Theo thỏa thuận đạt được vào tháng 12/20154 tại Paris, chính phủ các nước đã cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2 độ C và cố gắng giới hạn ở mức 1,5 độ C. Để đạt được điều đó, thế giới sẽ phải loại bỏ khí thải CO2 một cách hiệu quả ở nửa sau của thế kỷ 21. Năng lượng mặt trời, năng lượng gió sẽ được dùng để thay thế cho than đá, dầu mỏ và khí đốt. Thoả thuận này chỉ có hiệu lực nếu có ít nhất 55 quốc gia, chiếm 55% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, cùng phê chuẩn.
Là một quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra như hạn hán, bão, lũ lụt và những hệ luỵ như nước biển dâng, xâm nhập mặn, Việt Nam hoan nghênh việc các bên tham gia ký kết Thỏa thuận Paris, đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết của mình trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong năm 2016, Chính phủ Việt Nam sẽ phê chuẩn thoả thuận này, đồng thời tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra nhằm từng bước hướng tới mô hình phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, sự chủ động của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Chỉ tiêu đề ra là đến đến năm 2020, song nếu được phê chuẩn một cách nhanh chóng, Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu vừa ký kết có thể bắt đầu có hiệu lực ngay trong năm nay hoặc đầu năm 2017.
Lễ ký kết thỏa thuận chống biến đổi khí hậu diễn ra tại LHQ vào đúng ngày Trái đất thực sự có một ý nghĩa quan trọng, là ý nghĩa lịch sử, là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ trái đất trước sự thay đổi của khí hậu. Tuy nhiên, để những cam kết trên giấy trở thành hiện thực, rõ ràng còn cả một chặng đường rất dài và cần có sự chung tay góp sức của toàn thế giới để biến những cam kết trở thành hành động.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!