Cơn giận dữ của người da màu chưa có dấu hiệu lắng dịu

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 09/06/2020 06:22 GMT+7

VTV.vn - Làn sóng biểu tình sau cái chết của George Floyd đã lan rộng tới châu Âu. Đồng loạt người dân tại nhiều nước đã kêu gọi sự đối xử công bằng giữa các sắc tộc.

Tại thủ đô Rome của Italy, hàng nghìn người tập trung tại Quảng trường trung tâm thành phố. Những người biểu tình, chủ yếu là giới trẻ, giương cao các biểu ngữ, áp phích với những khẩu hiệu như "Tôi không thể thở" hay "Mạng sống của người da màu là quan trọng". Đoàn người cũng dành 8 phút để tưởng nhớ nạn nhân xấu số.

Các cuộc biểu tình ủng hộ phong trào "Black Lives Matter" cũng nổ ra tại Thủ đô Budapest của Hungary, Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha với hàng nghìn người tham gia.

Cô Gloria - Người dân Tây Ban Nha nói: "Tôi ở đây bởi vì tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta cần kết thúc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mang tính quốc tế. Đó không phải là điều chỉ xảy ra ở Mỹ hoặc châu Âu, mà còn trên toàn thế giới. Vì vậy, chúng tôi ở đây để phản đối, để nói rằng chúng ta cần chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ngay hôm nay".

Cơn giận dữ của người da màu chưa có dấu hiệu lắng dịu - Ảnh 1.

Tuy nhiên, một số cuộc biểu tình đã đi quá giới hạn. Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình tại thủ đô các nước Bỉ và Anh. Tại Brussels, cảnh sát tiến hành 150 vụ bắt giữ sau cuộc biểu tình có khoảng 10.000 người tham gia ở khu vực trung tâm thủ đô. Thị trưởng Brussels Philippe Close cho biết, nhiều đối tượng gây rối đã cố tình khiêu khích cảnh sát và đập phá các cửa hàng trên đường phố.

Còn tại London, đụng độ cũng nổ ra tại trung tâm thủ đô của Anh sau khi hàng chục nghìn người đổ ra đường tham gia cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trong ngày thứ hai liên tiếp. Một nhóm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài khuôn viên Bộ Ngoại giao.

Thủ tướng Anh Boris Johnson khuyến cáo: "Mọi người có quyền biểu tình một cách hòa bình trong khi vẫn thực hiện giãn cách xã hội, nhưng họ không có quyền tấn công cảnh sát. Những cuộc biểu tình này đã bị làm biến chất bởi những kẻ côn đồ, đi ngược lại với mục đích họ đã đề ra. Những người này sẽ phải chịu trách nhiệm".

Cơn giận dữ của người da màu chưa có dấu hiệu lắng dịu - Ảnh 2.

Người biểu tình tập trung trước khu vực Nhà Trắng. (Nguồn: News Break)

Bộ trưởng Nội vụ Anh cảnh báo người biểu tình đang có nguy cơ làm đại dịch COVID-19 lan rộng và khiến cơ quan y tế công của Anh gặp nhiều rủi ro.

Xuất phát từ một vụ việc ở Mỹ, phong trào biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc giờ lan tới châu Âu. Điều này cho thấy thông điệp gì?

Pháp, có một chút khác với Mỹ là phong trào biểu tình lần này được dấy lên với lý do là đòi công lý cho Adama Traore, một thanh niên gốc Phi đã chết bởi sốc tim sau quá trình rượt đuổi với hiến binh. Vụ việc này thực ra đã kéo dài từ năm 2016, cảnh sát bị buộc tội đã không cấp cứu kịp thời cho Adama dẫn đến tử vong. Từ lý do này, cùng với phong trào ở Mỹ, người Pháp xuống đường.

Thông điệp gì ư? Ngày hôm nay với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, câu chuyện của mỗi quốc gia dễ trở thành một làn sóng có tính toàn cầu hơn. Khi những vấn đề này còn tồn tại thì luôn âm ỉ, chỉ chờ một ngòi nổ là bùng phát, bất chấp thực tế. Thực tế ở đây là người gốc Phi sinh sống hợp pháp tại Pháp được nhận khá nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ, bởi nước Pháp luôn coi rằng họ có món nợ trong lịch sử với châu Phi từ chế độ thuộc địa.

Cơn giận dữ của người da màu chưa có dấu hiệu lắng dịu - Ảnh 3.

Các cuộc biểu tình ở Mỹ nổ ra sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd. (Nguồn: Business Standard)

Chính phủ Pháp đang nhìn nhận vấn đề phân biệt chủng tộc như thế nào? Họ có biện pháp cụ thể nào để chống lại phân biệt chủng tộc?

Không chỉ riêng Pháp, các quốc gia trong châu Âu đều ủng hộ phong trào chống phân biệt chủng tộc. Tại nhiều nước thì người nhập cư hợp pháp đến từ châu Phi đều có những chính sách hỗ trợ. Ví dụ như ở Paris, có rất nhiều tòa nhà cho thuê giá rẻ mà người châu Phi hay Pháp thì việc tiếp cận chính sách này đều như nhau cả. Đừng quên rằng Pháp có nhiều quan chức chính phủ là người gốc Phi. Tuy thế, trong thời gian này, để tránh COVID lây lan, Bộ Nội vụ Pháp đã ra lệnh cấm biểu tình và tất nhiên lợi dụng biểu tình để đập phá thì sẽ chịu án tù. 8 tháng tù giam là bản án mới cho việc cố tình vi phạm.

Cơn giận dữ của người da màu chưa có dấu hiệu lắng dịu - Ảnh 4.

Cho đến lúc này, đã có nhiều thành phần cố tình mang vũ khí vào biểu tình đã bị bắt và đưa ra xét xử trong thời gian tới. Điều này cho thấy, chống phân biệt chủng tộc được ủng hộ nhưng không thể lại để dấy lên bạo lực, nhất là châu Âu trong thời gian này rất cần được ổn định để phục hồi lại kinh tế.

Sau cái chết của George Floyd, các cuộc tranh luận đang nổ ra về phân biệt chủng tộc. Có những người ủng hộ việc đòi quyền lợi cho người da màu, nhưng cũng lên án biểu tình bạo lực. Không chỉ là các hashtag #Blacklivesmatter, giờ nhiều người còn để hashtag #Alllivesmatter: có nghĩa là "Mạng sống của tất cả mọi người đều quý giá". Bởi vì có những trường hợp người châu Á, hay người Ấn, người Mexico cũng đã từng rơi vào cảnh kỳ thị. Vụ việc người châu Á bị tấn công do đeo khẩu trang lúc dịch COVID-19 mới bùng phát là một ví dụ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước