Châu Âu một lần nữa đối mặt sức ép khủng hoảng di cư trái phép

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 24/08/2023 10:59 GMT+7

VTV.vn - 500 người di cư thiệt mạng chỉ trong một đêm tháng 6 vừa qua. Hơn 2.000 người đã tử vong hoặc mất tích trên Địa Trung Hải trong nửa đầu năm 2023.

Nỗi ám ảnh của người sống sót

Số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy, số người di cư trái phép năm 2023 tăng đáng kể so với 2022, riêng tuyến Địa Trung Hải có tới 2.000 người di cư tử nạn hoặc mất tích. Vì sao dòng người di cư trái phép vào châu Âu tăng trở lại. Thủ đoạn của các đối tượng buôn người là gì và các tuyến đường di cư hiện nay ra sao?

Con đường di cư trên Địa Trung Hải đến châu Âu ngày càng nguy hiểm hơn trong bối cảnh tranh cãi và chia rẽ không hồi kết về thách thức lớn này. Thảm kịch chìm thuyền khiến hơn 500 người thiệt mạng và mất tích ngoài khơi miền Nam Hy Lạp hôm 14/6 một lần nữa khiến nỗi ám ảnh khủng hoảng di cư trở lại với châu Âu. Những người sống sót cũng bị ám ảnh về trải nghiệm kinh hoàng khi mạo hiểm tính mạng theo đuổi giấc mộng đổi đời.

Tháng 6 vừa qua, anh Usman Sadique - cựu cảnh sát người Pakistan đã cùng hàng trăm người di cư khác lên con thuyền đi tìm kiếm vận may tại miền đất hứa châu Âu. Trước khi lên thuyền, những người di cư ở trong một trại tạm ở Libya trong vài ngày, những kẻ buôn người đối xử với họ hết sức tồi tệ.

Usman Sadique kể: "Ở đó chẳng có gì ăn. Mỗi lần mẹ tôi gọi điện hỏi tôi ăn gì chưa, tôi đều phải để điện thoại ra xa vì không đủ can đảm nói thật với mẹ. Tôi đã tính quay về, nhưng nghĩ đến khoản nợ đã vay để có mặt trong chuyến đi này, tôi đành phải dấn bước, vì nếu không chẳng biết xoay đâu mà trả".

Châu Âu một lần nữa đối mặt sức ép khủng hoảng di cư trái phép - Ảnh 1.

Đêm 14/6, chiếc thuyền chở anh Usman cùng hơn 700 người khác, trong đó có nhiều trẻ em, đã bị lật ở vùng nước sâu nhất của Địa Trung Hải và chìm trong khoảng 10-15 phút sau đó. Anh Usman là một trong số ít những người may mắn sống sót, tuy nhiên nỗi ám ảnh vẫn đeo đẳng anh suốt một thời gian. "Ban đêm đi ngủ, tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng hét: Chúng tôi đang chìm, cứu chúng tôi với, và thế là tôi không ngủ tiếp được nữa. Thậm chí đi tắm tôi còn sợ nước và phải để cửa hé mở".

Anh Usman muốn tìm một công việc ở châu Âu để cuộc sống gia đình nơi quê nhà bớt khổ, nhưng giấc mơ ấy đã kết thúc trong đêm định mệnh tháng 6. May mắn sống sót trở về, Usman hiện vẫn chưa có dự định cho tương lai.

Bà Erasmia Roumana - Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn: "Cuộc sống khó khăn, xung đột, chiến tranh… đã thúc đẩy nhiều người thực hiện những hành trình đầy hiểm nguy. Càng đi xa thì càng nguy hiểm, đặc biệt là những chuyến đi biển. Nếu người di cư tiếp tục đi theo những tuyến đường này, những sự cố chết người sẽ tiếp tục xảy ra".

Thực trạng các tuyến đường di cư trái phép vào châu Âu

Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu cho biết, lượng người di cư bất hợp pháp đến Liên minh châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 10% so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, đã có hơn 132 nghìn người tìm cách vượt biên trái phép vào EU trong nửa đầu năm nay. Phần lớn người di cư bất hợp pháp xuất phát từ những khu vực khó khăn ở Trung Đông, Nam Á và châu Phi. Họ di chuyển theo 2 tuyến đường chính để tới châu Âu.

Châu Âu một lần nữa đối mặt sức ép khủng hoảng di cư trái phép - Ảnh 2.

Tuyến thứ nhất là đường bộ, trên những chiếc xe tải ngột ngạt. Hành trình bắt đầu từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Hy Lạp, qua Serbia, từ đây chia hai hướng để tiến sâu vào châu Âu. Hướng phía Nam men theo các nước bên bờ biển Adriatic để tới Italy và các nước Nam Âu khác. Hướng phía Bắc qua Hungary, Áo, Đức rồi có thể tới Pháp và Anh.

Tuyến thứ hai đi đường biển, người di cư tập trung về Tunisia và Libya ở Bắc Phi để lên những con thuyền ọp ẹp, chật chội đến mức quá tải, lênh đênh trên biển tới Italy và Hy Lạp ở phía bên kia bờ Địa Trung Hải. Ngành chức năng cho biết, trong số 132 nghìn người di cư trái phép trong nửa đầu năm nay, thì một nửa lựa chọn tuyến đường nguy hiểm này.

