Với màn biểu diễn máy bay chiến đấu nhả khói theo màu quốc kỳ Nga, nghi lễ tiếp đón trọng thi dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm kéo dài 1 ngày tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đã diễn ra.
"Chúng tôi vui mừng được tiếp tục làm việc với Nga trong tăng cường mối quan hệ, mở rộng các lĩnh vực hợp tác hướng tới tăng trưởng và phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới" - Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất Sheikh Mohammed bin Zayed tuyên bố.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho rằng: "Sự phối hợp và hợp tác chính trị giữa hai nước đã giúp tạo ra tác động tích cực đến nhiều vấn đề ở Trung Đông và giúp tăng cường an ninh trong khu vực".
Chuyến đi cho thấy nỗ lực của Nga nhằm mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông trong bối cảnh Moscow vẫn đang đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây và Nga cũng không dấu diếm ý định đảm đương vai trò lớn hơn về trung gian hòa giải ở khu vực, khi xung đột Irsael - Hamas đang kéo dài và có nguy cơ lan rộng.
Vậy Nga đang có những chiến lược gì để gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông. Sự cạnh tranh Nga - Mỹ tại đây đang diễn ra như thế nào và tiềm ẩn những nguy cơ gì?
Nga tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Hôm nay, mối quan hệ của chúng ta đã đạt đến mức cao chưa từng thấy. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất là đối tác thương mại chính của Nga trong số các quốc gia Arab. Trong 7 năm qua, mối quan hệ giữa Nga và Saudi Arabia đạt đến mức độ chưa từng có. Chúng ta có mối quan hệ ổn định, tốt đẹp trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân đạo".
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)
Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed khẳng định luôn ủng hộ hợp tác với Nga trong các khuôn khổ quốc tế đa phương và hai bên cũng đang thảo luận nhiều vấn đề khu vực trong khuôn khổ đối thoại chiến lược giữa Nga và Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh.
Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed (Ảnh: AP)
"Chúng tôi vui mừng được tiếp tục làm việc với Nga trong tăng cường mối quan hệ, mở rộng các lĩnh vực hợp tác hướng tới tăng trưởng và phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng và công nghệ mới. Ngoài ra còn có các cuộc đàm phán chiến lược giữa Nga và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh" - Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho biết.
Còn Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đánh giá hợp tác song phương giữa nước này và Nga đã giúp giải quyết nhiều vấn đề căng thẳng ở Trung Đông, góp phần tăng cường an ninh. Hai bên trao đổi quan điểm mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, đầu tư, văn hóa…, nhất là hợp tác trong OPEC+.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (Ảnh: AP)
"Trong 7 năm qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu trong hợp tác song phương... Sự phối hợp và hợp tác chính trị giữa hai nước đã giúp tạo ra tác động tích cực đến nhiều vấn đề ở Trung Đông và giúp tăng cường an ninh trong khu vực" - Thái tử Saudi Arabia nhấn mạnh.
Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã gây ra mối lo ngại lớn đối với Trung Đông. Tổng thống Putin đã đề xuất, Nga có thể đóng vai trò trung gian hoà giải nhờ mối quan hệ thân thiện với cả Israelvà Palestine.
Chuyến thăm UAE và Saudi Arabia là chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của nhà lãnh đạo Nga kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Chuyến thăm cho thấy, khu vực Trung Đông đang ngày càng được nước Nga quan tâm với những tính toán chiến lược.
Theo phóng viên Nhật Linh từ Nga, chuyến đi của Tổng thống Putin đến hai quốc gia Trung Đông diễn ra chỉ trong vòng 1 ngày nhưng được xem là một thắng lợi lớn trong chiến lược đối ngoại của nước Nga. Người Nga đánh giá cao bước đi này của ông Putin, cả về chính trị lẫn kinh tế.
Tổng thống Nga đến Trung Đông, cùng với sự hộ tống của phi đội tiêm kích Su-35 bay không ngừng nghỉ gần 4.000 km, tất nhiên không chỉ để phô diễn sức mạnh Nga. Giới phân tích nhận định, dầu mỏ, BRICS, chiến sự ở Ukraine và xung đột Israel-Hamas..., rất nhiều điều đã kết nối Nga với các quốc gia Trung Đông trong thời điểm này. Việc tăng cường quan hệ với các quốc gia Arab đối với Nga lúc này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi ông Putin cần tìm kiếm vũ khí và đồng minh để đạt mục tiêu trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Với chuyến công du của Tổng thống Putin, Nga có cơ hội xích lại gần hơn thế giới Arab, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại Vùng Vịnh, đặc biệt là các cường quốc dầu mỏ trong khu vực.
