Chữa chứng "lười hẹn hò" ở giới trẻ châu Á

VTV Digital-Thứ năm, ngày 13/06/2024 15:36 GMT+7

VTV.vn - Không kết hôn, không sinh con cũng không gặp gỡ, tìm người yêu - làn sóng người trẻ trong độ tuổi 30 đang trốn tránh việc hẹn hò ngày càng phổ biến tại các nước châu Á.

Bùng nổ chương trình thực tế về hẹn hò tại Hàn Quốc

"Chủng tộc đơn độc" là cụm từ truyền thông đang nhắc tới rất nhiều những năm gần đây để phản ánh xu hướng chọn độc thân thay vì có đôi có cặp đang bùng nổ trong giới trẻ châu Á. Xu hướng này xuất phát từ việc ngày càng nhiều người trẻ không bận tâm tới việc hẹn hò và kết hôn và cũng không ngại vấp phải những tranh cãi về lựa chọn này.

Dù vì lý do gì thì làn sóng này cũng đang gây lo ngại bởi nó là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sinh tại châu Á liên tục giảm những năm gần đây. Với hy vọng cải thiện tình hình, chính quyền Seongnam - thành phố ở phía Đông Nam của thủ đô Seoul, Hàn Quốc - đã đứng ra tổ chức buổi tiệc "mai mối" để các bạn trẻ đến tham dự và tìm kiếm tình yêu.

Trong một khách sạn gần thành phố Seoul, không gian được trang trí thật lãng mạn với nền nhạc là những bài hát lễ hội vui vẻ, có khoảng 100 người đàn ông và phụ nữ Hàn Quốc trong trang phục đẹp nhất với bảng tên gắn trên áo, hy vọng tìm được một nửa của đời mình. Họ là những người tham gia một sự kiện hẹn hò do thành phố Seongnam tổ chức. Theo những người thực hiện, đây là một nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm khi giới trẻ ngại kết hôn chưa muốn trở thành cha mẹ ngày càng nhiều.

Chữa chứng lười hẹn hò ở giới trẻ châu Á - Ảnh 1.

Chị Lee Yu-Mi - cư dân TP Seongnam, Hàn Quốc - chia sẻ: "Về việc có con, trước tiên tôi phải gặp được đối tượng phù hợp, sau đó mới xem xét liệu chúng tôi có điều kiện tốt để sinh con hay không. Có rất nhiều thứ phải suy nghĩ".

Để khuyến khích những người trẻ không có cơ hội gặp mặt trực tiếp thường xuyên, nhiều ứng dụng hẹn hò và chương trình truyền hình thực tế đã ra đời. Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc càng thích những bộ phim tình cảm mùi mẫn, kịch tính bao nhiêu thì lại càng sợ hẹn hò bấy nhiêu. Cho Sung-ho và Lee Sang-mi, một cặp đôi xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế gần đây, đã chung sống 10 năm, song, có kết hôn hay không vẫn là một vấn đề gây căng thẳng đối với họ.

Chị Lee Sang-mi cho hay: "Tại sao phải lấy chồng? Hiện tại tôi thấy thoải mái nhất và không hiểu sao mình lại phải lấy chồng và làm nhiều việc hơn như về thăm bố mẹ hai bên mỗi dịp lễ tết hay sinh nhật".

Nhà sản xuất chương trình khẳng định chương trình không cổ xúy và biện minh cho lối sống thử khi chưa kết hôn mà chỉ muốn xã hội có cái nhìn khách quan hơn khi tiếp cận vấn đề 3 không của giới trẻ - không hẹn hò, không kết hôn và thậm chí không sinh con.

Phiên chợ mai mối tại Trung Quốc

Một công viên ở thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) tấp nập các ông bố bà mẹ đi "tiếp thị" với hy vọng tìm cơ hội hẹn hò cho con mình. Với những tờ giấy ghi thông tin như tuổi tác, nghề nghiệp và sở thích, các bậc phụ huynh cần mẫn tìm kiếm, lựa chọn và trao đổi thông tin cho nhau, thay mặt con cái đứng ra sắp xếp buổi ra mắt để ghép đôi.