Chi phí mà mỗi người di cư phải trả cho kẻ buôn người trung bình là 2.500 USD, có những trường hợp lên đến 7.000 USD. Nhóm buôn người cố gắng nhồi nhét, đưa càng nhiều người di cư lên 1 chiếc thuyền càng tốt, để chúng hưởng tối đa hóa lợi nhuận.

Cơ quan cảnh sát châu Âu ước tính, các băng đảng tội phạm bỏ túi từ 3 đến 6 tỷ USD từ hoạt động buôn người mỗi năm. Vấn nạn buôn người vượt Địa Trung Hải ngày càng nhức nhối.

Tội phạm buôn người giăng bẫy trên mạng xã hội

Một trong những yếu tố khiến số người di cư trái phép gia tăng trong năm qua, một phần là do các thủ đoạn của đối tượng buôn người trở nên tinh vi. Chúng giăng bẫy tìm con mồi bằng các hình thức truyền thông trên mạng xã hội, tô vẽ hình ảnh những chuyến di cư đầy màu hồng với tương lai sán lạn ở những vùng đất hứa.

Châu Âu một lần nữa đối mặt sức ép khủng hoảng di cư trái phép - Ảnh 3.

Trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube và đặc biệt là TikTok, tài khoản nhiều khả năng là của những kẻ buôn người hoạt động rất tích cực. Chúng thường xuyên đăng tải ra các clip với nội dung người di cư bước ra khỏi xe tải, xe ô tô, đi qua biên giới và tới được châu Âu. Thậm chí có những clip, người di cư kể lại dịch vụ họ mua của kẻ buôn người. Họ sử dụng các từ lóng chỉ việc di cư trái phép như là Trò chơi, Đi taxi, hoặc đi bằng Lừa.

Để làm cho video thu hút người xem hơn thì tội phạm còn sử dụng nhạc nền bắt trend. Ví dụ, để dụ dỗ người có mong muốn di cư ở khu vực Punjab, Ấn Độ, các đối tượng buôn người sử dụng clip có nhạc nền là các bài rap đang thuộc nhóm thịnh hành ở khu vực này. Rất nhiều người đã tin vào những clip giăng bẫy này và trở thành con mồi của những kẻ buôn người.

EU bất đồng về giải quyết vấn đề người di cư

Quan điểm của đa số các nước châu Âu là, nếu một người di cư hội đủ điều kiện tị nạn, thì nghĩa vụ nhân đạo là phải cho người ấy định cư. Hiệp ước đã thông qua hồi tháng 6 theo biểu quyết đa số, nhưng thực hiện đến đâu thì bây giờ còn chưa biết, bởi vì Ba Lan và Hungary từ chối.

Châu Âu một lần nữa đối mặt sức ép khủng hoảng di cư trái phép - Ảnh 4.

Ba Lan sẽ gây sức ép với Liên minh châu Âu bằng cách tổ chức trưng cầu dân ý, với câu hỏi sốc "Có nhất trí nhận hàng ngàn người nhập cư trái phép từ Trung Đông và châu Phi vào Ba Lan hay không?". Hỏi kiểu này thì câu trả lời nhiều khả năng sẽ đối nghịch với Hiệp ước thông qua hồi tháng 6. Lúc này vẫn đang là kỳ nghỉ hè, tới tháng sau chúng ta sẽ biết các nước châu Âu khác phản ứng ra sao trước quyết định của Ba Lan.

Về việc Liên minh châu Âu mới công bố kế hoạch viện trợ cho Tunisia để giảm người di cư vào châu Âu, phía châu Âu muốn hỗ trợ Tunisia tái lập ổn định kinh tế, dựa trên thực tế là, khi kinh tế bất ổn thì người Tunisia bỏ nước ra đi nhiều hơn. Khoản viện trợ 150 triệu euro đã quyết, cộng cam kết sẽ cho vay dài hạn thêm 900 triệu euro. Phần lớn khoản tiền dành chi cho phát triển công nghiệp và năng lượng, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề cho người Tunisia tại chính quê nhà. Ngoài ra là 105 triệu euro nhằm ngăn cản tàu chở người xuất phát từ Tunisia và hồi hương những người châu Phi không đủ điều kiện tị nạn nhưng đã tới được Tunisia chờ thời cơ vượt biển. Dĩ nhiên, khó có thể đánh giá hiệu quả của cách làm này chỉ sau vài tháng, tuy nhiên phía Liên minh châu Âu đã tỏ ý mở rộng cách làm này đối với Maroc và Ai Cập.

Chuyên gia Tổ chức chống buôn người của Liên hợp quốc nhiều lần nhấn mạnh, triệt phá các băng nhóm buôn người chỉ giải quyết bề nổi, nhu cầu di cư của một bộ phận người dân các nước thu nhập là rất lớn, sẽ có những nhóm buôn người khác nổi lên để đáp ứng nhu cầu này. Giải pháp dài hơi và triệt để hơn là những vùng khó khăn phải được hỗ trợ để ổn định kinh tế, tạo được việc làm, giúp người dân có thu nhập ổn định và khôi phục niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn ở quê nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước