Theo các số liệu mới nhất, các kho dự trữ khí đốt ngầm tại châu Âu hiện chỉ còn đầy khoảng 70% công suất, giảm mạnh so với mức 86% cùng kỳ năm 2024. Đây là tốc độ giảm nhanh nhất kể từ năm 2018, làm gia tăng lo ngại về khả năng tái bổ sung dự trữ trước mùa đông tới.
Châu Âu đang tiêu thụ khí đốt với tốc độ nhanh do nhiệt độ tại nhiều khu vực giảm sâu, kéo theo nhu cầu sưởi ấm tăng đột biến. Dự kiến, thời tiết lạnh giá sẽ còn tiếp diễn trong tuần tới, khiến lượng dự trữ tiếp tục giảm. Điều này đặt ra thách thức lớn cho khu vực trong việc chuẩn bị nguồn cung cho mùa đông tiếp theo.
Bà Samantha Dart, trưởng bộ phận nghiên cứu khí đốt tự nhiên tại Goldman Sachs, nhận định: "Nếu mức lưu trữ vào cuối tháng 3 quá thấp, châu Âu sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc bổ sung khí đốt trước mùa đông tới, đặc biệt nếu thời tiết lạnh hơn mức trung bình kéo dài".
Tình hình càng trở nên phức tạp khi Nga đã chính thức ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine từ đầu tháng 1/2025 do thỏa thuận quá cảnh giữa hai nước hết hạn. Châu Âu buộc phải phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ thị trường toàn cầu, khiến khu vực dễ bị tác động bởi biến động giá.
Ngoài ra, sự cố tại nhà máy LNG Hammerfest ở Na Uy - một trong những nhà cung cấp chính - đã làm gián đoạn hoạt động cho đến ngày 9/1. Điều này góp phần đẩy giá khí đốt tại châu Âu tăng thêm 4% trong tuần qua, hiện đang tiệm cận mức cao nhất trong 14 tháng.
Mặc dù chưa có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng ngay lập tức, nhưng giới chuyên gia cảnh báo rằng tình trạng dự trữ sụt giảm nhanh có thể gây ra biến động lớn về giá và làm gia tăng áp lực lên các chính sách năng lượng của châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!