Cháy rừng ở khu vực San Ignacio de Velasco, tỉnh Santa Cruz, Bolivia, ngày 25/9 (Ảnh: AFP)
Những đám cháy rừng dữ dội làm tăng hiện tượng mặt đất nóng lên sau vụ cháy. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kết quả quan sát vệ tinh cho thấy tại các khu rừng ôn đới phía Bắc và rừng ở Bắc bán cầu, đám cháy rừng lớn làm gia tăng hiện tượng mặt đất nóng lên vào mùa hè trong hàng thập kỷ sau đám cháy.
Các nhà nghiên cứu cho biết mặt đất nóng lên do cháy rừng nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng tái sinh rừng và thành phần các loài trong rừng sau đám cháy, đồng thời thúc đẩy sự sụt giảm của lớp băng vĩnh cửu và đẩy nhanh quá trình giải phóng carbon hữu cơ từ lớp băng vĩnh cửu.
Nguy cơ cháy rừng phụ thuộc vào một số yếu tố gồm nhiệt độ, độ ẩm đất và sự hiện diện của cây cối, cây bụi và các nhiên liệu tiềm năng khác. Tất cả những yếu tố này đều có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp chặt chẽ với biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu làm tăng tốc độ khô của vật chất hữu cơ trong rừng (vật liệu cháy và lan truyền cháy rừng).
Nghiên cứu cho thấy những thay đổi về khí hậu tạo ra điều kiện ấm hơn, khô hơn. Hạn hán gia tăng và mùa cháy rừng kéo dài hơn đang thúc đẩy gia tăng nguy cơ cháy rừng.
Động vật bị thiêu cháy trong đám cháy rừng ở Capilla del Monte, tỉnh Cordoba, Argentina, ngày 25/9 (Ảnh: AFP)
Khi cháy rừng bắt đầu bùng phát, nhiệt độ ấm hơn và điều kiện khô hơn có thể hỗ trợ cháy lan rộng và khiến chúng khó dập tắt hơn. Điều kiện ấm hơn, khô hơn cũng góp phần vào sự lây lan của bọ cánh cứng thông núi và các loài côn trùng khác có thể làm suy yếu hoặc giết chết cây, tích tụ nhiên liệu trong rừng.
Việc sử dụng đất và quản lý rừng cũng ảnh hưởng đến nguy cơ cháy rừng. Những thay đổi về khí hậu góp phần vào các yếu tố này và dự kiến sẽ tiếp tục làm tăng diện tích bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.
Cháy rừng có thể ảnh hưởng đến gia tăng chi phí dành cho chữa cháy của các quốc gia. Số lượng người dân sống ở vùng đất hoang dã ngày càng tăng đang làm tăng nguy cơ đối với tính mạng, tài sản và sức khỏe cộng đồng do cháy rừng. Khói làm giảm chất lượng không khí và có thể gây ra các bệnh về mắt và đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em và người già.
Cháy rừng ở khu dân cư có thể làm tan chảy đường ống nước bằng nhựa và gây ô nhiễm hệ thống nước bằng chất gây ung thư đã biết.
Là một phần tự nhiên của nhiều hệ sinh thái, mặc dù cháy rừng tạo ra một số khí nhà kính và khí dung bao gồm carbon dioxide, methane và carbon đen, nhưng các loài thực vật tái chiếm các khu vực bị cháy sẽ loại bỏ carbon khỏi khí quyển, nhìn chung dẫn đến tác động trung hòa ròng đối với khí hậu.
Tuy nhiên, khi cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn và thiêu rụi diện tích lớn hơn - như những gì đang xảy ra với biến đổi khí hậu, khí nhà kính thải ra có thể không được loại bỏ hoàn toàn khỏi khí quyển nếu thực vật không thể phát triển đến độ trưởng thành trước khi cháy, hoặc nếu thực vật tái sinh kém hiệu quả hơn trong việc hấp thụ carbon.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!