Theo phóng viên Vân Anh từ Trung Đông, tại Vùng Vịnh đang có một quan điểm ngày càng phổ biến rằng đồng mình thì cũng không nhất thiết là phải chọn phe và càng không có nghĩa là phải đánh mất đi sự độc lập trong chính sách đối ngoại của mình.
Tình thế chính trị Vùng Vịnh những năm gần đây đã chứng kiến không ít bước ngoặt, với xu thế hòa hoãn gia tăng. Từ việc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel; cho tới Saudi Arabia khôi phục quan hệ với Iran... Xu thế hòa hoãn này cũng có nghĩa là nhu cầu các nước Vùng Vịnh phụ thuộc vào "chiếc ô an ninh" của Mỹ ngày càng nhỏ đi. Cùng lúc đó, các nước Vùng Vịnh lại nhận ra vị thế của mình tăng lên khi thực hiện một chính sách trung lập. Họ gọi đây là chiến lược "trung lập để nâng cao vị thế"...
Tổng thống Putin thăm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Nhưng trước đó, hồi tháng 8, Tổng thống Ukraine cũng đã đến Saudi Arabia để tham dự một hội nghị hòa bình do Riyadh chủ trì.
Còn nói về kinh tế, Nga cũng đang mang lại một nguồn lợi lớn cho các nước Trung Đông. Kim ngạch thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga năm ngoái đã tăng gấp đôi so với năm trước đó. Kim ngạch giữa Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất với Nga cũng tăng gần 70%. Đi kèm với đó là một làn sóng các công ty Nga chuyển dòng đầu tư từ phương Tây vào những mảnh đất này.
Có thể thấy, UAE và Saudi Arabia đã dành sự tiếp đón rất trọng thị đối với Tổng thống Nga. Và qua tuyên bố của các nhà lãnh đã cho thấy, quan hệ giữa hai bên cũng đang tốt đẹp chưa từng thấy.
Nga đa dạng hóa hợp tác với các nước Trung Đông
Hiện tại, kinh tế Nga vẫn đang chịu ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Chỉ tính từ mốc tháng 2 năm ngoái, tức là thời điểm xung đột Ukraine nổ ra, đã có hơn 13.000 lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga. Riêng Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai 11 gói trừng phạt nhắm vào Nga và đang xem xét gói trừng phạt tiếp theo.
Trước khó khăn này, Nga đang tìm cách mở rộng các quan hệ kinh tế sang các nước mà Nga gọi là các quốc gia thân thiện, đặc biệt là các quốc gia Trung Đông giàu có.
Kim ngạch thương mại của Nga với các nước Trung Đông và Bắc Phi đã tăng 83% trong 5 năm qua và đạt mức 95 tỷ USD trong năm ngoái. Chỉ tính riêng kim ngạch thương mại giữa Nga và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất trong năm ngoái đã tăng 68% và đạt 9 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.
Bên cạnh mối quan hệ hợp tác truyền thống trong khuôn khổ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), UAE đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các mặt hàng điện tử, đặc biệt là các vi mạch, đối với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed (Ảnh: AP)
Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho rằng: "UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Nga tại Vùng Vịnh và là nhà đầu tư Arab lớn nhất của Nga. Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục hợp tác với Nga để tăng cường quan hệ và mở rộng lĩnh vực hợp tác, hướng đến tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển như đổi mới sáng tạo, năng lượng, cơ sở hạ tầng và công nghệ mới".
Trong chính sách hướng đông của Nga, khu vực Trung Đông có tầm quan trọng đặc biệt, như một trung tâm trung chuyển, tạo điều kiện cho Nga tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương, Đông Á. Đó cũng là lý do Điện Kremlin đã hồi sinh Tuyến hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam. Đây là tuyến đường dài hơn 7.200 km - một mạng lưới đa phương thức gồm các tuyến đường thủy, đường sắt và đường bộ để vận chuyển hàng hóa từ các cảng phía Bắc của Nga tới vịnh Ba Tư, hay rộng hơn là Ấn Độ Dương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Hành lang vận tải Bắc - Nam quốc tế sẽ giúp đa dạng hóa đáng kể lưu lượng giao thương toàn cầu. Giao thông dọc theo hành lang mới sẽ có lợi thế cạnh tranh đáng kể. Đặc biệt, sẽ chỉ mất khoảng 10 ngày để vận chuyển hàng hóa từ St. Petersburg đến Mumbai, thay vì quãng đường truyền thống sẽ mất tới khoảng 45 ngày".
