Các tay súng IS. (Ảnh: Business Insider)
Giới chức chống khủng bố Mỹ cảnh báo thất bại liên tiếp tại các chiến trường ở Syria và Iraq không đồng nghĩa với thu hẹp tầm ảnh hưởng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên phạm vi toàn cầu. Trái lại, đây có thể là chất xúc tác khiến chúng đẩy mạnh vươn vòi bạch tuộc ra các phần còn lại của thế giới.
Phát biểu ngày 27/9 với các thành viên Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện Mỹ, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ Nick Rasmussen khẳng định, tình hình chiến sự tại Iraq và Syria khiến IS bắt đầu chuyển sang chiến lược bành trướng mới, tập trung vào các cuộc tấn công trên diện rộng, kích động tư tưởng thánh chiến trong một bộ phận không nhỏ các phần tử cực đoan đang "náu mình" ở các nước, đặc biệt là châu Âu sau làn sóng di cư ồ ạt 2 năm qua. Thực tế này đang đặt ra thách thức lớn đối với các nước.
Trong những tháng qua, lực lượng liên quân chống khủng bố do Mỹ đứng đầu đã đánh đuổi các tay súng IS khỏi các "thành trì" chủ chốt của chúng ở Iraq như Mosul và Tal Afar. Liên quân cũng sắp giải phóng thành phố Raqa, một sào huyệt khác của IS ở Syria. Các diễn biến này đã khiến các tay súng thánh chiến phải chuyển xuống vùng thung lũng sông Euphrates, nơi liên quân cũng đã lên kế hoạch bao vây tới đây.
Trong phát biểu của mình, ông Rasmussen nhận định: "Chiến thắng trên thực địa ở những nơi như Mosul và Raqa là quan trọng, song chưa đủ để triệt tiêu mối đe dọa IS". Ông nhấn mạnh rằng dù thất bại trên thực địa, IS đang và sẽ tiếp tục tuyển dụng các tay súng trên khắp thế giới, sẵn sàng tiến hành các vụ tấn công mới. Tuy nhiên, ông cho biết số tay súng IS là người nước ngoài đang rời khỏi các vùng xung đột tại Trung Đông trở về quê hương không lớn như con số "hàng nghìn tay súng" mà nhiều người ta lo ngại. Thay vào đó, hầu hết chúng chọn cách "ở lại và tử thủ" với IS. Điều đáng quan ngại là các phần tử "hồi hương" đều là những đối tượng thiện chiến, có đầu óc tổ chức, có khả năng hành động độc lập và có các mối liên hệ với cộng đồng cực đoan ở châu Âu và trong lòng nước Mỹ. Chính vì vậy, chúng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh rất cao.
Giới chuyên gia chống khủng bố của Mỹ dự báo rằng khi thất bại hoàn toàn trên thực địa, IS sẽ chuyển sang dạng thức tồn tại âm thầm trước đây, như lực lượng Al-Qaeda tại Iraq trong giai đoạn từ năm 2004 - 2008.
Thêm bằng chứng cho thấy những khó khăn trong việc tiêu diệt hoàn toàn IS đó là sau khi các tài khoản Twitter và Facebook bị đánh sập, cỗ máy tuyên truyền thánh chiến của IS đã nhanh chóng chuyển sang việc sử dụng các ứng dụng tạm thời, đặc biệt là trên Instagram.
Những kẻ ủng hộ IS tự xưng đã lợi dụng một ứng dụng chỉ hiện nội dung trong một khoảng thời gian nhất định nhằm mục đích truyền bá tư tưởng khủng bố, đó là sử dụng tính năng "mẩu chuyện" trên Instagram cho phép lưu giữ các dòng đăng tải trong vòng 24 giờ. Cụ thể, một phân tích của nhóm nghiên cứu phần mềm Andrea Stroppa xác định hơn 50.000 tài khoản có liên hệ tới các phần tử ủng hộ IS đã đăng các câu chuyện tuyên truyền trên Instagram.
Instagram thuộc sở hữu của Facebook, vốn đang chịu áp lực đóng các tài khoản có liên quan những kẻ ủng hộ IS sau khi chính phủ các nước cho rằng mạng xã hội này được sử dụng như một công cụ truyền bá và chiêu mộ khủng bố. Trong giai đoạn cao trào của hoạt động tuyển mộ vào năm 2014 và 2015, hiệu quả tuyên truyền của IS được xem là khá cao so với các nhóm cực đoan khác.
Theo trung tâm nghiên cứu chính sách hàng đầu của Anh Policy Exchange, khả năng khôi phục mạng lưới trực tuyến của IS không hề suy giảm. Policy Exchange phát hiện hoạt động của IS đang tập trung vào tốc độ và sự linh động giữa các nền tảng. Kể cả khi bị thua trên chiến trường, tần suất hoạt động trực tuyến của IS vẫn rất ổn định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!