Pháp đã có được sự đồng ý của các nhà lãnh đạo 3 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khác về một lệnh ngừng bắn toàn cầu để giúp thế giới cùng vượt qua đại dịch COVID-19. Thông báo được tổng thống Macron đưa ra ngày 15/4. Điều đó có nghĩa 4/5 Ủy viên thường trực HĐBA LHQ đã đạt được đồng thuận và ông Macron chỉ còn chờ sự ủng hộ của Tổng thống Nga.
Ông Macron cho biết ông đã nhận được cái gật đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với nhà lãnh đạo Anh và Trung Quốc.
Tại sao tuyên bố này lại quan trọng? Bởi đây là một dấu hiệu hiếm hoi của sự đoàn kết toàn cầu, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm ngừng tài trợ cho WHO.
Thêm nữa, Tổng Thư ký LHQ Antonia Guterres đã 2 lần lên tiếng kêu gọi thực thi một lệnh ngừng bắn toàn cầu để các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh có thể chiến đấu chống đại dịch. Cũng phải nói thêm, đây lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm của LHQ, một yêu cầu ngừng bắn trên toàn thế giới được đưa ra.
Sau tuyên bố của Tổng thống Pháp, mọi con mắt đang đổ dồn về nước Nga. Nga trên tinh thần là ủng hộ đề xuất của Pháp cũng như của Tổng Thư ký LHQ về kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để tập trung chống dịch COVID-19.
Theo lời của ông Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga vào ngày 15/4, Điện Kremlin sẽ đưa ra tuyên bố chính thức sau khi các nhà ngoại giao Nga xem xét và giải quyết những vấn đề kỹ thuật. Điều này có nghĩa khi Nga chính thức gật đầu, các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ có một cuộc họp chung về vấn đề này.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Lavrov cũng thông báo về một cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo của 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ để giải quyết một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất trên thế giới hiện nay là chống lại đại dịch COVID-19.
Có thể thấy, khả năng can thiệp của Nga tại một số điểm nóng để thiết lập lệnh ngừng bắn chính là những bước đi làm gia tăng vai trò, vị thế của Nga trong các hồ sơ quốc tế.
Điển hình như ở Trung Đông, một trong những khu vực bất ổn mà Nga đã áp dụng hiệu quả sức mạnh "mềm và cứng" kể từ năm 2015, từ Syria đến Lybia. Mặc dù có nơi xung đột chưa đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài nhưng có thể thấy vai trò nhất định của Moscow. Ưu tiên của Nga vẫn là đưa ra các giải pháp ngoại giao, tránh các cuộc đối đầu trực tiếp. Trong vài ngày tới đây, quan điểm của Nga sẽ được thể hiện rõ hơn khi Tổng thống Putin đưa ra tuyên bố chính thức liên quan đến việc triển khai lệnh ngừng bắn trên toàn thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Chiến đấu chống lại dịch bệnh truyền nhiễm là việc đặc biệt khó khăn ở các vùng chiến sự. LHQ kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn cầu cũng vì lý do nhân đạo này nhưng nó cũng là mong muốn của ngay cả các nước lớn để tập trung mọi nguồn lực kiểm soát một đại dịch chưa từng có như COVID-19.
Để xây dựng và duy trì một lệnh ngừng bắn vào thời điểm đầy thử thách này đòi hỏi sự thống nhất chi tiết cũng như lòng tin của tất cả các bên. Nhiều chuyên gia cho rằng, một khi đã làm được, chúng ta không chỉ đạt được mục tiêu về nhân đạo mà có thể tạo đà để hướng tới hòa bình lâu dài ở các điểm nóng chiến sự trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!