Nga cũng xác định, Trung Đông là "một trong những ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại". Khu vực này cũng là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư Nga khi ngày càng có nhiều công ty Nga quan tâm đến việc thâm nhập thị trường Trung Đông, từ các lĩnh vực như năng lượng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến các sản phảm quốc phòng.
Bùng nổ thương mại giữa Nga và Trung Đông đã làm giàu cho cả hai phía. Ngoài hàng tỷ USD lợi nhuận giao dịch hàng hóa thông qua hệ thống ngân hàng còn những dòng tiền đầu tư khác từ Nga đang đổ vào vùng Vịnh, mà rõ ràng nhất là trên thị trường bất động sản và các công ty công nghệ. Với giới kinh doanh Nga, con đường đến với Trung Đông nói riêng và thế giới Hồi giáo nói chung, đã trở thành hướng đi chiến lược, để vượt qua làn sóng trừng phạt của phương Tây.
Cũng cần phải nói thêm là dầu mỏ luôn được xem như là dòng máu nuôi nền kinh tế của Nga và các nước Trung Đông. Trong đó, Nga và Saudi Arabia là hai thành viên có tiếng nói có trọng lượng nhất trong OPEC+, Tổ chức hiện cung cấp hơn 40% sản lượng dầu toàn cầu, khoảng 43 triệu thùng mỗi ngày. Và mọi động thái phối hợp giữa hai nước đều tác động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (Ảnh: AP)
Theo phóng viên Vân Anh, Nga và Saudi Arabia là hai quốc gia mà hiện mỗi ngày đang bơm ra tới 1/5 tổng lượng dầu cho thế giới. Thời gian gần đây, nội bộ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã nổi lên một số bất đồng. Một số nước cho rằng, việc thắt chặt van dầu quá lâu đang tạo điều kiện cho các quốc gia ngoài OPEC+ gia tăng thị phần. Và thực tế đúng là như vậy, OPEC+ thời gian qua không ngừng thắt chặt van dầu nhưng giá dầu vẫn trong xu thế giảm. Một phần là do sự gia tăng nguồn cung đến từ các quốc gia như Mỹ, Canada hay Brazil. Trong bối cảnh như vậy thì một cam kết tiếp tục phối hợp chính sách giữa Nga và Saudi Arabia có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ sự gắn kết của OPEC+. Thời gian qua, người ta thấy những quyết định của OPEC+ tới thị trường dầu đang giảm đi tính hiệu quả. Nhưng vẫn không thể phớt lờ một thực tế, OPEC+ vẫn là cơ chế chiếm tới 40% sản lượng dầu của thế giới.
Cuộc chiến tại Ukraine khiến quan hệ của Nga với các nước phương Tây xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Giữa áp lực về kinh tế và chính trị, việc Nga tập trung hơn vào việc phát triển mối quan hệ với các nước Trung Đông là điều dễ hiểu. Các nhà phân tích chuyên nghiên cứu chính sách Nga ở Trung Đông nhận định, chuyến thăm mới nhất của Tổng thống Putin nằm trong nỗ lực của Nga nhằm củng cố các mối quan hệ đối tác rất cần thiết, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ đến phương Tây rằng mặc dù bị Mỹ và châu Âu cô lập, Nga vẫn có thể phát huy ảnh hưởng và thu hút sự ủng hộ của chính các nước là đồng minh thân cận của Mỹ.
Những thành công ngoại giao của Nga ở Trung Đông cho thấy rằng, ảnh hưởng của Nga ở khu vực này trên thế giới không hề nhỏ và vẫn đang tiếp tục gia tăng. Và tất nhiên, điều này sẽ mang lại lợi ích đáng kể về lâu dài.
Cạnh tranh Mỹ - Nga ở Trung Đông
Thực tế, Nga mới chỉ bắt đầu can dự mạnh hơn tại Trung Đông kể từ năm 2015, lúc đó là theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thế nhưng khu vực Trung Đông từ đó đã trở thành khu vực chủ chốt trong chiến lược đối ngoại của Nga. Tuy nhiên, nơi nào có lợi ích, nơi đó sẽ có sự cạnh tranh. Theo đuổi một vị thế lớn hơn ở Trung Đông, Nga cũng vấp phải sự cạnh tranh của Mỹ, một cường quốc vốn đã có sự hiện diện ở đây từ lâu và được coi là nhà bảo trợ an ninh cho khu vực. Năm 2023 đã chứng kiến những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng, tìm kiếm đồn minh của cả Mỹ và Nga tại Trung Đông.
