Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường kim loại quan trọng đã tăng gấp đôi từ năm 2017 đến năm 2022. Nhu cầu về khối lượng lithium tăng gấp ba, cobalt tăng 70% và nickel tăng 40%. Trong kịch bản dài hạn với mục tiêu lượng khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050, IEA dự đoán nhu cầu toàn cầu sẽ thực sự bùng nổ.
Những khoáng chất này được gọi là "quan trọng" vì chúng rất cần thiết cho sự phát triển năng lượng sạch và các phương thức vận tải mới. Đồng được biết đến với những ứng dụng truyền thống trong truyền tải điện, nhưng ô tô điện cần một lượng đồng nhiều gấp hai đến ba lần so với ô tô xăng. Kim loại này cũng cần thiết cho việc sản xuất tuabin gió và tấm pin mặt trời.
Các loại đất hiếm được sử dụng để sản xuất nam châm vĩnh cửu trong tuabin gió hiệu suất cao. Chúng cũng được tìm thấy trong điện thoại thông minh, được sử dụng trong sản xuất sợi quang điện.
Cobalt và lithium là thành phần của pin điện lithium-ion. Nickel là thành phần truyền thống của ngành thép không gỉ nhưng cũng rất cần thiết để sản xuất pin điện, giống như than chì và mangan.
Trong báo cáo mới nhất năm 2023 về "vai trò của khoáng sản quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch", Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) xác định trong năm 2022, ba nhà sản xuất khoáng sản quan trọng hàng đầu trên thế giới là Trung Quốc về đất hiếm và than chì, Australia về lithium và Indonesia về nickel.
Trung Quốc nhìn chung có trữ lượng kim loại quan trọng dồi dào, cho phép nước này duy trì nỗ lực sản xuất trong thời gian dài. Nếu tính đến cả trữ lượng của Australia, New Caledonia, Indonesia và Philippines về cobalt và nickel, Việt Nam và Ấn Độ về đất hiếm, thì châu Á-Thái Bình Dương nói chung có tất cả mọi cơ hội để tiếp tục là lục địa trung tâm của các lĩnh vực mới, vốn là cơ sở của quá trình chuyển đổi năng lượng. Sự phân bổ trữ lượng đã được phát hiện theo lục địa, khiến châu Á-Thái Bình Dương chiếm từ 30 đến 60% trữ lượng thế giới tùy thuộc vào từng kim loại.
Trung Quốc duy trì vị thế về khoáng sản quan trọng
Trữ lượng dồi dào về nhiều loại khoáng sản quan trọng là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, để nước này có được vị thế như hiện nay thì không phải là ngẫu nhiên, mà đó là kết quả của hàng chục năm đầu tư và phát triển.
Từ những năm 90 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã chú trọng thúc đẩy khai thác đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác, đi kèm với đó là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của chính phủ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tích cực đầu tư ra nước ngoài để mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên, như Nickel ở Indonesia hay Cobalt ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Nhờ ưu thế khai thác quy mô lớn và sở hữu chuỗi ngành nghề hoàn chỉnh, mà Trung Quốc đã từng bước nắm giữ vị thế thống trị đối với hàng loạt khoáng sản quan trọng như đất hiếm hay than chì.
Những năm gần đây, cùng với việc duy trì vị thế của mình, Trung Quốc đang ngày càng chú trọng hơn đến khai thác bền vững các khoáng sản quan trọng, chiến lược, đồng thời thắt chặt quản lý hoạt động khai thác nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Trong dự thảo Luật tài nguyên khoáng sản sửa đổi mới nhất, nước này đã tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu đẩy nhanh đổi mới sáng tạo về công nghệ, thúc đẩy xanh hóa, thông minh hóa, qua đó nâng cao sức chống chịu và sức cạnh tranh cho ngành khai khoáng.
Châu Âu hướng tới tự chủ nguyên liệu thô quan trọng
Hồi tháng Ba năm nay, Ủy ban châu Âu đã thông qua Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng, nhằm giảm sự phụ thuộc đối với 34 nguyên liệu thô được xác định là tối quan trọng. Đạo luật có 2 mục tiêu.
Thứ nhất là đảm bảo Liên minh châu Âu có thể khai thác được 10% tổng lượng tiêu thụ nguyên liệu thô hàng năm vào năm 2030, xử lý được 40% và tái chế được 15%.
Thứ hai là đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo không có nước nào cung cấp cho Liên minh châu Âu nhiều hơn 65% tổng lượng tiêu thụ một nguyên liệu loại thô, làm như vậy để tránh lệ thuộc vào một đối tác duy nhất.
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, sản xuất công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ đòi hỏi châu Âu phải sử dụng nhiều nguyên liệu thô nhập khẩu.
Các nút thắt trong sản xuất kim loại quan trọng thường liên quan đến khả năng tiếp cận tài nguyên, tính kỹ thuật cao của quy trình cũng như rủi ro môi trường. Xu thế tất yếu trong thời gian tới của các quốc gia đều sẽ là gia tăng đầu tư, đảm bảo nguồn cung về kim loại quan trọng - yếu tố thiết yếu để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!