Vụ rò rỉ chất thải độc hại nói trên còn khiến hơn 4.500 người bị nhiễm độc hoặc sinh bệnh. Bộ trưởng Bộ Môi trường Congo Eve Bazaiba cho biết, cùng với 12 người tử vong, hàng nghìn người đã mắc các bệnh tiêu chảy và da liễu.
Căn cứ báo cáo của một ủy ban điều tra, ông Bazaiba xác nhận: "Thảm họa này là do một công ty khai thác của Angola gây ra, công ty đã thừa nhận vụ việc".
Mỏ kim cương tại Angola được cho là nguồn rò rỉ chất độc hại. Mỏ Catoca là một liên doanh giữa Công ty Kim cương nhà nước Angola Endiama và công ty Alrosa của Nga, khu mỏ này sản xuất tới 75% lượng kim cương của Angola..
Hơn 4.500 người bị nhiễm độc hoặc sinh bệnh. (Ảnh: Twitter Eve Bazaiba)
Một thông cáo báo chí vào tháng 8 cho biết, chất thải, cặn bã của vật liệu được tách ra trong quá trình khai thác kim cương đã rò rỉ ra sông Lova, một phụ lưu của sông Tshikapa, cuối cùng đổ vào sông Congo. Đại diện mỏ Catoca cho biết, họ đã tiến hành sửa chữa, xử lý ngay lập tức và phong tỏa khu vực bị ô nhiễm.
Vào cuối tháng 7, ông Bazaiba đã mô tả, có mối liên hệ giữa tình trạng ô nhiễm ở sông Kasai, một nhánh chính của sông Congo, với sự cố tràn chất thải độc hại từ mỏ kim cương lớn nhất Angola. Nước ở sông Tshikapa và sông Kasai đã chuyển sang màu đỏ. Ngay sau đó, giới chức Angola đã phát hiện, nhiều loại cá và hà mã đã chết ở sông Kasai do ô nhiễm chất thải. Theo kết quả điều tra, 4 trong số 5 đơn vị hành chính ở tỉnh Kasai đã bị ảnh hưởng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kinshasa cho biết vào tháng 8 rằng, tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng đến khoảng 2 triệu người, gây ra bệnh tật cho các cộng đồng dân cư sống ven sông.
Giới chức địa phương đã ra lệnh cấm người dân sử dụng nước và ăn cá tại dòng sông này. Bộ trưởng Bộ Môi trường Congo đã đến thăm tỉnh Kasai, ở miền Nam nước này và cho biết, Chính phủ sẽ tìm cách bồi thường theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!