Cuối tháng 11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm Israel và Bờ Tây, trước khi tới Dubai (Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất). Đây cũng là chuyến công du thứ 3 của ông Blinken tới Trung Đông trong năm nay. Thông qua hàng loạt chuyến thăm, Washington muốn xây dựng và thúc đẩy mạng lưới quan hệ với các nước Trung Đông với 3 mục đích chính, bao gồm: kiềm chế Iran, hàn gắn chia rẽ lịch sử giữa Israel và Palestine, giảm bớt ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trong khu vực.
"Mỹ vẫn đầu tư sâu vào hợp tác với tất cả các bạn để xây dựng tương lai tươi sáng nhất, mạnh mẽ nhất có thể cho Trung Đông và thực sự Vùng Vịnh là cốt lõi trong tầm nhìn của chúng tôi về một Trung Đông ổn định hơn, an toàn hơn, thịnh vượng hơn, hội nhập hơn" - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết.
Cũng trong tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ lãnh thổ của Saudi Arabia cũng như củng cố và mở rộng mối quan hệ đối tác quốc phòng song phương. Ông chủ Lầu Năm Góc trước đó cũng đưa ra tuyên bố tương tự với Israel.
"Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford hiện đang ở trong khu vực, dẫn đầu là tàu sân bay lớn nhất thế giới. Chúng tôi đã tăng cường các phi đội máy bay chiến đấu của Mỹ ở Trung Đông và Bộ Quốc phòng Mỹ hoàn toàn sẵn sàng triển khai thêm các phương tiện nếu cần thiết" - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết.
Nga năm nay cũng liên tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các quốc gia Trung Đông. Ngay sau chuyến thăm chớp nhoáng tới Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Saudi Arabia, Tổng thống Putin đã đón tiếp tổng thống Iran Ebrahim Raisi ở Moscow. Tổng thống Iran cho biết, Iran sẵn sàng thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn nhằm tăng cường hợp tác với Nga vì lợi ích của hai nước.
Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Iraq, trọng tâm chuyến thăm là quan hệ chiến lược giữa Nga và Iraq cũng như thúc đẩy các cơ hội đầu tư, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực năng lượng.
"Trước hết, chúng tôi chú ý đến quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư Nga - Iraq. Các công ty dầu mỏ của chúng tôi có những khoản đầu tư rất nghiêm túc ở đây và các kế hoạch sâu rộng với các đối tác Iraq của họ. Hơn 13 tỷ USD đã được đầu tư" - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết.
Phần quan trọng nhất trong sự hợp tác của Nga với các quốc gia trên bán đảo Arab là sự phối hợp các chính sách để quản lý thị trường dầu mỏ toàn cầu. Định dạng OPEC+ cho phép các bên thống nhất quan điểm về khối lượng sản xuất dầu, tránh cạnh tranh hoặc các hành động đơn phương có thể gây tổn hại cho các nước sản xuất khác.
Về triển vọng quản trị toàn cầu, việc cả Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất sẽ gia nhập nhóm BRICS vào tháng 1/2024, một liên minh mà Nga có vai trò lãnh đạo lớn sẽ giúp đẩy nhanh hơn nỗ lực Nga đang theo đuổi nhằm phi USD hóa, chuyển đổi sang tiền tệ quốc gia trong thương mại và thiết lập các hệ thống thanh toán thay thế.
Cuộc chiến tại Dải Gaza đang khiến bức tranh quan hệ quốc tế ở Trung Đông phức tạp hơn. Một khu vực Trung Đông vốn dĩ rối ren bởi đan xen các mâu thuẫn tôn giáo, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, nay lại có nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy xung đột Israel - Hamas. Nhưng đây cũng sẽ là cơ hội để Nga có những bước đi lớn hơn, đóng vai trò quan trọng hơn như một trung gian hòa giải và từ đó phá vỡ nỗ lực của phương Tây cô lập Nga trên trường quốc tế. Chắc chắn là chuyến công du lần này sẽ tiếp tục mở đường cho những thỏa thuận hợp tác lớn hơn giữa Nga và các nước Trung Đông trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!