Chính sách mới của FED có cho thấy một nước Mỹ "không sợ lạm phát"?

Huệ Anh (Nguồn: CNBC, The New York Times)-Thứ năm, ngày 18/03/2021 20:10 GMT+7

VTV.vn - Kết thúc cuộc họp ngày 17/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tiếp tục duy trì lãi suất thấp gần 0%.

Giữ nguyên mức lãi suất, nâng dự báo tăng trưởng

Kết thúc cuộc họp chính sách quan trọng kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED thông báo sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp 0 - 0,25%, đúng như dự báo của các chuyên gia. Ngân hàng trung ương cho biết họ dự định sẽ không tăng mức lãi suất này cho đến năm 2023, ngay cả khi nước Mỹ tăng trưởng nhanh hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát tăng trên 2%.

"Chúng tôi cam kết hỗ trợ nền kinh tế để nước Mỹ có thể trở lại trạng thái ổn định về giá và việc làm, càng nhanh càng tốt. Sự giúp đỡ này vẫn sẽ tiếp tục đến "chừng nào nền kinh tế cần" - Chủ tịch FED ông Jerome Powell tuyên bố.

Chính sách mới của FED có cho thấy một nước Mỹ không sợ lạm phát? - Ảnh 1.

FED giữ nguyên lãi suất, nâng dự báo tăng trưởng GDP (Nguồn: CNBC)

Ngoài ra, FED còn tiếp tục duy trì chương trình mua vào trái phiếu ít nhất 120 tỷ USD mỗi tháng; đồng thời điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP lên mức 6,5%. Hướng đi trong chính sách của FED cho thấy ngân hàng trung ương đang bám sát kế hoạch tăng trưởng nóng nền kinh tế ngay sau khi Mỹ phục hồi sau đại dịch. Giữ lãi suất thấp sẽ giảm chi phí tín dụng trên toàn nền kinh tế, thúc đẩy nhu cầu đi vay và tăng trưởng.

Quyết định này được đưa ra chỉ sau vài ngày Mỹ thông qua gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD để thúc đẩy nền kinh tế. Ngay cả khi Mỹ đang trên đà phục hồi, ngân hàng trung ương vẫn cam kết giữ tỷ giá thấp nhất lịch sử trong một khoảng thời gian. Theo Robert Frick, chuyên gia kinh tế tại Navy Federal Credit Union, cho biết: "FED sẽ cố gắng giữ vững mục tiêu lần này và không tăng lãi suất quá sớm".

Dù đà tăng giá hiện tại có thể đẩy lạm phát Mỹ chạm 2,4% vào cuối năm nay, song chủ tịch FED cho rằng như vậy là chưa đủ để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thay đổi chính sách. Về quan điểm lãi suất, 4 trong số 18 thành viên FOMC muốn tăng lãi suất trong năm 2022, trong khi 7 thành viên còn lại lại muốn trì hoãn chính sách này tới năm 2023.

Phản ứng của thị trường

Trước đó, thị trường lạc quan cho rằng tăng trưởng GDP Mỹ sẽ ở mức 5-8%, dù phía FED chỉ nhận định nền kinh tế sẽ tăng trưởng 4,2%. Việc FED điều chỉnh dự báo GDP lên mức rất sát với tính toán của giới đầu tư đã khiến phố Wall "vỡ oà". Thị trường "ăn mừng" với sắc xanh ngập tràn vì họ có được 2 thứ từ FED: một là đồng quan điểm rằng kinh tế đang tiến triển rất tốt, hai là FED vẫn cam kết tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế.

Chính sách mới của FED có cho thấy một nước Mỹ không sợ lạm phát? - Ảnh 2.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED (Nguồn: Reuters)

Chốt phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam, thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lập những kỷ lục mới. Trong đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,58%, vượt ngưỡng 33.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Chỉ số S&P500 cũng thiết lập kỷ lục mới, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq ghi nhận mức tăng 0,4%. Thị trường vàng cũng có diễn biến tương tự, với mức giá giao ngay là 1.743,93 USD/ounce, tăng hơn 1%.

Lãi suất ngắn hạn, bao gồm lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã giảm nhẹ ngay sau thông báo của FED. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lại bật tăng lên hơn 1,6% - mức cao nhất kể từ tháng 1 năm ngoái do các nhà đầu tư lo ngại về khả năng tăng trưởng lạm phát sau khi các nền kinh tế tái mở cửa. Tuy nhiên, Ian Shepherdson - chuyên gia thuộc Pantheon Macroeconomics cho biết "lợi suất vẫn gần bằng 0 trong bối cảnh thực tế".

Thị trường chứng khoán châu Á hầu hết cũng phản ứng tích cực sau quyết định giữ nguyên mức lãi suất vay ngắn hạn của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Trong đó, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đều tăng trên 1%. Chỉ có ASX200 của Australia lại diễn biến theo chiều ngược lại, giảm 0,43%.

Chính sách mới của FED có cho thấy một nước Mỹ không sợ lạm phát? - Ảnh 3.

Thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lập những kỷ lục mới sau thông báo của FED (Nguồn: Reuters)

Dù lãi suất của FED không tác động trực tiếp đến người dân Mỹ, song nó lại ảnh hưởng tới khả năng các ngân hàng tính phí lẫn nhau khi cho vay ngắn hạn. Điều này sẽ tác động tới mức lãi suất tín dụng người Mỹ phải trả. Vì vậy, theo một số chuyên gia, đây là thời điểm tốt để tái cấp vốn cho một khoản vay thế chấp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng lãi suất thế chấp đã bật tăng trở lại vào những tháng gần đây sau khi chạm đáy trước đó.

Tuy nhiên, việc FED điều chỉnh dự báo tăng trưởng rất xa dấu mốc đã đưa ra trước đó khiến không ít giới đầu tư lo ngại rằng các chính sách tiền tệ tiếp theo sẽ bị điều chỉnh gấp nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt mốc dự báo quá nhiều.

Việc FED điều chỉnh chính sách khi cần thiết là điều khó tránh khỏi, nhưng theo các chuyên gia, khó có khả năng Fed sẽ dùng tới những công cụ tăng lãi suất trong ngắn hạn. FED có thể sử dụng công cụ mềm hơn là giảm hoặc bỏ hẳn chương trình mua vào trái phiếu 120 tỷ USD/tháng hiện nay, hoặc bán ra trái phiếu để thu lại đồng đô la.

"FED không sợ lạm phát"

Ông Jim Caron - chuyên gia phân tích chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley Investment Management cho biết: "Về cơ bản, xu hướng mua vào cổ phiếu và bán ra trái phiếu vẫn sẽ tiếp tục. Không có tín hiệu nào cho thấy lãi suất sẽ sớm tăng trong tương lai. Điều quan trọng là FED sẽ giữ tỉ lệ lạm phát dưới mức 2% cho đến năm 2023. Trước đó, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng ngưỡng tăng lãi suất là 2,5%".

Theo ông Paul McCulley - Cựu Giám đốc điều hành PIMCO, cuộc họp của FED đã cho thấy sự rõ ràng trong cách tiếp cận lạm phát của ngân hàng trung ương. "Đây là lần đầu tiên FED đưa những số liệu cụ thể như vậy. Họ đã nâng dự báo tăng trưởng. Cuộc họp như một dấu chấm hết cho các quyền ưu tiên mua cổ phiếu".

Chính sách mới của FED có cho thấy một nước Mỹ không sợ lạm phát? - Ảnh 4.

Fed tiếp tục duy trì chương trình mua vào trái phiếu ít nhất 120 tỷ USD mỗi tháng (Nguồn: Reuters)

Mặc dù trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED tuyên bố sẽ không thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào đối với mức lãi suất trong tháng này, giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế vẫn đổ dồn mọi sự chú ý vào Chủ tịch FED xem liệu ông Powell có thay đổi chính sách vào phút chót hay không. Bởi thực tế, một nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, lạm phát gia tăng, còn thị trường chứng khoán thì liên tục nhảy vọt lên mức kỷ lục sẽ khiến chính sách "duy trì lãi suất ở mức thấp" sẽ "không mấy dễ dàng".

Chủ tịch FED ông Jerome Powell cho biết ông khá lo ngại về diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán, dù giá trái phiếu hiện vẫn trong ngưỡng an toàn. "Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Điều quan trọng là nền kinh tế với khả năng thích ứng cao như hiện tại vẫn có thể giúp nước Mỹ đạt được điều đó".

Chính sách mới đã xoa dịu những lo ngại của giới chuyên gia khi họ cho rằng FED sẽ sớm dỡ bỏ một số chương trình nới lỏng. Theo ông Michael Arone - chiến lược gia tại State Street Global Advisors, "Câu nói có sức nặng nhất của ông Powell chính là FED không sợ lạm phát. Powell coi lạm phát năm nay là ‘thoáng qua’. Kết quả là bạn sẽ thấy tỷ giá giảm và chỉ số Nasdaq tăng lên".

Greg Faranello, chuyên gia kinh tế tại Amerivet Securities cho biết ông Powell dường như đã "thăng bằng trên dây" thành công trong cuộc họp lần này. "Powell như một nhạc trưởng vậy. Ông ấy muốn lạm phát cao hơn, tăng trưởng nhanh, đồng thời lãi suất cũng phải thấp hơn".

Còn theo ông James McCann, nhà kinh tế cấp cao tại Aberdeen Standard Investments, "thị trường vẫn sẽ tiếp tục xem xét chính sách mới để hiểu hướng đi của FED dựa trên gói kích thích bổ sung trị giá gần 2.000 tỷ USD". Theo các chuyên gia của Goldman Sachs, cuộc họp này sẽ là "một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với FED", giúp thị trường đón nhận những cú huých mới trong ngắn hạn.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

FED, lạm phát

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước