Chiêu trò lọc rửa máu cho bệnh nhân hậu COVID-19

Nguyễn Mai-Thứ bảy, ngày 16/07/2022 20:35 GMT+7

VTV.vn - 50.000 USD là số tiền mỗi bệnh nhân COVID-19 đang bỏ ra để lọc rửa máu, với hy vọng có thể điều trị được Hội chứng cục máu đông hậu COVID-19.

Số bệnh nhân đang đổ về các phòng khám tư nhân tại Đức, Thụy Sỹ và Cyprus để thực hiện phương pháp lọc máu ngày càng đông. Tuy nhiên, chưa có một cơ sở khoa học chính thức nào công nhận phương pháp này có thể điều trị được hiệu quả.

Phòng khám nội khoa nhỏ ở Mülheim, Đức trông không có điều gì đặc biệt, nhưng hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đang xếp hàng để được vào đây. Theo quảng cáo, phòng khám này cung cấp một điều mà không phòng khám nào khác có thể, đó là xét nghiệm máu cho những bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID để xác định cục máu đông.

Giải thích từ phía phòng khám là, "máu đặc" cướp đi lượng oxy trong cơ thể và là nguyên nhân gây ra một số triệu chứng hậu COVID như mệt mỏi, sương mù não hoặc khó thở. Và việc bệnh nhân cần làm là lọc rửa máu.

Bác sĩ nội khoa Beate Jaeger, người điều hành Trung tâm Lipid North Rhine này, bắt đầu điều trị cho những bệnh nhân mắc hậu COVID bằng phương pháp lọc máu qua bộ lọc heparin, thực chất là phương pháp lọc máu giống như điều trị cho các bệnh nhân suy thận, với mức giá đắt đỏ. "Máu sẽ được đưa vào đây, tách huyết tương ra, huyết tương sau đó sẽ được trộn với chất chống đông máu heparin, rồi dẫn sang ống này. Bạn cũng thấy chất màu trắng này là Fibrinogen, một loại protein được tổng hợp từ gan - liên quan đến quá trình đông máu. Ở ống bên này, chúng tôi kiểm soát quá trình loại bỏ cytokine và chất độc. Ống cuối cùng để kiểm tra độ P.H trước khi máu được bơm lại người bệnh nhân. Máu đã dỏ hơn rồi, không đen như lúc bệnh nhân mới vào đây".

Chiêu trò lọc rửa máu cho bệnh nhân hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Bất kỳ ai không có chuyên môn, khi nghe bác sĩ Jaeger giải thích đều thấy có vẻ hợp lý, thế nhưng phương pháp này lại chẳng ở đâu trên thế giới cấp phép và áp dụng.

Cuộc điều tra do hãng ITV News của Anh, Tạp chí Y học Anh BMJ và kênh truyền hình DW của Đức thực hiện tuần này đã tiết lộ rằng không có bằng chứng nào cho thấy phương pháp này đúng hoặc hiệu quả. Bác sĩ Jaeger cố gắng công bố phương pháp của mình trên một tạp chí y khoa của Đức và đã bị bác bỏ.

Giáo sư Beverley Hunt - Tổ chức Từ thiện Thromboris UK, Anh: "Vấn đề là không có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh rằng lọc máu có thể điều trị được hội chứng cục máu đông triệt để".

Bác sĩ Laura McWhirter - Khoa Tâm lý học và Thần kinh, Đại học Edinburgh, Scotland: "Tôi hiểu nhiều bệnh nhân mắc hậu COVID rất tuyệt vọng, vì thế họ lại càng dễ bị tổn thương khi chấp nhận rủi ro để điều trị bằng các phương pháp có thể không mang đến hiệu quả, hoặc mất rất nhiều tiền và còn gây hại cho sức khỏe".

Chiêu trò lọc rửa máu cho bệnh nhân hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Cũng theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân ngoài lọc máu sẽ được kê đơn uống thuốc chống đông máu, điều này rất nguy hiểm bởi người bệnh không thể cầm máu trong trường hợp xuất huyết hoặc tai nạn.

Anh James Cox - Bênh nhân mắc hậu COVID: "Tôi đã chịu đựng chứng hậu COVID trong suốt 18 tháng. Tôi vừa lọc máu lần thứ hai vào sáng hôm qua, thật khó để nói về hiệu quả thế nào. Tôi chỉ hy vọng có thể quay trở lại là một người chồng, một người cha, là chính bản thân tôi như trước đây, dù chỉ là 10% thành công, tôi vẫn muốn thử".

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính, có gần 1/5 bệnh nhân COVID-19 bị các triệu chứng dai dẳng trên toàn cầu. Cũng tức là có tới hàng chục triệu bệnh nhân đang tìm cách thoát khỏi hậu COVID. Họ cũng có thể trở thành mục tiêu để những phòng khám lang băm dụ dỗ, lừa dối điều trị, để rồi bệnh khỏi hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn sẽ mất rất nhiều tiền.

Cú vấp ngã của những gã khổng lồ công nghệ hậu COVID-19 Cú vấp ngã của những gã khổng lồ công nghệ hậu COVID-19 Tình trạng hậu COVID-19 trên người trẻ là 2 – 5 tháng Tình trạng hậu COVID-19 trên người trẻ là 2 – 5 tháng 68% bệnh nhân tồn tại triệu chứng hậu COVID-19 từ 2 đến 5 tháng 68% bệnh nhân tồn tại triệu chứng hậu COVID-19 từ 2 đến 5 tháng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

hậu COVID-19

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước