 triệu liều vaccine mà nước này cam kết dành cho Campuchia, cùng với các trang thiết bị y tế và sự hỗ trợ của các chuyên gia giúp Campuchia chống đại dịch COVID-19.

COVID-19 bùng phát trở lại tại Tây Âu, thuốc Evusheld có thể vô hiệu hóa các chủng phụ của Omicron - Ảnh 2.

Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 trọng điểm trên toàn quốc. (Ảnh: AP)

Ngày 22/3, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 trọng điểm trên toàn quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 9/1/2022, không có địa phương nào ở Nhật Bản phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 có dấu hiệu lắng dịu ở nước này. Trong tuần từ ngày 14 - 20/3, Nhật Bản ghi nhận hơn 328.000 ca nhiễm mới, giảm gần 50.000 ca so với một tuần trước đó.

Song song với việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ nới lỏng dần các biện pháp hạn chế nhằm bình thường hóa các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời củng cố hệ thống y tế, tăng cường năng lực xét nghiệm và dự trữ thuốc để chuẩn bị đối phó với các làn sóng lây nhiễm khác trong tương lai. Giấy chứng nhận tiêm chủng cũng được khuyến khích sử dụng ở các nhà hàng, quán bar, sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn và hoạt động đi lại.

Ngày 22/3, trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc đã báo cáo số ca COVID-19 không triệu chứng lây truyền tại địa phương cao kỷ lục ngày thứ năm liên tiếp. Dữ liệu chính thức cho thấy, Thượng Hải đã ghi nhận 865 ca nhiễm COVID-19 không triệu chứng trong cộng đồng vào ngày 21/3, tăng từ 734 trường hợp một ngày trước đó.

Cùng ngày, Thượng Hải cũng báo cáo 31 trường hợp mắc COVID-19 cộng đồng mới với các triệu chứng đã được xác nhận, bao gồm một người ban đầu được báo cáo là nhiễm bệnh không có triệu chứng và xuất hiện các triệu chứng sau đó, theo dữ liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC).

Ngày 22/3, Trung Quốc đại lục đã báo cáo 2.338 trường hợp lây nhiễm mới. Phần lớn các ca mắc mới được phát hiện ở tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc nước này. Tính đến ngày 22/3, Trung Quốc đại lục đã báo cáo tổng cộng 134.564 trường hợp với các triệu chứng được xác nhận, bao gồm cả ca mắc trong cộng đồng và những trường hợp nhập cảnh từ bên ngoài đại lục.

Cục an ninh chăm sóc sức khỏe quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này đưa xét nghiệm kháng nguyên vào danh mục bảo hiểm y tế, coi đây là biện pháp tạm thời phòng chống dịch COVID-19.

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Microbiology Spectrum của Tổ chức Vi sinh vật học của Mỹ cho thấy, xét nghiệm gene phát hiện virus SARS-CoV-2 qua nước bọt nhanh hơn xét nghiệm dịch mũi họng.

Để xác định người mắc COVID-19, từ tháng 5/2020, nhóm nghiên cứu bắt đầu tiến hành các xét nghiệm mẫu nước bọt định kỳ hàng tuần cho các tình nguyện viên khỏe mạnh và tiếp tục trong 2 năm tiếp theo. Họ đồng thời thu thập các mẫu nước bọt và dịch mũi họng của người nghi nhiễm trong thời gian cách ly, tần suất 2 - 3 ngày/lần. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã phân tích xem kết quả đã thay đổi thế nào trong những ngày trước và sau khi các triệu chứng xuất hiện. Kết quả cho thấy, ở giai đoạn đầu nhiễm virus, xét nghiệm nước bọt nhạy hơn nhiều so với dịch mũi họng, nhất là trước khi có triệu chứng.

Ngày 22/2, hãng dược AstraZeneca cho biết, thuốc ngăn ngừa và điều trị COVID-19 của hãng này có tên là Evusheld có thể vô hiệu hóa các chủng phụ của biến thể Omicron, kể cả chủng có khả năng lây lan cao BA.2. AstraZeneca đưa ra công bố này sau khi đạt kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm độc lập. Evusheld đã làm giảm tải lượng virus ở phổi những con chuột nhiễm các biến thể phụ của Omicron.

Đây là dữ liệu đầu tiên cho thấy tác động của thuốc Evusheld với các "anh chị em họ" của biến thể Omicron. Evusheld cũng cho thấy khả năng hạn chế được viêm phổi, một triệu chứng nghiêm trọng trong các ca bệnh COVID-19. Các kết quả nghiên cứu này củng cố cho phương án sử dụng thuốc Evusheld vào việc bảo vệ những người có rủi ro cao khi mắc COVID-19 vì có hệ miễn dịch suy giảm.

Dịch COVID-19 nóng lên tại châu Âu, mỗi ngày Pháp ghi nhận gần 90.000 ca mắc mới Dịch COVID-19 nóng lên tại châu Âu, mỗi ngày Pháp ghi nhận gần 90.000 ca mắc mới Trung Quốc thực hiện mục tiêu phong tỏa nhanh, mở cửa sớm Trung Quốc thực hiện mục tiêu phong tỏa nhanh, mở cửa sớm Nguy cơ biến thể BA.2 gây làn sóng lây nhiễm mới tại Mỹ Nguy cơ biến thể BA.2 gây làn sóng lây nhiễm mới tại Mỹ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước