Chuyện rút lệnh trục xuất du học sinh tại Mỹ: Sinh viên quốc tế bị "lạc đạn" mùa bầu cử

Nhà báo Song Đức từ California, Mỹ-Thứ hai, ngày 27/07/2020 09:34 GMT+7

VTV.vn - Ngày 14/7, chỉ 8 ngày sau khi đưa ra lệnh buộc du học sinh học trực tuyến 100% phải về nước, Bộ An ninh Nội địa Mỹ bất ngờ tuyên bố rút lại lệnh này.

Sự việc xảy ra trong phiên xử vụ hai trường đại học Harvard và MIT kiện Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cho rằng quyết định buộc du học sinh về nước là bất cẩn, tàn ác và vô lý. Chưa đầy 4 phút sau khi khai mạc phiên tòa, Chánh án Allison Burroughs thuộc Tòa án liên bang Mỹ ở thành phố Boston, bang Massachusetts cho biết, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã quyết định rút lại lệnh này.

Du học sinh và các trường đại học tại Mỹ bị ảnh hưởng

Theo lệnh của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, du học sinh thuộc các loại visa như F-1 và M-1 sẽ bị ảnh hưởng nhưng không biết là bao nhiêu người vì còn tùy thuộc vào việc họ có học trực tuyến 100% hay không.

Chuyện rút lệnh trục xuất du học sinh tại Mỹ: Sinh viên quốc tế bị lạc đạn mùa bầu cử - Ảnh 1.

Du học sinh tại Đại học Harvard University. (Nguồn: college.harvard.edu)

Theo Hội đồng Giáo dục Mỹ, một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho các trường đại học tại Mỹ được thành lập từ năm 1918, trên toàn nước Mỹ có khoảng 1.800 trường đại học. Năm 2019, tổng số du học sinh tại Mỹ là 1,1 triệu người, tương đương 5,5% tổng số sinh viên đại học tại Mỹ. Trong đó, khoảng 432.000 người học đại học, 378.000 người học cao học hoặc tiến sĩ, hơn 62.000 người học nghề và hơn 223.000 người ở lại thực tập sau khi học xong (Optional Practical Training - OPT).

Năm 2015, du học sinh chiếm 12% tổng số sinh viên tại Mỹ và đóng góp 30% ngân sách các trường đại học. Năm 2018, du học sinh đóng góp nguồn thu nhập tương đương 45 tỷ USD và tạo ra gần 500.000 việc làm.

Năm 2019, năm quốc gia có nhiều du học sinh nhất ở Mỹ là Trung Quốc (369.548), Ấn Độ (202.014), Hàn Quốc (52.250), Saudi Arabia (37.080) và Canada (26.122).

Theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Việt Nam đứng thứ sáu với 24.392 người, trong đó, 69,9% học cử nhân, 15,2% học cao học hoặc tiến sĩ, 10,2% là OPT và 4,6% là học nghề.

13 của Mỹ có nhiều du học sinh nhất là California, New York, Texas, Massachusetts, Illinois, Pennsylvania, Florida, Ohio, Michigan và Indiana.

Vì sao du học sinh học trực tuyến 100% phải về nước?

Theo luật hiện hành, du học sinh phải đến lớp học ít nhất một lớp trong suốt khóa học. Quy định này đã dễ dàng hơn rất nhiều so với gần 20 năm trước, khi mà sinh viên phải đến lớp hầu hết các khóa học.

Tuy nhiên, hôm 13/3, quy định này tạm thời được ngưng áp dụng khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì đại dịch COVID-19, tất cả các trường học bị đóng cửa, các lớp học chuyển qua học trực tuyến.

Ngày 6/7, chính phủ Mỹ thông báo, du học sinh học trực tuyến 100% phải về nước, nếu không sẽ bị trục xuất.

Trả lời phỏng vấn đài CNN sau khi thông báo được đưa ra, ông Kenneth Cuccinelli, Quyền Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nói: "Nếu không phải là sinh viên hoặc học trực tuyến 100%, những người này không có lý do gì ở lại Mỹ. Họ nên về nước và sau đó có thể trở lại khi trường học mở cửa".

Harvard và MIT nộp đơn kiện

Một ngày sau khi lệnh đòi trục xuất du học sinh được đưa ra, hai trường đại học Harvard và MIT nộp đơn kiện tại tòa án liên bang ở thành phố Boston, đòi các giới chức di trú liên bang không được thi hành lệnh vừa được ban hành.

Chuyện rút lệnh trục xuất du học sinh tại Mỹ: Sinh viên quốc tế bị lạc đạn mùa bầu cử - Ảnh 2.

Du học sinh đại học MIT tham dự một cuộc diễn hành. (Nguồn: Facebook MIT Internationals)

Hai trường đại học này cho rằng, lệnh này vi phạm đạo luật về thủ tục ban hành các luật lệ của chính quyền liên bang được thông qua năm 1946. Theo Harvard và MIT, giới chức liên bang vi phạm luật vì không đưa ra được giải thích hợp lý vì sao họ có biện pháp di trú mới này và cũng vì công chúng không được thông báo để góp ý trước.

Đại học Harvard cho biết, lệnh này ảnh hưởng tới khoảng 5.000 du học sinh của trường.

Đơn kiện của hai trường này được ba trường đại học nổi tiếng khác của Mỹ là Cornell, Yale và Stanford cùng với khoảng 200 trường khác ủng hộ.

Ngoài ra, 17 bang và thủ đô Washington DC cũng nộp đơn kiện Bộ An ninh Nội địa Mỹ.

Du học sinh bị "lạc đạn" mùa bầu cử

Trong không khí mùa bầu cử Tổng thống Mỹ, sẽ diễn ra vào ngày 3/11, các chính trị gia thường đưa ra một số quyết định mang tính chính trị. Tổng thống Donald Trump cũng không ngoại lệ.

Vì đại dịch COVID-19, nhiều tiểu bang và trường học phải đóng cửa. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lại muốn mở vì ông muốn đẩy nền kinh tế đi lên để dễ dàng tranh cử.

Chuyện rút lệnh trục xuất du học sinh tại Mỹ: Sinh viên quốc tế bị lạc đạn mùa bầu cử - Ảnh 3.

Du học sinh của đại học Cornell University. (Nguồn: sce.cornell.edu)

Trong một cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 7/7, ông Trump cho biết sẽ gây sức ép buộc các Thống đốc và chính quyền địa phương mở cửa trường học. Ông cũng đe dọa trừng phạt các đại học bằng cách cắt trợ cấp liên bang và xem xét lại quy chế miễn thuế của họ.

Sau đó, ông Trump liên tục đăng tweet rằng, các trường học phải mở cửa và rằng phía Đảng Dân chủ muốn đóng cửa trường "vì lý do chính trị chứ không phải vì lý do sức khỏe".

"Họ nghĩ điều này sẽ giúp họ trong tháng 11. Sai rồi, người ta sẽ biết chuyện này" - ông Trump từng tweet như vậy.

Rút lại lệnh trục xuất du học sinh

Khi báo cho Chánh án Burroughs biết quyết định rút lại lệnh buộc du học sinh về nước, Bộ An ninh Nội địa Mỹ không đưa ra lời giải thích. Nhà Trắng cũng không cho biết lý do.

Tuy nhiên, đằng sau động thái này có thể là do Bộ An ninh Nội địa Mỹ nhận thấy, lệnh này được đưa ra không đúng thời điểm và nếu bị tòa xử thua, có thể tạo ảnh hưởng không tốt cho Tổng thống, nhất là với các phán quyết gần đây của Tòa án tối cao Mỹ.

Trong hơn 3 năm qua, khi một quyết định do Tổng Thống Trump đưa ra, nó thường bị các tổ chức hoặc người dân kiện, có khi lên tới tòa kháng án và cuối cùng là Tòa án tối cao, nơi có tới 5 trong số 9 thẩm phán được các Tổng thống Đảng Cộng hòa bổ nhiệm, được coi là lợi thế của ông Trump, một người cũng thuộc đảng này.

Tuy vậy, trong thời gian qua, cơ quan tư pháp cao nhất Hoa Kỳ thường có những phán quyết không có lợi cho Tổng thống. Đó là các vấn đề liên quan đến người đồng tính, phá thai, tiểu bang trú ẩn, DACA (Chương trình bảo vệ trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp) và ngay cả hồ sơ thuế của cá nhân ông Trump.

Nhiều người cho rằng, có lẽ vì vậy mà Bộ An ninh Nội địa Mỹ rút lại lệnh này vì không muốn bị tòa ra phán quyết không có lợi vào lúc Tổng thống đang vận động tranh cử.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước