Phiên điều trần vụ máy bay Boeing bung cửa giữa không trung
Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ đã mở phiên điều trần trong 2 ngày 6/8 và 7/8 để lấy thông tin từ các nhân chứng liên quan vụ máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Alaska Airlines bị bung tấm bịt cửa giữa không trung xảy ra hồi đầu năm nay.
Phiên điều trần diễn ra tại thủ đô Washington nhằm xác định sự thật, hoàn cảnh và nguyên nhân dẫn đến sự cố hy hữu, từ đó đưa ra các khuyến nghị để cải thiện điều kiện an toàn giao thông.
Vụ việc xảy ra vào ngày 5/1 khi chiếc máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines đang thực hiện chuyến bay từ Portland, bang Oregon đến thành phố Ontario, bang California. Một tấm bịt cửa sổ ở hàng ghế thứ 26 của máy bay bất ngờ bật tung chỉ vài phút sau khi cất cánh. Hành khách đã tiếp xúc với không khí ngoài trời ở độ cao gần 5.000 mét. Phi công sau đó đã nhanh chóng giảm độ cao và điều khiển chiếc máy bay chở 177 hành khách hạ cánh trở lại Portland an toàn.
Sau khi điều tra, nhà chức trách phát hiện 4 bu lông cố định tấm chắn cửa đã bị mất. Trước đó, các nhân viên của Boeing đã tháo 4 bu lông khỏi những vị trí này trong quá trình kiểm tra và sau đó không lắp lại đúng cách trước khi giao máy bay vào tháng 10/2023.
Boeing cam kết ngăn ngừa tái diễn sự cố bung cửa
Boeing cam kết sẽ thay đổi thiết kế máy bay để ngăn ngừa sự cố bung cửa giữa không trung như trường hợp máy bay 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines hồi tháng 1 năm nay.
Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách chất lượng của Boeing cho biết hãng đang nghiên cứu thay đổi thiết kế cửa và hy vọng có thể triển khai trong năm nay để ngăn ngừa sự cố lặp lại.
Các nhà điều tra xác nhận cửa của chiếc máy bay 737 MAX 9 bị bung đã bị thiếu 4 bu lông. Tuy nhiên, Boeing chưa xác định được ai là người đã tháo và lắp lại cửa máy bay trong quá trình sản xuất.
Phiên điều trần điều tra về chuyến bay 1282 của Alaska Airlines tại trụ sở Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ vào ngày 6/8 tại Washington, D.C. (Ảnh: AFP)
Boeing liên tiếp vướng sự cố
Liên tiếp những sự cố như bung cửa giữa không trung, phát hiện sai phạm trong quá trình giám sát quản lý chất lượng, cháy động cơ và ngừng hoạt động trên không… khiến danh tiếng của Boeing bị ảnh hưởng nghiêm trọng và dẫn đến thiệt hại tài chính khó lường, đồng thời đe dọa gây ra các tác động sâu rộng lên toàn ngành hàng không Mỹ.
Đối với Boeing, năm 2024 dường như không thể tệ hơn khi hãng này liên tục vướng phải rắc rối.
Ngày 12/3, một chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không LATAM Airlines (Chile) trên đường từ thành phố Sydney (Australia) đến thành phố Auckland (New Zealand) bị đột ngột hạ độ cao khi đang ở giữa hành trình, khiến hành khách kinh hoàng, hàng chục người bị thương. Sau đó, cơ trưởng của chuyến bay cho biết sự cố xảy ra do ông bị mất kiểm soát máy bay tạm thời. Trong khi đó, hãng hàng không LATAM giải thích nguyên nhân là do sự cố kỹ thuật, dẫn tới sự rung lắc mạnh trên không và khiến máy bay bị giảm độ cao đột ngột.
Chỉ 3 ngày sau, Cục Hàng không Liên bang Mỹ và hãng hàng không United Airlines cho biết một máy bay Boeing 737-800 của hãng chở 139 hành khách đã mất một tấm kim loại ở vỏ máy bay, nhưng phải đến khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Rogue Valley Medford ở bang Oregon, nhân viên kỹ thuật mới phát hiện được.
Sáng sớm 9/5 (giờ địa phương), một máy bay Boeing B737-300 do hãng Air Senegal thuê đã trượt khỏi đường băng trong lúc cất cánh tại sân bay ở thủ đô Dakar. Ít nhất 10 người bị thương. Các hình ảnh cho thấy máy bay nằm trên bãi cỏ với một cánh bị hư hỏng.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ cũng từng báo cáo kết quả cho thấy dòng máy bay 737 MAX không vượt qua được cuộc kiểm tra toàn diện khi chỉ đạt 33 trong tổng số 89 bài kiểm tra. Cơ quan này cũng cảnh báo những vấn đề an toàn với thiết bị làm tan băng trên các mẫu 737 MAX và 787 Dreamliner có thể khiến động cơ mất lực đẩy.
Chuỗi sự cố đã khiến nhà sản xuất máy bay Boeing bị Cục Hàng không liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ theo dõi gắt gao. Đồng thời, nhiều hãng hàng không Mỹ và các nước đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong năm 2024 để đối phó với nguy cơ thiếu hụt phương tiện.
Đối mặt những vụ kiện tụng, các khoản tiền phạt cùng tổn thất trong hoạt động kinh doanh, Boeing đứng trước nguy cơ có thể mất thêm hàng tỉ USD trong thời gian tới.
Bản trình chiếu được hiển thị trong phiên điều trần của Boeing (Ảnh: AFP)
Hoán đổi vị trí trên thị trường hàng không
Thời điểm Boeing bị thất thế cũng là lúc các đối thủ khác trên thị trường hàng không tận dụng cơ hội. Trong suốt nhiều năm qua, Airbus vẫn luôn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên bầu trời, cùng Boeing chi phối gần như độc quyền ngành hàng không thế giới. Tuy nhiên, hiện còn có cả những cái tên mới đầy tiềm năng khác.
Mức vốn hóa Boeing luôn lớn hơn Airbus kể từ khi Airbus lên sàn chứng khoán vào tháng 7/2000. Tuy nhiên, điều đó đã đảo ngược từ giữa năm 2022 sau những sự cố đáng thất vọng từ nhà sản xuất máy bay Mỹ.
Trong khi Boeing loay hoay với bài toán trì trệ sản xuất và các vụ kiện tụng, Airbus đã nhanh chóng tranh thủ cơ hội, vượt lên dẫn trước với doanh số bán hàng mạnh mẽ. Năm 2023, Airbus đã củng cố vị thế là hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới năm thứ 5 liên tiếp. Năm 2024, hãng cũng được dự báo sẽ giao nhiều máy bay hơn và nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn so với Boeing.
Một đối thủ tiềm năng đã được nhắc đến từ lâu là Comac - hãng sản xuất máy bay Trung Quốc. Comac hồi tháng 2 đã ra mắt dòng máy bay chở khách thân hẹp C919 và đã được cấp phép đưa vào khai thác tại thị trường nội địa. Comac được kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh được một phần thị trường hàng không thương mại toàn cầu khi đang xin các cơ quan quản lý quốc tế cấp phép. Hiện Comac đang hợp tác phát triển máy bay thân rộng CR929 với Nga.
Bên cạnh Comac, còn những đối thủ tiềm năng khác như tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng Brazil Embraer - có thể được khuyến khích tham gia vào thị trường hàng không dân dụng. Embraer là nhà sản xuất máy bay dưới 120 chỗ ngồi dành cho các chuyến bay ngắn hàng đầu trong khu vực.
Boeing là tập đoàn có ảnh hưởng đặc biệt đối với nền kinh tế Mỹ vì đây là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất đất nước. Ở thời điểm hiện tại, Boeing được cho là có thể trông đợi vào việc các hãng hàng không đang cần máy bay khi nhu cầu đi lại tiếp tục tăng lên, trong khi Airbus đã kín đơn đặt hàng cho đến năm 2030. Đây chính là cơ hội để Boeing giành lấy các đơn đặt hàng và xoay sở vượt qua thời kỳ khó khăn.
Về lâu dài, giới phân tích cho rằng các khó khăn của Boeing có thể khắc phục được nhờ những nỗ lực hợp lý hóa sản xuất, giải quyết các vấn đề về chất lượng và xây dựng lại niềm tin của khách hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!