Hay như tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), chương trình "Bà Vương nói chuyện mai mối" đang trở thành một trong những sự kiện hút khách du lịch hàng đầu nhờ mô phỏng theo tục làm bà mai thời xưa ở Trung Quốc và được đánh giá cao hơn nhờ sự chân thật và cơ hội tương tác trực tiếp.

Vì sao chính phủ Nhật Bản thúc đẩy hẹn hò?

Có thể thấy việc người trẻ thờ ơ hẹn hò không chỉ là mối bận tâm của những ông bố, bà mẹ sốt ruột cho con cái mà còn đang khiến cả xã hội muốn chung tay vào giúp người trẻ kết đôi với nhau. Việc chính phủ phải xắn tay vào hối thúc giới trẻ tìm hiểu yêu đương cũng là câu chuyện tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản - nơi sắp ra mắt một ứng dụng hẹn hò do chính chính quyền thành phố bảo trợ.

Nhật Bản thúc đẩy hẹn hò của các cặp đôi mục đích chính là để tăng tỷ lệ kết hôn và sinh con. Nước này đang phải đối mặt với thách thức về nhân chủng học khi tình trạng già hóa dân số và giảm tỷ lệ sinh đang ở mức độ báo động. Thống kê được Bộ Y tế Nhật Bản đưa ra đầu tháng 6 cho thấy tỷ lệ sinh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi thống kê bắt đầu được thực hiện từ năm 1947. Tỷ lệ sinh trung bình chỉ là 1,2, tức là trung bình 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có 1 - 2 con. Tại các thành phố lớn như Tokyo, tỷ lệ này còn thấp hơn khi chỉ là 0.99. Trong khi mức tỷ lệ sinh đảm bảo an toàn mà Nhật Bản hướng tới là 1,8 - 2,2.

Chữa chứng lười hẹn hò ở giới trẻ châu Á - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Savvy Tokyo)

Trên khắp Nhật Bản, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp hỗ trợ kết nối những người độc thân có kế hoạch kết hôn cùng với đó là hỗ trợ giải quyết các lo lắng khi kết hôn, nhất là các áp lực về tài chính. Tại tỉnh Miyagi phía Đông Bắc Nhật Bản, người dân có thể tìm bạn đời thông qua dịch vụ mai mối có trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) do chính phủ tài trợ.

Tại tỉnh Ehime, chính quyền địa phương cung cấp một ứng dụng mai mối dựa trên dữ liệu cư dân. Tại Tokyo, chính quyền thành phố mở lớp dạy các kỹ năng hẹn hò cơ bản, chẳng hạn như nghệ thuật trò chuyện và mới đây là phát triển một ứng dụng có tên "Câu chuyện hai người Tokyo", những người độc thân sẽ phải trải qua phỏng vấn để xác định danh tính và nộp giấy tờ chứng minh độc thân. Đây là một một phần trong nỗ lực gần đây để thúc đẩy tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh của Nhật Bản.

Thách thức thay đổi tâm lý những người ngại hẹn hò

Ăn một mình, uống rượu một mình, xem phim một mình, du lịch một mình… đều đã trở thành xu hướng không còn lạ lùng trong giới trẻ. Vô số các lý do có thể được đưa ra để giải thích cho lối sống cô đơn theo lựa chọn, kéo theo việc kết hôn và sinh con cũng trở nên xa vời. Các giá trị cá nhân mà giới trẻ theo đuổi như tự chủ, độc lập và cả vai trò của mỗi giới trong một gia đình đang trở nên mâu thuẫn với các quan niệm về hôn nhân truyền thống tại châu Á. Đó là các lý do của tình trạng "ngại hẹn hò". Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thay đổi tâm lý này?

Vấn đề đầu tiên vẫn là "tiền đâu". Tờ Guardian của Anh phân tích rằng chính chi phí sinh hoạt, giá nhà ở quá cao ở Hàn Quốc là nguyên nhân chính khiến người trẻ càng trở nên e ngại chuyện yêu đương và kết hôn. Không những vậy, gánh nặng nuôi con và chi phí giáo dục của trẻ em tăng cao cũng là một phần khiến nhiều người trẻ chọn cuộc sống độc thân.

Thứ hai, những nỗi ám ảnh và định kiến về gia đình truyền thống khiến nhiều phụ nữ đã phải rời bỏ công việc của mình để trở thành những bà nội trợ, cả ngày chỉ tất bật với công việc nhà và chăm con kể từ sau khi kết hôn ở tuổi 30.

Theo báo cáo của Viện Khoa học về sức khỏe tâm thần sinh viên của Trung Quốc, chỉ mỗi chuyện hẹn hò cũng quá tốn kém nên khi nhắc đến hôn nhân, có 42% thanh niên nước này lắc đầu từ chối.

Chữa chứng lười hẹn hò ở giới trẻ châu Á - Ảnh 3.

Lý do thứ ba là ngày càng có nhiều vụ bạo lực, lạm dụng khi hẹn hò bị báo chí đưa tin khiến nỗi sợ giao tiếp với người lạ ngày càng rõ rệt hơn.

Vậy nên giới trẻ có thường có hai sự lựa chọn - một là người yêu không có nhưng chó phải có một con. "Tôi luôn giới thiệu chú chó nhỏ là đứa con trai duy nhất của mình, người thân yêu nhất trên đời. Ngay cả bạn bè cũng không hiểu tôi nhưng chú chó của tôi thì lại giống như một con người. Nó mang đến cho tôi mọi cảm xúc" - ông Lee Jae-Hwan, một người độc thân ở TP Namyangju, Hàn Quốc, chia sẻ.

Lựa chọn khác nữa là hẹn hò với "công nghệ" - chẳng cần người thật việc thật làm gì.

Wang Xiuting, một sinh viên 22, sống tại Giang Tô, Trung Quốc thấy rằng việc hẹn hò với các chàng trai ngoài đời thực là quá nhiều rắc rối nhưng sự tương tác của cô với người yêu ảo lại nhẹ nhàng và thú vị hơn nhiều. "Bạn trai" của cô là một chatbot trong ngành công nghiệp đang nở rộ ở Trung Quốc cung cấp các mối quan hệ thân thiện, thậm chí lãng mạn, giữa con người và robot.

Chị Wang Xiuting - người dùng ứng dụng đồng hành AI "Wantalk" - bày tỏ: "Hẹn hò ngoài đời thực có thể tiêu tốn rất nhiều năng lượng và mỗi người đều có ý kiến riêng, Điều này cũng có thể dẫn đến một số xung đột. Tôi là một người tương đối lười biếng và tôi không muốn tốn nhiều sức lực để duy trì một mối quan hệ lãng mạn trên thực tế".

Chữa chứng lười hẹn hò ở giới trẻ châu Á - Ảnh 4.

Lựa chọn nào cũng có mặt trái của nó bởi khi người lớn càng trở nên cô đơn, chỉ 3 - 4 thập kỷ tới, họ sẽ biến chính nơi họ sống thành một thành phố cô đơn, một quốc gia già cỗi.

Đầu năm nay, hệ thống bán lẻ Gmarket của Hàn Quốc cho biết doanh số bán xe đẩy dành cho thú cưng trong năm 2023 đã vượt doanh số bán xe đẩy trẻ em lần đầu tiên trong lịch sử. Số liệu này đồng nghĩa với số lượng hộ gia đình có thú cưng tại Hàn Quốc ngày càng tăng trong khi tỷ lệ sinh giảm. Dù đây là thống kê đáng giật mình nhưng nó cùng đồng nghĩa với thực tế ngày càng nhiều người cảm thấy hài lòng với những lựa chọn không lập gia đình, không con cái.

Già hóa dân số là vấn đề toàn cầu nhưng đang diễn ra với tốc độ chóng mặt ở nhiều quốc gia châu Á. Các giải pháp ông tơ bà nguyệt có hiệu quả hay không có lẽ sẽ cần thêm thời gian để có câu trả lời. Trong khi đó, giải pháp song song sẽ là học cách hòa nhập với xu hướng này bằng cách tập trung vào việc hỗ trợ kinh tế, việc làm, giảm bớt sức ép tài chính cho người trẻ, có chính sách thai sản hỗ trợ các cặp đôi, từ đó thay đổi tư duy của nhóm này về cuộc sống gia đình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước